Tạo chất cho tăng trưởng
Nâng cao hiểu biết để thúc đẩy tài chính toàn diện | |
Tài chính toàn diện cho phụ nữ | |
NHNN đóng vai trò quan trọng trong phát triển tài chính toàn diện |
Các nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) đã từng chỉ ra rằng, tài chính toàn diện không chỉ có tương quan thuận với sự tăng trưởng và việc làm, mà nó còn có quan hệ nhân quả tác động đến tăng trưởng. Tài chính toàn diện là việc cung cấp dịch vụ tài chính chính thống phù hợp và thuận tiện cho tất cả các thành phần trong xã hội. Đặc biệt, đối với người có thu nhập thấp và dễ bị tổn thương, nhằm tăng cường cơ hội tiếp cận tài chính, góp phần tạo cơ hội sinh kế, luân chuyển dòng vốn đầu tư và tiết kiệm trong xã hội.
Ảnh minh họa |
Một mục tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế của các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam, là không ngừng nâng cao đời sống người dân, thu hẹp khoảng cách cuộc sống giữa người giàu và người nghèo. Chính phủ các nước có thu nhập dưới trung bình và trung bình đang rất nỗ lực thực thi các giải pháp xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập của người dân… Trong đó, xây dựng và thực hiện chiến lược tài chính toàn diện được coi là giải pháp quan trọng.
Tiếp cận tài chính sẽ tạo điều kiện và giúp các gia đình, các DN có kế hoạch chi tiêu hàng ngày cũng như thực hiện những mục tiêu dài hạn, đủ để chi trả những trường hợp khẩn cấp, đột xuất. Những nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thực thi có hiệu quả tài chính toàn diện không chỉ có ý nghĩa đối với cá nhân, mà còn có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, nhất là trong giảm đói nghèo. Kể từ năm 2010 đến nay, đã có hơn 55 quốc gia thực hiện các cam kết thực thi tài chính toàn diện, và hơn 30 nước đã đưa ra hoặc đang triển khai trong chiến lược phát triển kinh tế quốc gia.
Theo tổng kết của WB, những nước đạt được các tiến bộ nhất trong việc thực thi tài chính toàn diện đã xây dựng được một môi trường pháp lý, chính sách thuận lợi, khuyến khích cạnh tranh, cho phép các ngân hàng và các tổ chức phi ngân hàng đổi mới và mở rộng tiếp cận với các dịch vụ tài chính. Tuy nhiên, tạo không gian sáng tạo và cạnh tranh này phải đi kèm với các biện pháp và các quy định bảo vệ người tiêu dùng thích hợp.
Thực tế Việt Nam cho thấy, để phát triển tài chính toàn diện theo định hướng cơ bản của Chính phủ cần tập trung giải quyết các vấn đề mang tính cốt lõi. Đó là: nâng cao sự nhận biết tài chính đi kèm với việc cải thiện cơ bản chất lượng cuộc sống, của người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, tạo cơ sở để mở rộng nhu cầu của người dân đối với các dịch vụ ngân hàng; Tăng cường cung ứng dịch vụ tài chính cơ bản cho người dân vùng sâu, vùng xa, theo hướng các sản phẩm tài chính phù hợp với người dân.
Theo đó cần tập trung phát triển các tổ chức tài chính vi mô, xây dựng các mô hình sản phẩm dịch vụ tài chính từ chuyển tiền, gửi tiền, vay vốn… phù hợp với các vùng miền, tích cực giải quyết những hạn chế trong hoạt động của cách tiếp cận tài chính vi mô hiện nay, như khung pháp lý, chính sách khuyến khích sự hình thành của các tổ chức tài chính vi mô.
Các TCTD phải đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng công nghệ trong ngành công nghiệp tài chính (fintech) để tạo ra những sản phẩm dịch vụ để có thể lấp đầy khoảng trống về khoảng cách địa lý.
Đồng thời, các cơ quan quản lý Nhà nước cần xây dựng một môi trường cạnh tranh lành mạnh để các tổ chức cung ứng dịch vụ cung cấp những sản phẩm tài chính có chất lượng và giá cả hợp lý sẽ giúp mọi người tiếp cận dễ dàng hơn các dịch vụ tài chính.