IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc
Vì sao IMF hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu? | |
IMF hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu thấp nhất 10 năm | |
IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2019 |
Đáng chú ý, IMF dự báo tăng trưởng của Trung Quốc sẽ tiếp tục chậm lại, chỉ đạt 5,5% vào năm 2024.
Cuộc chiến thương mại đang ảnh hưởng tới kinh tế Trung Quốc |
“Căng thẳng thương mại đã có tác động đáng kể, nhưng theo quan điểm của chúng tôi, cho đến nay, vẫn bị kìm nén”, Kenneth Kang - Phó giám đốc chi nhánh châu Á-Thái Bình Dương của IMF và là trưởng đoàn đến thăm Trung Quốc nói với CNBC trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Tư. “Căng thẳng thương mại bùng phát trở lại là một nguồn không chắc chắn đáng kể và là rủi ro suy giảm đối với triển vọng của chúng tôi... Nhưng tôi nghĩ chúng ta cần phải chờ thêm một vài tháng nữa”, ông nói.
Các cuộc đàm phán giữa Bắc Kinh và chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã trở nên tồi tệ hơn vào đầu tháng 5 với việc Mỹ nâng thuế lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc và ra lệnh cấm các công ty của Mỹ làm ăn với Huawei - gã khổng lồ viễn thông của Trung Quốc. Phía Trung Quốc cũng không chịu lép vế khi cũng quyết định tăng thuế đối với 60 tỷ USD hàng hóa của Mỹ, đồng thời tuyên bố sẽ đưa ra “danh sách các thực thể không đáng tin cậy” cũng như đưa ra một lập trường cứng rắn hơn đối với các yêu cầu của Mỹ.
Dự kiến Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Yi Gang sẽ gặp nhau vào cuối tuần này bên lề Hội nghị các nhà lãnh đạo tài chính G20, nhưng vẫn chưa có xác nhận nào về việc liệu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có gặp gỡ tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản vào cuối tháng để ký kết một thỏa thuận tạm thời hay không.
Áp lực thương mại từ phía Mỹ đến đúng lúc Trung Quốc đang phải đối mặt với tăng trưởng chậm lại. Vào năm ngoái, các nhà chức trách Trung Quốc đã phải công bố một loạt các biện pháp nhằm cải thiện tài chính cho các công ty tư nhân - đóng một vai trò quan trọng trong tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế - cũng như cắt giảm thuế để thúc đẩy tiêu dùng.
Cho đến nay, những nỗ lực đó đã được đền đáp. Kang lưu ý rằng “việc làm đã tăng lên” trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng. “Chúng tôi khuyến khích chính quyền sử dụng nhiều hơn các biện pháp mang tính thị trường thay vì dựa vào các mục tiêu hành chính để cải thiện hiệu quả, để cho khoản vay này bền vững”, ông nói.
Số liệu vừa được công bố trong tuần này cho thấy, chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc đứng ở mức 50,2 điểm trong tháng 5, không đổi so với tháng 4 và chỉ cao hơn một chút so với ngưỡng 50 điểm. Tuy nhiên, chỉ số PMI lĩnh vực dịch vụ đã giảm xuống 52,7 trong tháng 5, mức thấp nhất kể từ tháng 2. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc tăng 6,4% trong quý đầu tiên, không thay đổi so với quý trước, nhưng giảm so với mức 6,8% của 1 năm trước.
“Chính sách kích thích được công bố cho đến nay là đủ để ổn định tăng trưởng trong năm 2019/2020 bất chấp việc tăng thuế quan gần đây của Mỹ”, David Lipton - Phó giám đốc điều hành của IMF cho biết trong một tuyên bố phát hành hôm thứ Tư. “Không cần thêm chính sách nới lỏng bổ sung nào, miễn là (Mỹ) không tăng thuế nữa hoặc không có sự giảm đáng kể tốc độ tăng trưởng”, ông Lipton nói, nhưng lưu ý rằng các biện pháp bổ sung sẽ là cần thiết nếu căng thẳng thương mại leo thang.
Trong một báo cáo được công bố ngày 4/6, các nhà kinh tế của Morgan Stanley cũng hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc xuống còn 6,4% so với dự báo trước đó là 6,5%. Các nhà kinh tế cũng cắt giảm triển vọng của họ đối với kinh tế Mỹ và thế giới, với lý do tranh chấp thương mại. “Căng thẳng thương mại tái trỗi dậy đã dập tắt triển vọng phục hồi tăng trưởng toàn cầu trong nửa cuối năm 2019”, báo cáo này nêu rõ. “Chúng tôi thấy tăng trưởng toàn cầu trì trệ và ở dưới mức tiềm năng trong phần còn lại của năm. Với việc căng thẳng thương mại vẫn đang trong chu kỳ leo thang, triển vọng toàn cầu vẫn nghiêng về suy giảm”. Các nhà kinh tế cũng cảnh báo, nếu mức độ nghiêm trọng của căng thẳng thương mại tăng lên thì “một sự giảm tốc trong tăng trưởng toàn cầu hoặc suy thoái kinh tế là không thể tránh khỏi”.
Trong khi đó, trong Báo cáo triển vọng kinh tế được công bố hôm 4/6, Ngân hàng Thế giới vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc ở mức 6,2% trong năm 2019 như dự báo đưa ra hồi tháng 1. Tuy nhiên dự báo tăng trưởng năm 2020 đã được cắt giảm 0,1 điểm phần trăm xuống còn 6,1%.