Hà Nội triển khai chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu
Theo đó, nhóm hàng cần tập trung bình ổn giá là những mặt hàng có tính thiết yếu và nhu cầu sử dụng lớn đối với đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân thành phố; có tính nhạy cảm về cung cầu, giá cả, nhưng thành phố khó chủ động về số lượng và nguồn hàng cung ứng một cách ổn định; các mặt hàng lương thực, thực phẩm cân đối cung - cầu tại chỗ trên địa bàn thành phố còn thiếu phải khai thác thu mua ở thị trường ngoài thành phố; những mặt hàng có nhu cầu sử dụng cao trong các dịp lễ, Tết Nguyên đán, khai trường.
Ảnh minh họa |
Năm 2016, với mục đích chủ động đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định giá cả, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, UBND Thành phố triển khai thực hiện Chương trình theo hình thức các doanh nghiệp tự chủ động nguồn vốn tự có của doanh nghiệp và nguồn vốn vay ưu đãi từ các tổ chức tín dụng tham gia Chương trình và đăng ký tham gia Chương trình với các nhóm hàng hóa: Lương thực (gạo, mỳ, phở khô...), thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả tươi, đường, dầu ăn, gia vị (nước mắm, nước chấm, muối, mỳ chính...), sữa (sữa nước, sữa bột, sữa chua). Các nhóm hàng có nhu cầu cao trong thời điểm mùa vụ như trong dịp Tết Nguyên đán: Mứt tết, bánh kẹo, rượu, bia, nước giải khát… Nhóm hàng có nhu cầu cao trong dịp khai trường như: Vở học sinh, bút viết, ba lô, cặp sách, sách giáo khoa.
Doanh nghiệp tham gia Chương trình thực hiện đăng ký giá, kê khai giá với Sở Tài chính theo quy định. Giá bán của các mặt hàng tham gia Chương trình bình ổn được Sở Tài chính tiếp nhận, tổng hợp và công bố rộng rãi. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia Chương trình cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường vào hệ thống với mức chiết khấu ưu đãi, thực hiện việc chia sẻ chiết khấu và các chi phí khác khi có biến động giá nhằm ổn định thị trường. Thời gian thực hiện từ tháng 8/2016 đến hết tháng 7/2017.
Hàng hóa tham gia chương trình bình ổn thị trường đáp ứng 100% là hàng hóa sản xuất trong nước, đảm bảo về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ (có đầy đủ bao gói nhãn mác và các thông tin liên quan đến sản phẩm), vệ sinh an toàn thực phẩm không gây ảnh hưởng đến sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng trong điều kiện bình thường cũng như có biến động giá.
Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế được thành lập, hoạt động theo định của pháp luật, đáp ứng đầy đủ điều kiện đăng ký tham gia và chấp hành các quy định của Chương trình…