IEA: Giá dầu sẽ có nhiều biến động trong năm 2017
Ảrập Xêút “gương mẫu” cắt giảm sản lượng dầu xuống thấp nhất 2 năm | |
Giá dầu còn áp lực trong dài hạn | |
OPEC cắt giảm sản lượng, giá dầu sẽ đi lên |
Ảnh minh họa |
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã đồng ý vào ngày 30/11/2016 là sẽ cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng dầu/ngày xuống còn 32,5 triệu thùng/ngày trong 6 tháng đầu năm 2017, ngoài 558.000 thùng/ngày được cắt giảm bởi các nhà sản xuất độc lập như Nga, Oman và Mexico.
“Tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ thấy một sự tái cân bằng của thị trường trong nửa đầu năm nay”, Fatih Birol - Giám đốc điều hành IEA (cơ quan giám sát năng lượng toàn cầu có trụ sở tại Paris) cho biết.
“Nhưng những gì tôi muốn nói (là) chúng ta đang bước vào một giai đoạn biến động nhiều hơn trên thị trường... tên của trò chơi là biến động”, ông nói với Reuters TV ở Abu Dhabi.
Giá đầu đã giảm hơn 1% trong phiên giao dịch cuối tuần trước và kết thúc tuần với mức giảm 3% do những nghi ngờ về mức độ cắt giảm của OPEC cộng thêm nỗi lo về triển vọng kinh tế của Trung Quốc - nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, sau khi quốc gia này báo cáo xuất khẩu giảm mạnh nhất kể từ năm 2009.
Birol cho biết, mặc dù thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC có thể đẩy giá dầu tăng cao hơn, tuy nhiên điều đó cũng sẽ khuyến khích các nhà sản xuất tại Hoa Kỳ và các nơi khác đẩy mạnh sản xuất. Bên cạnh đó, giá dầu cao hơn cũng có thể làm suy yếu nhu cầu dầu toàn cầu. “Tôi cho rằng, sản lượng dầu đá phiến của Mỹ sẽ phục hồi trở lại trong năm nay”, Birol cho biết.
Ông cũng nói thêm rằng, sự suy giảm sản xuất dầu của Trung Quốc trong thời gian gần đây do giá thấp có thể được đảo ngược nếu giá dầu tăng.
Dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ cho thấy, sản lượng dầu thô tại Mỹ tăng rất đáng chú ý trong tuần qua, đặc biệt là ở 48 bang miền Nam. Tổng sản lượng là 8.950.000 thùng/ngày vào tuần trước, mức cao nhất kể từ tháng Tư năm ngoái.
Được biết, OPEC và các nhà sản xuất độc lập đang nỗ lực cắt giảm nguồn cung để loại bỏ sự mất cân bằng trên thị trường dầu, qua đó hỗ trợ giá dầu phục hồi. Hiện giá dầu thế giới vẫn đang nằm dưới mức 56 USD/thùng, chỉ bằng một nửa mức giá hồi giữa năm 2014 và điều đó đã làm tổn hại lớn đến các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ.
Birol cho biết mối quan tâm chính của ông bây giờ là sự thiếu hụt đầu tư vào nguồn cung dầu mới sau khi giá dầu đứng ở mức thấp trong hơn 2 năm qua buộc nhiều dự án trên toàn thế giới phải hủy bỏ.
“Năm nay, nếu không có sự đầu tư lớn, rất có thể trong vài năm tới khoảng cách cung – cầu sẽ có những tác động nghiêm trọng trên thị trường”.