Khi công nghệ số là đòn bẩy cho tài chính toàn diện
Để thúc đẩy tài chính toàn diện | |
Tạo chất cho tăng trưởng | |
NHNN đóng vai trò quan trọng trong phát triển tài chính toàn diện |
Qua nhiều năm tổ chức, Banking Vietnam là sự kiện thường niên uy tín cho các lãnh đạo ngân hàng, chuyên gia tài chính - ngân hàng và công nghệ gặp gỡ và trao đổi, đưa ra các giải pháp và chiến lược cụ thể về quản trị ngân hàng, ứng dụng công nghệ thông tin và cải tiến dịch vụ… Banking Vietnam 2017 diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh trong hai ngày 18 và 19/5. Nhân dịp này Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh đã dành cho Thời báo Ngân hàng cuộc phỏng vấn trước thềm sự kiện. |
Vì sao “Công nghệ số thúc đẩy tài chính toàn diện” được lựa chọn là chủ đề chính tại kỳ Banking Vietnam 2017, thưa Phó Thống đốc?
Tài chính toàn diện là việc cung cấp các dịch vụ tài chính phù hợp, chi phí thấp và thuận tiện cho mọi thành viên xã hội, đặc biệt chú trọng đến nhóm cá nhân và tổ chức chưa được tiếp cận dịch vụ tài chính - ngân hàng, người dân có thu nhập thấp, người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp vi mô. Đây là một trong những mục tiêu mà Chính phủ Việt Nam rất quan tâm và đã có nhiều chương trình và hoạt động để thúc đẩy tài chính toàn diện, điển hình như Quyết định số 1726/QĐ-TTg phê duyệt đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành vào ngày 5/9/2016.
Với chức năng quản lý nhà nước đối với hệ thống ngân hàng, NHNN sẽ thúc đẩy tài chính toàn diện, bảo vệ người tiêu dùng |
Thực tiễn cho thấy, các thành tựu về công nghệ số là động lực quan trọng và là phương tiện duy nhất để đạt được những kết quả đột phá về tài chính toàn diện ở nhiều quốc gia trong những năm gần đây. Thông qua việc ứng dụng công nghệ số, các TCTD có thể phát triển các kênh cung cấp dịch vụ ngân hàng điện tử, xóa nhòa các rào cản về không gian và thời gian, cho phép cung cấp dịch vụ tài chính với chi phí rẻ hơn, tạo điều kiện cho người nghèo, người ở khu vực vùng sâu, vùng xa có thể tiếp cận dịch vụ ngân hàng mọi lúc, mọi nơi, giúp họ cải thiện đời sống.
Như vậy, có thể thấy việc ứng dụng công nghệ số để đạt được mục tiêu tài chính toàn diện là một xu hướng tất yếu, và Việt Nam cần thúc đẩy mạnh mẽ tài chính toàn diện để tận dụng cơ hội mà xu hướng này mang lại. Đây là lý do Banking Vietnam 2017 có chủ đề “Công nghệ số thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam”.
Banking Vietnam đã trải qua 19 lần tổ chức thành công liên tiếp. Xin ông cho biết thêm những điểm mới, khác biệt của năm nay so với các kỳ banking đã được tổ chức?
Banking Vietnam 2017 có một số điểm khác biệt quan trọng so với các kỳ Banking trước đây. Thứ nhất, về nội dung chương trình, Banking Vietnam 2017 được xây dựng trên chủ đề xuyên suốt là “Công nghệ số thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam”. Như đã giới thiệu, đây là một chủ đề nhằm tận dụng cơ hội từ những xu thế mới trong công nghệ số để thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam. Nhằm đạt được hiệu quả cao nhất, Banking Vietnam 2017 được thiết kế format chương trình có một số nét đổi mới.
Cụ thể, Hội thảo khoa học “Công nghệ số thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam” vẫn được tổ chức với 1 phiên chính và 2 phiên chuyên đề. Tuy nhiên để thu được các ý kiến trao đổi chất lượng, gia tăng sự trao đổi đa chiều, chương trình hội thảo đã giảm số lượng bài trình bày, gia tăng thời lượng cho phần thảo luận, bao gồm cả phần đối thoại, tương tác giữa các diễn giả trình bày với khán giả, cũng như phần thảo luận chuyên đề giữa các chuyên gia. Ngoài ra, lần đầu tiên trong các kỳ Banking Vietnam, Tọa đàm khoa học với chủ đề “Tiền kỹ thuật số - xu hướng phát triển và phản ứng chính sách” được tổ chức trước ngày sự kiện Banking Vietnam chính thức diễn ra với đối tượng tham gia chủ yếu là các đoàn viên thanh niên, các chuyên gia trẻ của NHNN, NHTM. Thuyết trình tại tọa đàm là những chuyên gia công nghệ nhiều kinh nghiệm. Đây là tọa đàm bên lề sự kiện nhằm hưởng ứng Ngày Khoa học và Công nghệ ngành Ngân hàng năm 2017 ngoài hoạt động Gala Dinner vẫn được tổ chức hàng năm để tôn vinh các nhà khoa học, các chuyên gia, các tổ chức có nhiều đóng góp cho hoạt động KH&CN Ngành.
Thứ hai, về địa điểm tổ chức, thay vì tổ chức ở Hà Nội như các năm vừa qua, Banking Vietnam năm nay được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh để thu hút thêm nhiều chuyên gia, nhà khoa học, các công ty công nghệ... trên địa bàn phía Nam có cơ hội tham gia.
