Khi ưu thế giá nhân công không còn
Nhìn ở diễn biến bề nổi, lạm phát đang bào mòn chất lượng sống của đa số người dân Việt Nam, đặc biệt là đối tượng có thu nhập thấp và trung bình. Chỉ trong vòng chưa đầy 4 năm, mặt bằng giá cả chung đã tăng gấp rưỡi (chỉ số giá hiện nay so với năm 2009 tăng trên 50%). Nhưng đồng thời, lạm phát cũng làm cho mặt bằng chi trả lương tăng lên.
Các phân tích từ Viện khoa học Lao động và Xã hội cho biết, tốc độ tăng thu nhập của người làm công ăn lương Việt Nam trong thời gian qua cũng tăng nhanh theo tốc độ lạm phát. Nhưng, việc tăng thu nhập vừa qua lại không thể hiện trình độ phát triển của nền kinh tế, mà đang đặt ra những thách thức mới cho Việt Nam, liên quan đến vấn đề mất sức hút đầu tư từ lao động giá rẻ.
Việt Nam mới góp công lắp ráp trong sản xuất hàng công nghệ cao
Ông Vũ Đình Minh - Giám đốc Dự án Công ty TNHH Cơ điện tử Bách Khoa, nêu một ví dụ trong ngành da giày rất đáng chú ý. Mức lương bình quân của lao động Việt Nam hiện nay đã lên tới 100 - 150 USD/tháng, cao hơn Myanmar (khoảng 60 USD/tháng), Bangladesh (từ 50 - 70 USD/tháng), hay thậm chí là cao hơn thu nhập của lao động ngành này tại Indonesia (70 - 100 USD/tháng) và Ấn Độ (100 - 120 USD/tháng).
“Trong thời gian qua, sức cạnh tranh của Việt Nam dựa nhiều vào nguồn nhân lực giá rẻ hơn là trình độ sản xuất. Yếu tố này sẽ không duy trì được sức cạnh tranh lâu dài, bởi vì thu nhập của nhân công và chi phí tiêu dùng trong những năm gần đây tăng cao”, ông Minh bình luận.
Phân tích các nhân tố đóng góp vào tăng trưởng giai đoạn 2000-2006 và 2007-2012, chuyên gia Bùi Trinh (Tổng cục Thống kê), hai yếu tố lao động và năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đều sụt giảm, với lao động là từ 20,04 xuống 20,02%, và sụt mạnh nhất là TFP, từ 22,6% xuống 6,4%.
Trong khi đó, hiệu quả đóng góp vào tăng trưởng từ nhân tố vốn cũng đang giảm dần, theo chuyên gia Bùi Trinh, tỷ lệ giữa tích lũy tài sản và vốn đầu tư (đã loại trừ yếu tố giá) thấp xuống nhanh, năm 2000 đạt 72,5% thì năm 2011 chỉ còn 62,3%. Điều này cho thấy, những khoản đầu tư vừa qua là quá lãng phí, không tạo được năng suất cạnh tranh hơn cho nền kinh tế.
Theo nhiều chuyên gia, để vực dậy năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thì Việt Nam phải tạo được sự chuyển hướng sản xuất sang các ngành thâm dụng công nghệ, nền tảng của nâng cao năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Cụ thể là các ngành nghiên cứu phát triển, chế tạo cơ điện tử và tiến tới sản xuất được sản phẩm cơ điện tử tiêu dùng cuối cùng. Tức là các khâu chiếm nhiều giá trị gia tăng nhất trong chuỗi sản xuất công nghệ cao hiện nay.
Để làm được việc này, đầu tư trong giai đoạn tới cũng phải hướng mạnh hơn vào việc tạo dựng hạ tầng công nghệ cao. Cũng vì lẽ đó, tại quy hoạch phát triển ngành cơ điện tử Việt Nam giai đoạn đến năm 2015 có xét đến năm 2025, tham vọng lớn được gắn với nhiều mục tiêu rất cụ thể, đặc biệt là mục tiêu tự chủ được một phần sản xuất thiết bị công nghệ cao.
Theo đó, giá trị sản xuất toàn ngành đến năm 2015 đạt khoảng 3.100 tỷ đồng, đến năm 2025 đạt khoảng 8.200 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu tương ứng cho từng thời kỳ là 18 - 20 tỷ USD và 60 - 65 tỷ USD. Cụ thể là phải đáp ứng được 20% nhu cầu máy công cụ công nghệ cao, 30% máy móc và thiết bị phục vụ xây dựng và giao thông, 75% thiết bị phục vụ chế biến nông sản và hàng tiêu dùng cơ điện tử, 16% thiết bị điện tử y tế...
Tuy nhiên, nhiều vướng mắc hiện nay đang “trói chân” các ý tưởng kinh doanh theo hướng phát triển công nghệ cao này. Theo các chuyên gia, rào cản đầu tiên cho phát triển công nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam là thiếu phòng thí nghiệm chế tạo các thiết bị tinh vi, dẫn tới cơ sở ban đầu để phát triển ngành chưa đầy đủ.
Thêm vào đó, dung lượng thị trường đối với các sản phẩm công nghệ cao còn nhỏ nên DN rất khó để xây dựng một chiến lược dài hạn, có điểm tựa là thị trường trong nước. Quan trọng hơn, tính liên kết của cơ quan điều hành chính sách, hiệp hội, DN, nhà nghiên cứu chưa được thiết kế gắn kết chặt chẽ với nhau để tạo điều kiện phát triển cho ngành...
Kết quả là, theo bà Hồ Thị Mai Sương (Đại học Thương mại), ngành sản xuất áp dụng công nghệ cao của Việt Nam còn sơ khai. Thậm chí ngay ở lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, địa hạt được cho là nền tảng cơ bản nhất để công nghiệp công nghệ cao cất cánh, thì rất ít nhà máy có thể sản xuất hoàn chỉnh linh kiện cho ngay cả các bộ phận cơ điện tử điển hình.
Ví dụ tại Canon, riêng với máy văn phòng có tỷ trọng 18% giá trị là sản phẩm của DN liên doanh, 13% của DN FDI, gần 60% vẫn là hàng nhập khẩu, trong khi tỷ lệ giá trị DN Việt Nam đóng góp chỉ đạt khoảng 10%, mức thấp nhất trong các thành phần DN tham gia cung cấp linh, phụ kiện.
Các DN Nhật Bản gần đây còn phải tổ chức triển lãm ngược, thay vì tổ chức sự kiện để người có sản phẩm đem rao bán và tìm đối tác, thì chính các nhà sản xuất phải giới thiệu nhu cầu của mình về các linh, phụ kiện cần tìm người cung cấp. “Nhiều DN FDI đang tìm kiếm nhà cung cấp linh, phụ kiện nội địa, nhưng khó có thể tìm được nhà cung cấp nào của Việt Nam đạt được trình độ công nghệ cao”, bà Sương cho hay.
Cho nên, ngay cả việc tận dụng nguồn lực FDI cho phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam cũng đang đầy rẫy thách thức. Điều này đang đặt ra một dấu hỏi lớn cho tương lai phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam.
Anh Quân