Khi DN không bảo vệ môi trường
Vẫn còn nhiều DN vi phạm
Thời gian qua, người dân sinh sống gần khu vực Công ty Timatex (KCX Linh Trung II – Q. Thủ Đức) rất bức xúc về tình trạng khói bụi, mùi khét khó chịu xả ra từ nhà máy chế biến cao su này. Tình trạng trên đã được phản ánh nhiều lần lên chính quyền địa phương, phối kết hợp với ban quản lý tại KCX để xử lý, nhưng tình trạng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, dẫn đến khiếu nại kéo dài.
DN phải gắn khoa học công nghệ vào bảo vệ môi trường để tạo ra lợi ích lâu dài |
Theo ban quản lý các KCX, KCN TP. HCM (Hepza), trong năm qua Hepza đã phối hợp giải quyết 23 trường hợp khiếu nại có liên quan đến vấn đề gây ô nhiễm môi trường, chủ yếu là về tình trạng khói thải, bụi bẩn xả ra trong quá trình sản xuất của các nhà máy, xí nghiệp gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường, cuộc sống của người dân xung quanh.
Tuy nhiên, hiện nay TP. HCM có 12 KCX, KCN với cả nghìn DN, công ty, nhà máy hoạt động bên trong, nên tình trạng một số DN chưa tuân thủ đúng các quy trình về xử lý chất thải, bảo vệ môi trường vẫn còn xảy ra.
Chỉ tính riêng trong năm 2014, về lĩnh vực môi trường, đã có ít nhất vài trường hợp bị xử phạt do xả nước thải nhiễm bẩn ra môi trường với số tiền lên đến hàng trăm triệu. Tuy nhiên, con số phạt này có lẽ vẫn chẳng thấm vào đâu, cũng như chưa phản ánh được hết tình hình thực tế.
Ông Phạm Thanh Trực, Trưởng phòng Quản lý Môi trường Hepza cho biết, mặc dù đối với các DN hoạt động trong các KCN đều phải tuân thủ tất cả các quy định về xử lý nước thải, khí thải, tiếng ồn, diện tích cây xanh, chất thải rắn... theo tiêu chuẩn rất khắt khe nhưng tình trạng vi phạm vẫn còn xảy ra. Điều này không những ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống xung quanh và đối với chính những DN này cũng phải gánh chịu hậu quả.
Một số chuyên gia cho rằng, đối với nhiều DN, dù việc không tuân thủ các quy trình về xử lý chất thải, bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất có thể bước đầu giúp cho DN tiết kiệm được một số chi phí nhất định. Nhưng xét về lâu dài, điều này lại vô cùng nguy hại đối với chính những DN này khi vướng vào vấn đề pháp lý khi đã có hẳn những quy định, điều luật về bảo vệ môi trường được đặt ra.
Hơn nữa, tác hại lâu dài và lớn lao hơn chính là những thiệt hại về kinh tế khi bị khách hàng, xã hội tẩy chay mà trường hợp của Vedan xả thải trực tiếp ra môi trường có thể coi là một trong những ví dụ khá điển hình.
Bảo vệ lợi ích lâu dài
Trường hợp của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn trung bình lượng khí thải ra môi trường là 6,3 triệu tấn/năm, nước thải 1,7 triệu m3/năm, chất thải rắn thông thường từ 5000 – 8000 tấn/năm, chất thải nguy hại là 500 – 900 tấn/năm. Như vậy nếu bỏ qua khâu xử lý chất thải thì mỗi năm, chỉ tính riêng một DN này thôi cũng đã gây tác hại như nào đối với môi trường rồi.
Ý thức được vấn đề này, công ty đã phải đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng hệ thống phân loại và thu gom các loại nước thải khác nhau với thiết kế 300m3/h, cũng như làm quan trắc chất lượng nước thải đã qua xử lý.
Theo DS. Thái Thanh Thảo, CTCP Dược phẩm 2 (TP. HCM), công tác bảo vệ môi trường là vấn đề không thể tách rời khỏi hoạt động kinh doanh. Nhất là đối với đặc thù của ngành sản xuất thuốc, nếu không tuân thủ chặt chẽ các quy định sẽ dẫn đến nhiều tác hại lâu dài cho môi trường xung quanh.
Vì vậy, ngoài việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải, xử lý ô nhiễm môi trường, công ty đã hợp đồng với một số công ty chuyên nghiệp về thu gom chất thải rắn hàng ngày, đốt bỏ những chất thải rắn nguy hại theo đúng quy trình.
Đặc biệt, DN có riêng một bộ phận chuyên trách về quản lý môi trường làm việc hiệu quả. Đối với lượng chất thải rắn trong ngành y tế rất độc hại nên phải có một quy trình xử lý chặt chẽ để tránh ảnh hưởng tới môi trường. Số liệu thống kê từ Sở Tài nguyên Môi trường TP. HCM cho thấy, năm 2014 khối lượng chất thải rắn nguy hại phát sinh ước khoảng 350 – 400 tấn/ngày cần phải được xử lý bởi các công ty chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, đối với các chất thải có khả năng tái chế, cơ quan quản lý cũng khuyến khích tái sử dụng để làm lợi cho chính DN và môi trường, xã hội.
Bàn về vấn đề trách nhiệm của DN trong quá trình sản xuất kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường, ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, trong quá trình sản xuất kinh doanh tạo ra lợi ích kinh tế, của cải vật chất, DN phải biết ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất chất lượng.
Song đồng thời các DN cũng phải gắn khoa học công nghệ vào bảo vệ môi trường để tạo ra lợi ích lâu dài cho xã hội cũng như vì sự phát triển bền vững của chính các DN.