Khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão
Ngay sau bão tan các cơ quan chức năng các tỉnh đã khẩn trương chỉ đạo các ngành chức năng khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân sớm ổn định cuộc sống.
Người dân tranh thủ lợp lại mái nhà đã bị tốc mái |
Cơn bão thảm khốc
Theo số liệu mới cập nhật, cơn bão đã gây thiệt hại nặng nề, với 46 người chết, 15 người mất tích, 1.358 nhà bị sập đổ, 114.866 nhà tốc mái, hư hỏng, 1.286 tàu cá bị chìm, hư hỏng, 5.296 ha diện tích lúa bị ngập, 14.849 ha diện tích rau màu bị ngập, thiệt hại và 24.435 lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản bị thiệt hại.
Trong đó, tại Phú Yên, toàn bộ trạm biến áp 110 KV bị hư hỏng (đến nay đã được khôi phục và cấp điện). Khánh Hòa có 11 trạm biến áp 110 KV bị hư hỏng (hiện nay chưa khôi phục được do đường dây 110 KV có 13 cột bị gãy đổ và 10 cột bị nghiêng). Hơn 8.500 người đã được sơ tán khỏi vùng có nguy cơ cao, nhà không bảo đảm an toàn.
Đặc biệt, tại vùng biển Bình Định, xảy ra sự cố tàu vận tải nghiêm trọng với 10 tàu (101 thuyền viên) bị chìm, hư hỏng trên khu vực phao số 0, Cảng Quy Nhơn (riêng tàu Thanh Hải 18 hiện chưa xác định được số thuyền viên). Hiện đã cứu vớt được 88 người, 10 người chết và 3 người mất tích.
Ngoài ra, còn nhiều trụ sở cơ quan nhà nước, trạm y tế, trường học, hội trường bị tốc mái, hư hỏng hạ tầng, trang thiết bị; một số công trình hạ tầng bị hư hỏng. Nhiều cây xanh gãy đổ; Panô, biển quảng cáo, mái hiên của các ngân hàng, nhà hàng, khách sạn và các hộ dân kinh doanh bị hỏng, gãy đổ. Nhiều trụ điện, trụ ăngten bị đổ gãy, đường dây điện bị gió làm đứt gây mất điện hàng loạt trên diện rộng...
Sau khi cơn bão đi qua, công tác khắc phục đang được các ngành chức năng và người dân tiến hành khẩn trương, trên khắp mọi nẻo đường từng tốp người không ngại mưa gió vẫn tích cực, khẩn trương dọn dẹp cây xanh, vệ sinh môi trường, khơi thông dòng chảy các khu vực bị ngập úng; hàng chục máy cưa được huy động cắt các cây ngã đổ để lực lượng điện lực khôi phục hệ thống lưới điện.
Bên cạnh đó, công tác cứu trợ, thăm hỏi cũng đã được các ngành chức năng nhanh chóng triển khai, việc ưu tiên hàng đầu của các xã là cấp gạo, mì tôm và nước uống cho các hộ dân bị thiệt hại nặng. Đồng thời, đã sửa chữa lại trạm y tế xã để phục vụ khám, điều trị bệnh cho người dân; sửa lại các điểm trường để cho học sinh sớm đi học trở lại; cấp phát thuốc cho người dân tiêu trùng, khử độc, vệ sinh môi trường.
Không để người dân bị đói, khát
Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trong buổi thị sát, kiểm tra thực tế tình hình thiệt hại do bão, thăm hỏi động viên các gia đình bị thiệt hại do bão tại tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên ngay sau khi bão tan. Phó Thủ tướng đã trực tiếp kiểm tra, thị sát tại xã Đại Lãnh (huyện Vạn Ninh) - nơi chịu nhiều thiệt hại nhất của huyện Vạn Ninh.
Tại đây, Phó Thủ tướng đã đến thăm hỏi một số hộ dân bị thiệt hại về người và của. Ông cũng yêu cầu, địa phương khẩn trương sơ tán những hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm; đồng thời rà soát lại những nơi có nguy cơ sạt lở để cương quyết đưa dân ra vùng an toàn.
Thời gian tới, mưa vẫn còn diễn ra trên diện rộng và sẽ gây ngập úng cho nhiều nơi, vì vậy các địa phương phải khẩn trương có phương án hỗ trợ người dân, đảm bảo tính mạng cho nhân dân. Phó Thủ tướng đặc biệt yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải dành phần lớn sự hỗ trợ cho người dân. Không để người dân bị đói, khát, thiếu nơi ở an toàn.
Làm việc với lãnh đạo tỉnh Phú Yên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá bão số 12 là cơn bão mạnh nhất trong nhiều năm qua đổ vào Việt Nam, gây thiệt hại nặng nề về tài sản. Nhờ chủ động, triển khai kịp thời các phương án ứng phó, các tỉnh bị ảnh hưởng trực tiếp đã giảm được thiệt hại về người.
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng gửi lời chia buồn đến các gia đình có người thân bị thiệt mạng; gửi lời thăm hỏi, chia sẻ với những mất mát, khó khăn của người dân nơi bão đi qua. “Bão tan nhưng để lại hậu quả nặng nề. Tôi yêu cầu các cấp chính quyền, các bộ, ngành tiếp tục huy động tổng lực, khẩn trương khắc phục hậu quả, giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là tập trung tìm kiếm người mất tích, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị nạn. Ngay trong hôm nay, UBND tỉnh bị ảnh hưởng do bão phải huy động nhiều lực lượng, khẩn trương giúp người dân sửa chữa nhà cửa bị bão làm hư hỏng để người dân sớm có chỗ ở. Cùng với đó là tập trung khôi phục hạ tầng giao thông, điện, thông tin liên lạc, sửa chữa các công trình, phục hồi sản xuất…”.
Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý các địa phương phải chủ động ứng phó với lũ lớn có nguy cơ xảy ra ngay sau bão, phải đảm bảo an toàn hồ đập. Mục tiêu hàng đầu là đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.
Khẩn trương khắc phục
Ông Lê Đức Vinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo: toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh cần nhanh chóng vào cuộc để giúp người dân khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống. Trước mắt, các ngành chức năng, doanh nghiệp cần sớm khôi phục lại hệ thống điện, nước, thông tin, đây là những cơ sở hạ tầng quan trọng, thiết yếu để tiếp tục triển khai khắc phục.
Trước mắt, các ngành các địa phương bố trí chỗ ở tạm, lương thực, thực phẩm cho số gia đình bị tốc mái, hư hỏng nhà ở. Bên cạnh đó, các lực lượng vũ trang, quân đội nhanh chóng bố trí ngay về cơ sở để giúp dân khắc phục sửa chữa, lợp lại mái nhà, dọn vệ sinh môi trường…
Còn tại Phú Yên, để khắc phục hậu quả của bão, UBND các tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị phối hợp hỗ trợ giúp đỡ các địa phương; Tập trung tìm kiếm người mất tích, chữa trị người bị thương; Triển khai tổ chức tìm kiếm những nạn nhân bị mất tích trong bão; đồng thời, tổ chức thăm hỏi động viên những gia đình có người mất tích, người bị thương nặng;
Khẩn trương triển khai tập trung khắc phục hậu quả bão kịp thời, hiệu quả; các cấp chính quyền địa phương cần tăng cường công tác đảm bảo an ninh an toàn tính mạng của người dân; cần tuyên truyền người dân không được lơ là chủ quan, mất cảnh giác sau bão, lũ để tránh những thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra.
Các đơn vị lực lượng vũ trang phối hợp với các lực lượng của địa phương hỗ trợ giúp đỡ người dân khắc phục, sửa chữa nhà ở, nhằm ổn định cuộc sống sau thiên tai; Tập trung tiến hành dọn dẹp, vệ sinh môi trường, xử lý nguồn nước sinh hoạt, phun thuốc, hóa chất xử lý những nơi ngập úng, nguy cơ gây bệnh cao để tiêu độc, khử trùng, không để dịch bệnh phát sinh.
Riêng tại Bình Định, liên quan đến các tàu hàng chìm trên vùng biển Quy Nhơn, hiện lực lượng xử lý tràn dầu thuộc Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu miền Trung (Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn) đã có mặt tại Quy Nhơn để xử lý.
Ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho rằng: đã có hiện tượng tràn dầu trên vùng biển Quy Nhơn, tại vùng biển gần phao số 0 đã xuất hiện nhiều váng dầu và vùng biển Quy Nhơn đang có nguy cơ lớn từ lượng lớn dầu tràn ra từ các tàu hàng bị chìm.
UBND tỉnh Bình Định đã giao các cơ quan chức năng tiếp tục khảo sát tại vùng biển các tàu bị chìm với mục tiêu phát hiện dầu tràn ở đâu xử lý ngay ở đó, tuyệt đối không để dầu tràn vào gần bờ, nhất là dọc bờ biển trung tâm TP. Quy Nhơn. Tỉnh sẽ hỗ trợ tối đa về lực lượng, phương tiện để phối hợp cùng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn tham gia tìm kiếm các thuyền viên mất tích, xử lý sự cố dầu tràn.
Xin hỗ trợ khẩn
Ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà cho biết: ước tính thiệt hại trên toàn tỉnh khoảng 7.000 tỷ đồng, nên Tỉnh kiến nghị Thủ tướng hỗ trợ khẩn cấp 25.000 tấn gạo cứu đói và tổng cộng 1.155 tỷ đồng để phục hồi sản xuất; khắc phục giao thông; trường học; cần gạch, ngói, vật liệu để xây dựng… Bí thư tỉnh Phú Yên Huỳnh Tấn Việt cũng đề nghị Trung ương hỗ trợ khẩn cấp 300 tấn gạo cứu đói… tổng thiệt hại tiền rất lớn, và tỉnh đề nghị hỗ trợ 320 tỷ đồng.
Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết bão số 12 gây thiệt hại rất nặng nề ở địa phương. "Có 3 người chết, 3 người mất tích… Hàng ngàn ha cây trồng bị thiệt hại; 3 cầu bị sập. Mưa bão làm chìm 8 tàu trong đó có 2 tàu nước ngoài. Cần xử lý tràn dầu khi 8 tàu bị chìm ở cảng Quy Nhơn bởi đã có dấu hiệu tràn". Chủ tịch tỉnh Bình Định đề nghị Chính phủ hỗ trợ 1.000 tấn gạo cứu đói và 150 tỷ đồng khắc phục hạ tầng, khắc phục sự cố tràn dầu.
Trước tình hình thiệt hại nặng nề do bão, mưa lũ đã vượt khỏi tầm kiểm soát của các địa phương, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị Thủ tướng hỗ trợ khẩn cấp 26.300 tấn gạo (Bình Định: 1.000 tấn, Phú Yên: 300 tấn, Khánh Hòa 25.000 tấn). 350 cơ số thuốc (Bình Định: 50, Phú Yên: 300); 7 tấn hóa chất lọc nước và 200.000 viên cloraminB và 400.000 viên Aquatabs. Cần 100 tấn và 80.000 lít hóa chất khử trùng.
Ngoài ra, hỗ trợ kinh phí 1.625 tỷ đồng (Bình Định: 150 tỷ đồng, Phú Yên: 320 tỷ đồng, Khánh Hòa: 1.155 tỷ đồng) để các địa phương này khắc phục hậu quả.