Khi hộ kinh doanh ngại… lớn!
Cũng từ góc nhìn này, nguyên nhân khiến khu vực kinh tế hộ chậm lớn, hay ngại lớn đã được lý giải phần nào.
Hộ kinh doanh vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân của tham nhũng |
Gian dối tràn lan
Mặc dù tạo ra tới 32-33% GDP (từ năm 2005-2014), khu vực hộ kinh doanh tại Việt Nam chỉ đóng góp khoảng 2% vào thu ngân sách, theo bà Nguyễn Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế thu nhập cá nhân, Tổng cục Thuế. Nguyên nhân là hộ kinh doanh tuy có số lượng lớn nhưng chủ yếu quy mô nhỏ, tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng, ăn uống nhỏ, kinh doanh thời vụ… phần lớn có doanh thu trong năm từ 100 triệu đồng trở xuống nên được miễn thuế.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn đây dường như lại là khu vực an toàn nhất cho các hành vi tham nhũng, gian lận. TS. Đặng Hoàng Giang, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ cộng đồng và Nghiên cứu phát triển (CECODES) chia sẻ, 70% số hộ kinh doanh được khảo sát thừa nhận, việc thỏa thuận ngầm giữa họ và cán bộ thuế xảy ra thường xuyên. Khi được hỏi có tố cáo nếu bị yêu cầu hối lộ tương đương với doanh thu một tháng, có tới 62% câu trả lời “Không”. Về lý do, 83% cho biết vì “không đem lại gì cả”.
Ví dụ điển hình về việc gian dối, thỏa thuận ngầm diễn ra một cách đương nhiên là trong thuế môn bài. Đây là sắc thuế có số thu nhỏ, chỉ từ 50.000 đồng - 1 triệu đồng/năm, nhưng vẫn có tới 30% hộ kinh doanh khai doanh thu thấp đi để được hưởng mức thuế thấp hơn. Đồng thời, 6% số hộ vẫn hối lộ để trả thuế môn bài thấp hơn, trong khi 14% số hộ hối lộ để trả thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng thấp hơn.
Vì thoả thuận ngầm cao, nên mức độ nhũng nhiễu công khai trong thu thuế ở khu vực kinh tế hộ lại tương đối thấp. Chỉ có 11% số hộ tham gia khảo sát hoàn toàn đồng ý với nhận định: “Cán bộ thuế thường xuyên nhũng nhiễu”. Và có tới hơn một nửa số hộ khảo sát cho biết sẵn sàng bắt tay với cơ quan thuế để hai bên cùng có lợi, miễn là cái giá phải trả thỏa đáng.
“Gian dối đã tràn lan trong các hộ kinh doanh”, TS. Đặng Hoàng Giang nhận định. Cũng bởi điều này được công nhận như một điều hiển nhiên, nên vai trò thủ phạm - nạn nhân giữa hộ kinh doanh và cán bộ thuế không rõ ràng.
Bà Đặng Thị Bình An, một chuyên gia trong lĩnh vực thuế đánh giá, khoản thuế mà các hộ kinh doanh không muốn nộp, so với khoản lót tay cho cán bộ thuế chưa chắc đã nhiều hơn. Tuy nhiên, do thủ tục phiền hà nên các hộ này vẫn chọn cách gian dối. Song, nguy hiểm hơn là hiện nay niềm tin của người nộp thuế với cơ quan quản lý đã giảm sút nhiều. “Tôi tiếp xúc với nhiều hộ, họ nói rằng tham nhũng tràn lan, tôi đóng góp vào ngân sách để cho ông phá, thì thà tôi đưa ông cán bộ thuế mang về nộp tiền học cho con còn hơn”, vị này chỉ ra thực trạng đáng lo ngại.
Quản lý tù mù, hộ kinh doanh “tặc lưỡi”
Dù hành động gian dối này được tiếp tay từ cả hai chiều, cũng không thể phủ nhận rằng quản lý thuế thiếu minh bạch đã đẩy các hộ kinh doanh vào con đường “chi nhanh cho xong việc”. TS. Đặng Hoàng Giang cho biết, khi khảo sát, có hộ kinh doanh cửa hàng tạp hoá phản ánh câu chuyện của họ với cán bộ thuế. Khi họ hỏi tại sao cửa hàng của tôi giống hệt cửa hàng bên cạnh mà mức thuế đóng lại cao hơn, thì nhận được giải thích do cửa hàng của ông khang trang hơn, điện sáng hơn thì thuế cao hơn… Rất tù mù!
Chung quy lại, phản ánh của các hộ kinh doanh là biểu thuế mà họ nhận được không rõ ràng. Người dân không hiểu tại sao lại nhận mức thuế đó. Họ kiến nghị lên trên nhưng không được phản hồi. “Vì không có minh bạch giải trình, thì cán bộ thuế có thể tuỳ hứng mà áp đặt mức thuế, từ đó gây ra sự thoả thuận ngầm”, ông Giang kết luận.
Khi quản lý còn thiếu minh bạch như vậy, đối với các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, câu chuyện “lớn lên” có vẻ còn quá xa vời. Nghiên cứu của CECODES đã chỉ ra rằng, 75% số hộ trong năm 2014 cho rằng tình hình kinh doanh tệ đi nhiều, hoặc tệ hơn một chút, chỉ 1% đánh giá tốt hơn một chút. “Vì vậy 500 hộ mà chúng tôi gặp hầu như không có hộ nào muốn chuyển lên “làm ăn lớn” cả, họ chỉ nghĩ trước hết làm sao bán được nhiều hàng hơn”, TS. Đặng Hoàng Giang chia sẻ.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cũng cho biết, khi hỏi các DN đã từng là hộ kinh doanh rằng trong quá trình kinh doanh, thủ tục nào là phiền hà nhất, thì có tới 43% ý kiến cho rằng đó là nhóm thuế, phí, lệ phí. Qua các năm, tỷ lệ DN cho biết thỏa thuận các khoản thuế phải nộp với cán bộ thuế là công việc quan trọng trong kinh doanh cũng có xu hướng tăng lên. Điều này cho thấy đây là vấn đề lớn, gây phiền hà, thậm chí kìm hãm sự lớn lên của khu vực DN lẫn hộ kinh doanh.
“Có thể thấy ngành thuế chỉ cần cải cách một chút thôi là có thể tác động tích cực tới cả hộ kinh doanh lẫn các DN chính thức. Không những vậy hộ kinh doanh phụ thuộc nhiều vào hạ tầng sẵn có, nên các chính sách đất đai hay vệ sinh an toàn chắc chắn ảnh hưởng tới khu vực này rất lớn”, ông Tuấn khuyến nghị.
Mặc dù số thu của khu vực kinh tế hộ trong ngân sách không lớn, chỉ 2%, song có tới 21% cán bộ trực tiếp quản lý thuế ở khu vực này, chưa tính tới cán bộ gián tiếp. Tôi gặp một cán bộ thuế ở Nghệ An chuyên phụ trách thu thuế của các hộ kinh doanh, được biết lương tháng của người này là 5 triệu đồng, nhưng số thu thuế của các hộ mà người này quản lý chỉ là 2 triệu đồng/tháng. Điều này cho thấy quản lý rất kém hiệu quả. - Bà Đặng Thị Bình An |