Hối thúc cải thiện môi trường đầu tư
Cơ chế đối thoại, được duy trì suốt 11 năm, đã hối thúc các bộ, ngành cùng tháo gỡ vấn đề của ngành mình để Việt Nam ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn trong mắt NĐT.
Nút thắt lao động, sở hữu trí tuệ
Ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết cụ thể hơn về kết quả mà hai bên đã đạt được trong cải thiện môi trường đầu tư. Theo đó, kế hoạch hành động giai đoạn V gồm 13 nhóm vấn đề với 26 hạng mục và 104 tiểu hạng mục, liên quan đến một số nội dung có tính trước mắt cũng như dài hạn.
Cần cải thiện đào tạo nguồn nhân lực, thực thi quyền sở hữu trí tuệ và pháp luật về bảo vệ môi trường
Đó là thực thi luật pháp, chính sách; thuế; hải quan – vận tải; dịch vụ; phi ngân hàng; sở hữu trí tuệ; phát triển công nghiệp hỗ trợ; bán lẻ; môi trường; lao động; ổn định kinh tế vĩ mô; an toàn vệ sinh thực phẩm; và xây dựng kết cấu hạ tầng có sự tham gia của khu vực tư nhân.
Đã có 95 tiểu hạng mục triển khai tốt hoặc đang được triển khai và chỉ có 9 tiểu hạng mục chưa triển khai. Trong số 95 tiểu hạng mục trên, 81 tiểu hạng mục hoàn thành tốt và đúng tiến độ, gồm các vấn đề liên quan đến vận tải – hải quan, thuế, ngân hàng và phi ngân hàng, sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm, xây dựng kết cấu hạ tầng.
14 tiểu hạng mục đang triển khai nhưng chậm tiến độ liên quan đến các nhóm vấn đề về liên kết chiến lược công nghiệp hoá, lao động, bán lẻ, dịch vụ, vận dụng luật. Mặc dù các hạng mục này được đánh giá chậm tiến độ, song nội dung cụ thể của từng hạng mục được hai bên đánh giá tích cực. Một trong những nguyên nhân chính của việc chậm tiến độ là do phía Nhật Bản cần thêm thời gian để cung cấp tài liệu và thu thập đủ thông tin gửi tới các cơ quan phía Việt Nam.
Ngoài ra, một số nội dung liên quan đến việc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật (nghị định, luật) hoặc những vấn đề mang tính chủ trương đòi hỏi thêm thời gian để xử lý hoặc tiếp tục nghiên cứu. 9 tiểu hạng mục chưa được triển khai liên quan đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, thực thi quyền sở hữu trí tuệ và pháp luật về bảo vệ môi trường.
Nâng tầm cơ chế đối thoại
Bước sang giai đoạn VI - năm thứ 12 của cơ chế đối thoại này, công việc chắc chắn sẽ còn bộn bề hơn. Bởi, dưới con mắt của các NĐT nước ngoài, Việt Nam lúc này đã trở thành một phần của thị trường chung ASEAN rộng lớn, khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được hình thành vào năm 2015. Đồng nghĩa với đó là cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư sẽ ngày càng gay gắt hơn.
Ông Yoshihisa Maruta, Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng, đặt trong sự so sánh giữa các quốc gia ASEAN thì Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, song không có nghĩa là không có đối thủ. Hiện nay trong mắt NĐT Nhật Bản, vị trí của Việt Nam đang ngang ngửa với Thái Lan. Khi AEC hình thành thì sự cạnh tranh trong các ngành, lĩnh vực sẽ ngày càng khốc liệt hơn.
Do đó để “ghi điểm”, việc cần làm sớm là có định hướng rõ ràng trong phát triển công nghiệp trung và dài hạn. “Về liên kết công nghiệp hoá, phải nhận ra và đưa ra các chính sách cụ thể trong các ngành dệt may, điện, điện tử, xe hơi”, ông Maruta nói rõ hơn.
Cũng theo ông này, ngay trước mắt các quy định về: nhập khẩu thiết bị máy móc cũ một cách nghiêm ngặt; tốc độ tăng lương tối thiểu vượt chỉ số giá; quy định khắt khe về làm thêm giờ, đang tạo ra trở ngại lớn đối với NĐT. Bên cạnh đó, việc nâng cao môi trường sống cho người lao động cũng là yếu tố quan trọng góp phần cho sự phát triển của DN Nhật Bản tại Việt Nam trong dài hạn.
Ông Hiroshi Fukada, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam đưa ra khuyến nghị, để tăng trưởng bền vững, Việt Nam cần tiếp tục phát triển kinh tế một cách tự lập, dựa trên cơ sở nền kinh tế tự do và mở cửa. Năm 2018, toàn bộ hàng rào thuế quan bị loại bỏ, nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết. Vì thế, trong mạng lưới phân công lao động quốc tế, Việt Nam cần định vị được bằng lợi thế so sánh.
Để làm được điều này, cần xác định lĩnh vực công nghệ tập trung phát triển, chính sách mang tính chiến lược rõ ràng. Đây là yêu cầu có tính cốt lõi cho phát triển bền vững, vì vậy bên cạnh cải cách thủ tục hành chính, tái cơ cấu các lĩnh vực trọng điểm, thì xây dựng cơ chế phân bổ nguồn lực hiệu quả, phát triển DN trong nước, cũng như xây dựng ngành công nghiệp hỗ trợ là vô cùng quan trọng.
Ông Đỗ Nhất Hoàng cũng bày tỏ đồng tình với các ý kiến gợi ý từ các chuyên gia đến từ Nhật Bản và cho biết, môi trường đầu tư – kinh doanh của Việt Nam đã và đang được xây dựng theo hướng minh bạch, có tính giải trình cao và phù hợp với thông lệ tốt của quốc tế.
Do đó, các vấn đề vướng mắc mang tính kỹ thuật hoặc liên quan đến quy trình, thủ tục đã giảm tương đối, thay vào đó là những vấn đề dài hạn, tổng thể hoặc của ngành, của lĩnh vực. Do đó, thời gian tới hai bên sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cách thức hợp tác và báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định vấn đề này.
Để nâng cao hiệu quả của cơ chế đối thoại trong giai đoạn tới, phía Nhật Bản cũng đưa ra đề xuất một số vấn đề hai bên không thể giải quyết được ở phạm vi các vụ cục, vì vậy giai đoạn VI nên chăng tạo ra cơ chế báo cáo ở cấp cao hơn.
Đồng tình với đề xuất này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định các sáng kiến ngày càng đi vào những vấn đề lớn hơn, mang tầm vĩ mô hơn, đòi hỏi sửa đổi cơ chế chính sách nhiều hơn. Do đó với từng vấn đề, hai bên sẽ cân nhắc để trình lên Chính phủ, thậm chí Quốc hội xem xét và giải quyết nếu cần thiết.
Ngọc Khanh