Hệ thống ngân hàng đã đóng góp tích cực cho ổn định vĩ mô
Phải có cách dẫn vốn hiệu quả | |
Xu hướng lãi suất: Còn phụ thuộc vào cầu tín dụng | |
Chính sách tỷ giá mới: Bước đi cần thiết |
Ông Phạm Hồng Hải |
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam đã đề xuất như vậy trong cuộc phỏng vấn với Thời báo Ngân hàng.
Xin cho biết đánh giá tổng quan của ông về xu hướng phát triển của hệ thống NH thời gian qua?
Cùng với quá trình chuyển đổi của nền kinh tế, hệ thống NH Việt Nam đã từng bước được đổi mới và định hướng phát triển phù hợp với quá trình tự do hóa tài chính tại Việt Nam, góp phần quan trọng đối với sự ổn định và phát triển kinh tế đất nước.
Trong quá trình đó, không thể không nói tới vai trò của NHNN thể hiện qua vai trò ổn định KTVM, đảm bảo hoạt động lành mạnh của hệ thống NH và góp phần giải quyết những yếu kém của nền kinh tế, đặc biệt sau khủng hoảng tài chính năm 2007.
Có thể thấy vai trò ổn định KTVM của NHNN được thể hiện rõ nét nhất ở hai mảng. Một là, kiềm chế và giữ lạm phát ở mức thấp và ổn định, đồng thời vẫn hỗ trợ cho tăng trưởng ở mức hợp lý. Hai là, bình ổn thị trường tiền tệ, thị trường ngoại hối.
Ông có thể đánh giá rõ hơn về vai trò của NHNN trong các mảng này?
Trong những năm qua, công tác điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) của NHNN tập trung vào việc kiềm chế lạm phát, ổn định KTVM, từ đó góp phần bảo đảm an sinh xã hội. NHNN đã triển khai công tác điều hành, đảm bảo các chính sách, diễn biến tiền tệ phù hợp với diễn biến KTVM trong nước, quốc tế và đi theo các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế.
Kết quả, lạm phát được kiểm soát (từ 18,7% năm 2011 còn 9,1%; 6,6%; 4,1% và 0,6% vào các năm 2012, 2013, 2014 và 2015), hệ thống các TCTD được cơ cấu lại và đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế, khu vực sản xuất từng bước khôi phục và tiếp cận nguồn vốn NH với lãi suất hợp lý, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối được cải thiện, đáp ứng các nhu cầu về ngoại tệ trong các giao dịch kinh tế.
Bên cạnh đó, NHNN đã có những giải pháp kiểm soát thị trường vàng, tiết giảm tình trạng đôla hóa và ổn định thị trường ngoại hối kết hợp với các giải pháp điều hành chính sách tỷ giá chủ động, mang tính dẫn dắt thị trường. Gần đây nhất là Thông tư 24/NHNN về cho vay bằng ngoại tệ đã góp phần vào công cuộc chống đôla hóa trong nền kinh tế.
Đặc biệt, NHNN đã tiến hành các chương trình tái cấu trúc, giải quyết nợ xấu tồn đọng, hoàn thiện cơ chế quản trị rủi ro. Việc ra đời của Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) vào cuối tháng 6/2013 được xem là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực xử lý nợ xấu trong bối cảnh không được sử dụng ngân sách, qua đó góp phần đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu trong thời gian qua.
Với sự chỉ đạo của NHNN, bản thân các NHTM cũng rất tích cực xử lý nợ xấu để làm sạch bảng tổng kết tài sản. Tính tới hết năm 2015, theo số liệu NHNN, tổng nợ xấu ghi nhận đạt dưới 3%.
Cơ chế quản trị rủi ro và đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống đã được củng cố như thế nào trong thời gian vừa qua?
Theo tôi, đây cũng là việc đáng ghi nhận. NHNN đã ban hành và củng cố những quy định an toàn cho hoạt động của hệ thống NH thông qua các quy định an toàn hoạt động của TCTD, quy định về phân loại nợ và trích lập dự phòng và quy định về quản lý rủi ro.
Mỗi NH hiện tại hoạt động dựa trên các tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu để đảm bảo khả năng bù đắp các tổn thất không định trước bằng vốn tự có; tỷ lệ khả năng chi trả để đảm bảo cho NH có đủ thanh khoản khi xảy ra rủi ro xuất phát từ sự mất cân đối về kỳ hạn, nguồn vốn và sử dụng vốn; có giới hạn cấp tín dụng cho một khách hàng và người có liên quan để hạn chế rủi ro do việc tập trung tín dụng; giới hạn góp vốn, mua cổ phần để đảm bảo tránh NH mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực phi tài chính.
