Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp ở Hà Tĩnh
“Điểm tựa” cho DN
Với hơn 4.500 DN ở thời điểm hiện tại, Hà Tĩnh trở thành một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng nhanh về số lượng DN. Tuy nhiên, trong đó đa phần là DNNVV, khi chiếm hơn 90% tổng số DN, với số vốn bình quân chỉ đạt 5,5 tỷ đồng/DN…
Quy mô nhỏ nên nhìn chung các DN chưa có chiến lược sản xuất, kinh doanh dài hạn, hiệu quả. Đặc biệt, cũng như nhiều địa phương khác DNNVV ở Hà Tĩnh thành lập chỉ dựa trên kinh nghiệm chuyên môn của một vài cá nhân, nên tính chuyên nghiệp không cao.
Công tác quản lý tài chính, quản trị DN còn yếu; Thiếu nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật, tay nghề cao; Chưa tạo được thương hiệu và sản phẩm có uy tín để tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Đứng trước nhiều khó khăn của DN, đặc biệt DNNVV các TCTD trên địa bàn Hà Tĩnh đã tập trung nhiều giải pháp. Trong đó chú trọng tăng cường kết nối hiệu quả với DN để cùng phát triển. Ông Nguyễn Huy Tiến, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh cho biết, trong quá trình hoạt động, chi nhánh luôn chỉ đạo các TCTD sắp xếp hài hòa giữa nhiệm vụ kinh doanh với vai trò phục vụ, hỗ trợ cho DN…
Tại Hà Tĩnh bên cạnh nguồn vốn NH, được khởi động từ năm 2011 chính sách hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách tỉnh, do NHNN chi nhánh tỉnh làm đầu mối cũng bền bỉ tiếp sức cho DN. Theo đó, chính sách hỗ trợ lãi suất này luôn được điều chỉnh sát với thực tế, phù hợp với nhu cầu của DN.
Nhờ đó, số lượng DN, HTX, chủ trang trại được vay vốn tăng nhanh, doanh số cho vay và số lãi hỗ trợ cao hơn. Đơn cử, tại CTCP Giống cây trồng Hà Tĩnh, chính sách hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách địa phương đã trở thành động lực quan trọng để DN vượt khó. Với nhiều dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, DN đã được vay gần 14,6 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi… giúp DN giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Đại diện DN cho rằng, chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách tỉnh hay các gói tín dụng ưu đãi của NH là những hỗ trợ hết sức cần thiết trong giai đoạn khó khăn, thể hiện sự đồng hành, chia sẻ của chính quyền, NH với DN và tạo môi trường hoạt động thuận lợi, bền vững cho DN hoạt động.
Tăng cường sự kết nối
Theo ông Nguyễn Huy Tiến, một trong những yếu tố dẫn đến sự thành công trong việc hỗ trợ từ NH cho các DN trên địa bàn, chính là tăng cường kết nối một cách có hiệu quả. Theo đó, NHNN chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh đã chủ trì tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, đối thoại, kết nối với nhiều hình thức giữa các TCTD với các DN cùng gỡ khó tín dụng...
Tại những buổi đối thoại này, các TCTD chủ động tìm kiếm, tiếp cận khách hàng, tư vấn, thẩm định, xem xét cho vay, tiếp cận DN có uy tín, có phương án sản xuất kinh doanh khả thi, hiệu quả để đáp ứng nhu cầu vốn và dịch vụ NH.
Đơn cử tại buổi toạ đàm, “NH – DN cùng gỡ khó tín dụng”, do NHNN chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Liên minh HTX và Hiệp hội DN tỉnh vừa mới tổ chức, thu hút hơn 80 DN, HXT tham gia. Tại buổi toạ đàm, đại diện nhiều DN, HTX đã thẳng thắn đặt câu hỏi, các TCTD trả lời rõ ràng những vướng mắc trong quá trình tiếp cận vốn vay, tìm tiếng nói chung, tháo gỡ khó khăn cho DN khi tiếp cận vốn vay. Trong năm 2015, trên địa bàn đã tổ chức 15 cuộc kết nối giữa NH và DN.
Trong đó, ngành NH tổ chức 8 cuộc, phối hợp với các ngành 7 cuộc. Đến nay, dư nợ theo chương trình kết nối đạt 6.377 tỷ đồng, doanh số lũy kế từ đầu chương trình đạt 16.487 tỷ đồng, với hơn 1 nghìn khách hàng DN. Thông qua chương trình, các TCTD trên địa bàn thực thiện cơ cấu lại nợ cho 127 DN…
Để làm “điểm tựa” vững chắc cho DN, chủ động được nguồn vốn giá rẻ để “bơm” ra thị trường, các chi nhánh NHTM trên địa bàn Hà Tĩnh đã tích cực đẩy mạnh công tác huy động vốn. Đến cuối năm 2015, nguồn vốn huy động đạt 30.647 tỷ đồng, tăng hơn 13% so với đầu năm...
Đánh giá hiệu quả hoạt động của ngành NH trên địa bàn, đặc biệt là việc kết nối, hỗ trợ cho DN, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, sự đóng góp của ngành NH trong năm 2015 đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương. Trong đó, các TCTD trên địa bàn đã triển khai quyết liệt các chương trình tín dụng trọng điểm và tổ chức có hiệu quả các chương trình kết nối NH - DN…
Tuy nhiên, cũng theo ông Lĩnh, gỡ khó không chỉ từ vốn NH, bản thân DN cũng phải nỗ lực thực hiện việc tái cấu trúc, lựa chọn chiến lược, quy mô sản xuất kinh doanh phù hợp, chủ động nắm bắt các cơ chế, chính sách ưu đãi; Tuân thủ đúng các điều kiện thủ tục vay vốn để đầu tư an toàn, hiệu quả; Đặc biệt DN cần xác định rõ, việc nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh là yếu tố quyết định để tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn vay...