Khi thành phố trở nên thông minh
Ngân hàng kích hoạt đô thị thông minh | |
Phát triển TP.HCM thành đô thị thông minh |
Nói như nhiều chuyên gia, “thành phố thông minh” (smart city) được hiểu là chính quyền thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào việc cung cấp các dịch vụ công và người dân, doanh nghiệp thực hiện tương tác, giao tiếp với chính quyền bằng mạng internet để giảm thời gian, chi phí, tiêu cực.
Hà Nội cần thận trọng khi xây dựng thành phố thông minh |
Thế nào là thông minh?
Về hạ tầng, thành phố thông minh sẵn sàng phát triển giao thông thông minh, giáo dục, dịch vụ y tế, nông nghiệp… hướng tới nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Còn theo quan điểm của kiến trúc sư (KTS) Trần Huy Ánh, xây dựng thành phố thông minh là hướng tới sử dụng ít tài nguyên nhất, tiêu tốn ít tiền của nhất mà đời sống người dân vẫn phát triển, các dịch vụ thiết thực được nâng lên.
Còn theo tiến sĩ khoa học, KTS Nguyễn Quang Minh, đô thị thông minh nhấn mạnh trước hết tính hiệu quả trong ba lĩnh vực then chốt: Khai thác cơ sở hạ tầng kỹ thuật; quản lý xã hội; quá trình học hỏi cũng như sự thích ứng nhanh đối với những thay đổi của điều kiện phát triển. Đồng thời từ đó mở ra 6 phạm vi trong cuộc sống gồm: Con người thông minh; nền kinh tế thông minh; phương tiện đi lại thông minh; cuộc sống thông minh; môi trường thông minh; quản lý thông minh.
Vậy Hà Nội đã chuẩn bị gì để hướng tới điều đó? Ngay từ năm 2010 vấn đề này đã được đưa ra. Và cũng phải vài năm sau việc xây dựng chính quyền điện tử mới được thực hiện rốt ráo. Song không phải lúc nào cũng đạt được thành công. Để đưa Hà Nội trở thành một đô thị hiện đại xứng tầm là một trong những trung tâm lớn vẫn luôn là một nhiệm vụ đầy khó khăn và thách thức. Đó là tác động của cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4 (4.0) vào quá trình xây dựng chính quyền điện tử.
Cách mạng 4.0 đòi hỏi phải nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của cơ quan nhà nước, nghĩa là phải thay đổi tư duy và cách thức quản lý phù hợp. Còn hiện nay việc ứng dụng CNTT trên địa bàn thành phố vẫn còn một số hạn chế: Nhận thức của một số đơn vị, cán bộ công chức về việc triển khai ứng dụng CNTT chưa cao, nhân lực còn thiếu và yếu. Về kỹ thuật việc tích hợp, trao đổi thông tin giữa hệ thống dịch vụ công trực tuyến của thành phố với các bộ, ngành còn hạn chế.
Đó là chưa kể đến chuyện ở các phường, xã, việc người dân vẫn ngại sử dụng CNTT, trong khi đó để xây dựng chính quyền điện tử, thì không chỉ có đầu tư trang thiết bị, đào tạo ra những “công chức điện tử”, mà còn phải đào tạo “công dân điện tử”. Bởi công dân là đối tượng phục vụ, là thành tố quan trọng để xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, từ đó tạo nền tảng xây dựng thành phố thông minh.
Cũng phải nhìn nhận rằng, Hà Nội dũng cảm bỏ công nghệ cũ, đầu tư hạ tầng CNTT hiện đại, nhất là mạng diện rộng WAN. Nhưng để có tâm thế bước vào xây dựng “thành phố thông minh” thì còn nhiều việc phải làm để không chỉ phát triển về công nghệ, mà còn bảo đảm các yếu tố văn hóa truyền thống được bảo lưu từ nghìn năm qua. Theo bà Phan Lan Tú - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, thành phố chọn 4 lĩnh vực ưu tiên trong xây dựng thành phố thông minh là: giáo dục, y tế, giao thông và du lịch.