Bên cạnh đó, NH phải tuân thủ các quy định về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro để đánh giá chất lượng tài sản “Có”, đảm bảo trích lập dự phòng đầy đủ nguồn tài chính để bù đắp các tổn thất, xác định năng lực, mức độ lành mạnh về tài chính của các TCTD.
Đồng thời, NH phải tuân thủ các quy định về quản lý rủi ro nhằm đưa các yêu cầu về quản lý các rủi ro chính (rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản, rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường) đối với các TCTD, trong đó yêu cầu về trách nhiệm của bộ máy quản trị, điều hành đối với các rủi ro, quy trình quản lý rủi ro, các công cụ đo lường rủi ro và các biện pháp quản lý rủi ro.
Đáng lưu ý, đưa ra các quy định nhưng NHNN cũng thực hiện trách nhiệm thanh tra, giám sát một cách hiệu quả đảm bảo an toàn ở phạm vi vĩ mô và vi mô và tiến hành đánh giá tổng thể mức độ an toàn hệ thống TCTD.
Cùng với việc tích cực triển khai Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015” (ban hành theo Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 01/3/2012) và Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD” (ban hành theo Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 31/5/2013) trong thời gian qua, hệ thống các TCTD đã có nhiều cải thiện về qui mô, chất lượng, hiệu quả hoạt động, mức độ an toàn và khả năng cạnh tranh.
Vậy còn hay không những bất cập cần phải tiếp tục được cải thiện để NHNN thể hiện tốt hơn nữa vai trò ổn định KTVM và đảm bảo an toàn hoạt động NH?
Bên cạnh những nỗ lực rất đáng khích lệ, vẫn còn những bất cập cần phải tiếp tục được cải thiện. Một số công cụ và chính sách vẫn mang nặng tính hành chính, hay thay đổi và nằm ngoài dự kiến của các đối tượng điều chỉnh gây khó khăn cho hoạt động của các TCTD và từ đó hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. NHNN cũng cần những phân tích, đánh giá về tài chính và dự báo xu hướng phát triển của các NHTM để kịp thời điều chỉnh các quy định và biện pháp giám sát.
Bên cạnh đó, hệ thống thống kê, kiểm toán và thông tin tài chính toàn ngành chưa phù hợp với chuẩn mực quốc tế mặc dù đây là công cụ quản lý quan trọng để NHNN giám sát toàn hệ thống. Ngoài ra, NHNN cũng có thể xem xét khả năng cho đóng cửa các NHTM nhỏ và yếu kém để giải quyết dứt điểm thay vì sáp nhập với NH lớn hơn hay mua 0 đồng. Đây sẽ là tín hiệu rất mạnh mẽ ra thị trường và giúp NHNN tập trung nguồn lực để xử lý những NH lớn.
Và đâu là những việc ngành NH có thể và cần làm tốt hơn nữa?
Để thực hiện tốt hơn nữa vai trò của NHNN trong việc nâng cao hiệu quả điều hành CSTT nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định KTVM, NHNN có thể xem xét một số giải pháp trong thời gian tới, bao gồm: Tự do hoá công cụ lãi suất; Đưa ra một số công cụ mới nhằm điều hành lãi suất ngắn hạn một cách linh hoạt.
Hiện công cụ thị trường mở đã được sử dụng hết sức tích cực nhưng vẫn còn nhiều mặt hạn chế như không gây tác động lên toàn bộ thị trường. Vì ậy cần đẩy mạnh việc đổi mới điều hành công cụ thị trường mở; đa dạng hoá hàng hoá giao dịch trên thị trường mở nhằm đáp ứng thanh khoản cho các TCTD.
Bên cạnh đó, tiếp tục điều hành chính sách tỷ giá linh hoạt theo quan hệ cung cầu trên thị trường, trong mối quan hệ phối hợp với lãi suất, nhằm đảm bảo các cân đối vĩ mô: kiểm soát được lạm phát; kích thích xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu; khuyến khích đầu tư nước ngoài vào Việt Nam; tạo điều kiện quản lý và thu hút nguồn ngoại tệ vào hệ thống NH; nâng cao quỹ dự trữ ngoại tệ của Nhà nước.
Xin cảm ơn ông.