Khi DN chung tay xây dựng không gian công cộng
Trưởng đại diện Văn phòng Hiệp hội DNNVV miền Trung, ông Nguyễn Thanh Ngọc đề nghị như vậy tại Tọa đàm “DN tham gia cải thiện không gian công cộng” do VCCI, Quỹ Châu Á và Trung tâm Giáo dục – phát triển tổ chức tại Đà Nẵng cuối tuần qua.
Sở dĩ đề xuất như vậy vì theo ông Ngọc “Chúng ta đã từng đầu tư số tiền rất lớn xây dựng nhiều công viên, không gian công cộng hoành tráng nhưng thử hỏi phục vụ được bao nhiêu người dân? Không ít công trình sử dụng sai mục đích, thậm chí chỉ cho thuê làm bãi đỗ xe, quán nhậu và ít được bảo trì, bảo dưỡng nên có công trình còn bỏ hoang rất lãng phí”.
Ông ủng hộ xu hướng các DN hãy cùng chung tay xây dựng các công viên nhỏ, vườn dạo, các không gian công cộng cho từng khu phố từng cụm dân cư.
Những không gian công cộng như vườn hoa nhỏ, là đường dạo quanh hồ, không gian giữa các khu nhờ ở, các sân chung hay các khu đất xen kẹt… được sử dụng cho mục đích nghỉ ngơi, tập thể dục, vui chơi gặp gỡ của người dân sống gần đó. Và những nơi này chỉ có ý nghĩa khi người dân tới đó vui chơi tập thể dục mà không mất phí. Vậy thì DN được gì không khi đầu tư vào đây?
“Khi DN chung tay cải thiện không gian công cộng không mang lại lợi ích kinh tế trực tiếp. Nhưng là cơ hội để DN quảng bá sản phẩm của mình, DN sẽ được vinh danh và không gian công cộng cũng chính là cơ hội đầu tư cho DN”, ông Nguyễn Diễn – Phó Giám đốc VCCI Đà Nẵng thuyết phục DN. “Chúng tôi (VCCI Đà Nẵng) sẵn sàng là cầu nối giúp DN tham gia cải thiện các không gian công cộng”, ông Diễn nói thêm.
Đà Nẵng, Hội An, Hà Nội… đã có những điển hình DN biến những bãi đất trống cỏ mọc hoang thành những công viên nhỏ, khu vui chơi…
DN không thu được lợi ích kinh tế trực tiếp từ những đồng vốn đầu tư vào không gian công cộng nhưng lại thu được giá trị lớn về thương hiệu và danh tiếng của DN. Với sự đóng góp của DN và các không gian này là mang lại cả giá trị kinh tế, giá trị xã hội và môi trường cho cộng đồng nơi đó, cho những DN khác có mặt nơi đó và mang lại cả giá trị cho chính quyền địa phương.
“Công viên, khu vui chơi không thu phí, nhưng có thể thu phí từ những quầy bán hoa tươi, từ quầy cà phê đặt trong không gian đó… Giả như khu chung cư nơi đó khi có công viên xanh gần đó chắc chắn giá bán sẽ cao hơn khi trước mặt nó là bãi cỏ, khu đất hoang…” ông Diễn phân tích.
DN chỉ có thể phát triển mạnh và bền vững với một môi trường kinh doanh lành mạnh, đi đôi với chất lượng cuộc sống của người dân ở đó. Chính vì vậy, hỗ trợ từ thiện không chỉ mang lại lợi ích cho cộng đồng mà cho cả chính DN.
Chị Đặng Hương Giang – Giám đốc Trung tâm Hành động vì sự phát triển đô thị (Thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Công nghệ Việt Nam Vusta) đã giới thiệu một số thành công khi DN tham gia ở Hội An. Chị kể lại Nhà Cộng đồng Cẩm Thanh trước đây có một nhà văn hóa được xây bằng tiền ngân sách nhà nước, trên diện tích khu đất 10.000 m2, nhưng nó chơ vơ giữa bãi đất hoang 8 năm trời. Nay đã trở thành khu văn hóa thể thao với nhà sinh hoạt cộng đồng, khu vui chơi cho trẻ em, sân bóng đá, khu vườn trồng rau hữu cơ…
Rồi khu sân chơi An Mỹ, khu sân chơi Cẩm Thanh, sân chơi trường tiểu học Trần Quang Diệu… cũng đã được cải thiện nhờ cầu nối là Trung tâm của chị Hương.
Công viên cây xanh Sơn Phôi là một ví dụ, đây là mảnh đất vàng rộng 3.000m2 nằm ở vị trí đắc địa. Chính quyền đã có dự án làm công viên với tổng kinh phí dự kiến 2 tỷ đồng nhưng không đủ tiền thực hiện. Nhiều ý tưởng cho công viên này cũng được đưa ra nhưng không ngã ngũ.
Vậy là 15 năm "công viên" được bao bọc bằng một hàng rào tôn. Trung tâm của chị Hương đã vào cuộc kêu gọi sự đóng góp của DN cùng chung với 300 triệu đồng kinh phí của phường, thêm tài trợ của các tổ chức khác. Và công viên đã ra đời và sẽ tiếp tục được đầu tư dần.
Theo kinh nghiệm của chị Hương, nếu không có những tổ chức xã hội là cầu nối giữa chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư, các DN, các kiến trúc sư… thì những không gian đó, sẽ khó được cải thiện.
“Lúc đầu chúng tôi phải mời các kiến trúc sư từ Hà Nội vào, và những khách sạn trên địa bàn đã hỗ trợ bằng cách tài trợ phòng ở cho kiến trúc sư”, chị Hương nêu lên một phương thức đóng góp của DN.
Kiến trúc sư đã khảo sát, lên phương án thiết kế, lấy ý kiến của người dân nơi đó. Các DN thì từng cách tài trợ khác nhau. Trung tâm đã đứng lên kêu gọi sự tham gia của DN và cộng đồng cùng cải thiện không gian này. Các kiến trúc sư hỗ trợ phần thiết kế, cộng đồng dân cư địa phương góp công, DN thì tùy từng điều kiện, có DN góp tiền, có DN góp cây xanh, có DN góp thiết bị, đồ chơi, thảm cỏ, vật liệu xây dựng…
Những kinh nghiệm và thực tiễn hay đã được chia sẻ. Lãnh đạo chính quyền địa phương, đại diện các sở và các DN và người dân tham gia tọa đàm đã cùng đi đến kết luận, khi có tổ chức xã hội là cầu nối đứng ra kêu gọi thì DN và cộng đồng sẵn sàng cùng chính quyền cải thiện không gian công cộng. Sự đóng góp rất linh hoạt, hoặc bằng tiền, hiện vật, trí tuệ, công sức…
DN tuy đầu tư miễn phí nhưng lại thu được những khoản lợi ích rất lớn, đó là thắt chặt mối quan hệ với chính quyền và người dân. Mỗi khi người dân bước vào khu vui chơi là nhớ tới danh tiếng của DN. Và hình ảnh DN đẹp lên theo vẻ đẹp và lợi ích mà người dân được hưởng.