Định hướng thúc đẩy ứng dụng công nghệ số cho phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam là gì, thưa Phó Thống đốc?
Để có thể đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ số, thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam, trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục rà soát hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử trên nền công nghệ hiện đại như điện toán đám mây, thiết bị di động, phân tích dữ liệu lớn và mạng xã hội…
Bên cạnh đó tiếp tục thúc đẩy hợp tác, tận dụng khả năng công nghệ của các công ty công nghệ tài chính (Fintech) để phát triển và cung cấp các dịch vụ ngân hàng tiện lợi, nhanh chóng với chi phí thấp đến đại bộ phận người dân. Chú trọng làm tốt công tác quản trị rủi ro trong đó quan tâm thích đáng đến vấn đề an ninh công nghệ thông tin.
Đồng thời với sự hợp tác và hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới, NHNN cũng đang có bước đi ban đầu triển khai Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện, trong đó có giải pháp quan trọng là nâng cao nhận thức và hỗ trợ người dân tiếp cận sử dụng các dịch vụ ngân hàng.
Một trong những điểm nhấn tại Banking Vietnam 2017 là ứng dụng ngân hàng số trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0). Với ngành Ngân hàng, NHNN có chiến lược ra sao để tiếp cận và ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng này phù hợp với xu hướng quốc tế?
Xây dựng chiến lược về phát triển CNTT của ngành Ngân hàng (là một chiến lược bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, tầm nhìn 2030). Trong đó nhiệm vụ xuyên suốt là nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu công nghệ hiện đại được phát minh từ CMCN 4.0. Theo đó, về chính sách, NHNN sẽ nghiên cứu ban hành các văn bản quy phạm để định hướng, thúc đẩy việc ứng dụng nhanh, hiệu quả và an toàn các thành tựu công nghệ của CMCN 4.0 trong toàn ngành Ngân hàng. Trong đó chú trọng đến các ứng dụng hỗ trợ tự động hoá, mở rộng dịch vụ, giảm giá thành cho các hoạt động, nghiệp vụ ngân hàng như: trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, ngân hàng số...
Về nội bộ NHNN, giai đoạn 5 - 10 năm tới, NHNN sẽ tập trung vào việc tiếp tục hoàn thiện kết cấu cơ sở hạ tầng về CNTT hiện đại, tự động hóa hầu hết các quy trình nghiệp vụ ngân hàng của NHNN, phát triển dịch vụ hậu cần thông minh thông qua việc ứng dụng công nghệ số.
Cùng với đó cấu trúc lại hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (IBPS) theo hướng chuyển đổi mô hình từ mô hình phân tán sang mô hình xử lý tập trung tại Trung tâm thanh toán quốc gia (NPSC). Xây dựng và triển khai hệ thống thanh toán bù trừ tự động (ACH); kết hợp với việc nghiên cứu, áp dụng các tiêu chuẩn về thanh toán theo thông lệ quốc tế và chuẩn tin điện tài chính quốc tế ISO 20022, thúc đẩy hoạt động liên thông giữa các hệ thống thanh toán trong và ngoài nước. Xây dựng chuẩn thẻ chip nội địa và triển khai kế hoạch chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip tại Việt Nam.
Để thực hiện được các nhiệm vụ trên, xây dựng và triển khai tốt Chiến lược phát triển nguồn nhân lực và đảm bảo an ninh CNTT ngành Ngân hàng là hai nội dung quan trọng, xuyên suốt trong những năm tới.
Vậy vai trò cũng như sự đóng góp của NHNN trong việc phát triển tài chính toàn diện ở Việt Nam là gì, thưa Phó Thống đốc?
Banking Vietnam 2017 được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia tích cực vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế để thúc đẩy tài chính toàn diện. Đây là dịp tốt để Việt Nam có cơ hội chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm trong việc tổ chức triển khai tài chính toàn diện tại Việt Nam. Được Chính phủ giao là cơ quan đầu mối xây dựng chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, NHNN đã và đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Chính phủ cũng như chính quyền địa phương, các tổ chức liên quan trong tuyên truyền, thông tin đầy đủ, chính xác về tài chính toàn diện tại Việt Nam.
Các chủ thể tham gia thúc đẩy tài chính toàn diện không chỉ giới hạn ở những nhà cung cấp dịch vụ tài chính truyền thống là các ngân hàng và tổ chức phi ngân hàng, mà còn có những công ty Fintech, chẳng hạn như các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán qua di động. Chính điều này đặt ra thách thức về quản lý, giám sát và rủi ro bảo mật thông tin, an toàn hệ thống. Với chức năng quản lý nhà nước đối với hệ thống ngân hàng, NHNN sẽ thúc đẩy tài chính toàn diện, đồng thời với việc bảo vệ người tiêu dùng.
Việc rà soát, hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý cũng như hiện đại hóa hạ tầng thị trường tài chính là nhiệm vụ của NHNN để tạo điều kiện tốt nhất cho các tổ chức tín dụng, các chủ thể liên quan (stakeholders) mở rộng hoạt động, được cạnh tranh bình đẳng để cung cấp đa dạng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng tới người dân, đặc biệt ở khu vực vùng sâu, vùng xa. NHNN cũng sẽ tích cực phối hợp hiệu quả với các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ để có thể tận dụng nguồn lực tài chính và kỹ thuật của các tổ chức này để giúp Việt Nam xây dựng và triển khai thành công Chiến lược Tài chính toàn diện quốc gia.
Xin trân trọng cảm ơn Phó Thống đốc!