Nhưng cả 4 lĩnh vực này trong những năm qua đều chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Về giáo dục và du lịch vẫn chưa có đột phá. Về y tế bệnh viện luôn quá tải, việc khám chữa bệnh gặp nhiều khó khăn; về giao thông cũng vậy, người dân vẫn tiếp tục than phiền về nạn tắc đường, cơ quan chức năng vẫn lúng túng trong quản lý, xây dựng hạ tầng giao thông.
Một trong số những điều thực hiện khá tốt là ngày 1/5/2017, thành phố triển khai thí điểm ứng dụng tìm kiếm và thanh toán trông giữ xe ô-tô qua điện thoại di động (iParking) trên tuyến phố Trần Hưng Đạo và Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm) với 17 điểm đỗ. Với giao diện thân thiện, tích hợp nhiều tính năng tiện ích trên hệ thống điện thoại thông minh dành cho khách hàng có nhu cầu gửi xe, hàng chục nghìn giao dịch tìm kiếm, thực hiện và nhận được sự hưởng ứng của người dân.
Nhìn rõ hơn về bản chất
Trong lĩnh vực đô thị thông minh, ở Việt Nam muộn hơn các quốc gia trong khu vực. Theo kinh nghiệm của các nước, cũng giống như kiến trúc xanh hoặc quy hoạch bền vững, “thành phố thông minh” cần những điều kiện ban đầu nhất định để có thể được triển khai thành công. Từ những kinh nghiệm của các nước, những điều kiện ban đầu phải gồm: kinh tế tương đối mạnh để bảo đảm nguồn tài chính lớn; Khoa học kỹ thuật và công nghệ phát triển; Cán bộ có trình độ và năng lực cao; Cộng đồng nhận thức rõ vấn đề và tích cực tham gia cùng với chính quyền.
Để xây dựng thành công thành phố thông minh, thì tư duy quản lý và sự ủng hộ của người dân là điều quan trọng. Cùng với đó là việc tổ chức chiến lược thực hiện, chứ không chỉ nghe theo những lời chào hàng của các công ty, tổ chức để bán trang thiết bị, rồi “bỏ của chạy lấy người”. Khi đó thì việc khắc phục lỗi phần mềm, lỗi giải pháp sẽ trở thành thảm họa. Cốt yếu lúc này là cần bình tĩnh, tỉnh táo, không nên nôn nóng vì những mục tiêu quá cao, trong khi điều kiện con người, tiềm lực còn hạn chế.
Với trọng tâm của “thành phố thông minh”, cụ thể là việc xây dựng thành phố Hà Nội cho tương lai thì yếu tố con người là quan trọng, sau đó mới đến quản lý và công nghệ. Việc áp dụng công nghệ thông minh, theo KTS Ngô Viết Sơn Nam, cần giúp tăng giá trị sinh hoạt cộng đồng và bản sắc cho đô thị, thay vì làm đô thị trở nên máy móc, vô hồn giống nhau.
Để được như vậy cần chú ý nghiên cứu hiện trạng kinh tế - xã hội, nhu cầu sống và làm việc của người dân, để hình thành các cộng đồng sống và làm việc đa dạng, với sự hỗ trợ của nhiều cấp độ ứng dụng công nghệ thông minh. Bởi vì mỗi cộng đồng trong đô thị sẽ có nhu cầu sử dụng khác nhau về mặt công nghệ cao, thậm chí sẽ có những cộng đồng không mong muốn, hoặc không cần đến nhiều ứng dụng công nghệ cao trong cuộc sống.
Xét đến cùng xây dựng thủ đô Hà Nội trở thành “thành phố thông minh” là một tất yếu trong quá trình phát triển đô thị, làm cho cuộc sống người dân ngày càng được nâng lên, vừa bảo lưu văn hóa xã hội. Nhưng ngay tại thành phố thông minh cũng sinh ra những bất cập, như tạo ra một xã hội lạnh lùng, tách biệt khi các giao dịch dân sự trực tiếp được chuyển sang giao dịch gián tiếp qua công nghệ; tạo ra khoảng cách xã hội; giảm sáng tạo cá nhân; thông tin rò rỉ…
Nhiều đô thị đang làm theo phong trào, và nhiều phong trào đã thất bại. Cơ quan chức năng thành phố Hà Nội cần tính toán đến những yếu tố này, để có thể xây dựng, phát triển tốt nhất một thành phố văn minh, hiện đại, giàu văn hóa.