Hà Nội: Tín dụng tăng 2,04% trong quý đầu năm
Gửi tiết kiệm thế nào có lợi? | |
Tăng trưởng tín dụng quý I sẽ có yếu tố bất ngờ | |
Khách hàng tốt, tài chính minh bạch được vay với lãi suất ngắn hạn từ 4-5% |
Ảnh minh họa |
Một số TCTD tăng nhẹ lãi suất ở các kỳ hạn dài
Theo NHNN Hà Nội, nhìn chung trong quý đầu năm các TCTD trên địa bàn thực hiện nghiêm túc quy định về lãi suất của NHNN. Lãi suất huy động trong quý có biến động, tăng nhẹ do các TCTD triển khai các chương trình thu hút vốn tiền gửi thời điểm cận Tết Nguyên đán 2018.
Hiện lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,9 -5,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 6-7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 7-7,8%/năm.
Nhờ việc triển khai nhiều hình thức tiếp thị, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đưa ra các chương trình khuyến mại như tặng quà, bốc thăm quay số trúng thưởng, tặng thẻ mua hàng, điều chỉnh tăng lãi suất huy động đối với các kỳ hạn dài để thu hút và cải thiện cơ cấu nguồn vốn, nên nguồn vốn huy động của hệ thống ngân hàng tăng trưởng khá.
Cụ thể, tính đến 31/3/2018, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD ước đạt 2.684.465 tỷ đồng, tăng 1,76% so với 31/12/2017 và tăng khá so với cùng kỳ (+25,08%). Trong đó: tiền gửi tiết kiệm tăng 2,83%, tiền gửi thanh toán tăng 1,08%, tiền gửi VND tăng 1,9% và tiền gửi ngoại tệ giảm 1,53% so với cuối năm 2017.
“Nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản suất, kinh doanh và đời sống, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế xã hội”, NHNN Hà Nội cho biết.
Lãi suất cho vay VND phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-6,5%/năm đối với ngắn hạn, các NHTM nhà nước áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 8.5-9%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,5-9%/năm đối với ngắn hạn; 9-11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn được ưu đãi thấp hơn. |
Tín dụng tăng trưởng tốt, tập trung vào sản xuất kinh doanh
Theo NHNN Hà Nội, với mục tiêu đồng hành cùng doanh nghiệp, các TCTD trên địa bàn đã chú trọng tăng trưởng tín dụng, đưa ra nhiều chương trình gói tín dụng ưu đãi, áp dụng các chính sách lãi suất linh hoạt, dành vốn tín dụng cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, hạn chế cho vay những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro đồng thời đảm bảo an toàn, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn tín dụng.
Do đó, dư nợ cho vay của các TCTD đã có sự tăng trưởng ngay từ những tháng đầu năm (tháng 1 tăng 0,6%, tháng 2 tăng 0,62%, tháng 3 tăng 0,81% so với cuối tháng trước), tốc độ tăng dư nợ cho vay tăng cao hơn so với tốc độ tăng nguồn vốn.
Cụ thể, đến 31/3/2018, tổng dư nợ ước đạt 1.632.724 tỷ đồng, có mức tăng trưởng tương đối tốt, tăng 2,04% so với cuối năm 2017 và tăng 18,04% so với cùng kỳ. Trong đó, dư nợ cho vay nền kinh tế ước đạt 1.424.945 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 87,3% tổng dư nợ và tăng 2,32% so với 31/12/2017. Dư nợ ngắn hạn chiếm 38,8% so với tổng dư nợ và tăng 2,87%; Dư nợ trung và dài hạn chiếm 61,2% và tăng 1,53%; Dư nợ bằng VND tăng 2,18%; Dư nợ bằng ngoại tệ tăng 1,22% so với cuối năm 2017.
Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch tích cực, tập trung vào sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên. Theo đó, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 101.385 tỷ đồng, tăng 2,1%; dư nợ cho vay đối với DNNVV đạt 525.178 tỷ đồng, tăng 2,18%; Dư nợ cho vay xuất khẩu đạt 137.792 tỷ đồng, tăng 2%; Dư nợ cho vay đối với các đối tượng chính sách xã hội đạt 6.954 tỷ đồng, tăng 0,87% so với 31/12/2017.
Đặc biệt, các TCTD trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh cho vay theo chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Kể từ đầu chương trình đến nay, cam kết cho vay theo chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đạt 439.633 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt 408.548 tỷ đồng.
Mặc dù tốc độ tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm cao hơn so với huy động, song nhìn chung thanh khoản của các TCTD trên địa bàn vẫn được đảm bảo.