Không lo giảm nguồn thu ngoại tệ
Doanh nghiệp sẽ chủ động hơn trong phòng ngừa rủi ro tỷ giá | |
Cách thức điều hành tỷ giá mới được các chuyên gia đánh giá cao | |
Cơ chế điều hành tỷ giá mới vẫn kiên định với mục tiêu nâng cao vị thế VND |
Ông nhận định thế nào về cơ chế điều hành tỷ giá mới của NHNN với việc công bố tỷ giá trung tâm hàng ngày?
TS. Trần Du Lịch |
Cơ chế điều hành tỷ giá mới đã đi dần tới cách điều hành linh hoạt theo thị trường. Hiện chưa đủ thời gian để kết luận nó tích cực như thế nào, nhưng tôi cho rằng cách này phù hợp hơn bởi có tính thị trường hơn. Cách điều hành tỷ giá trước đây, mà tôi tạm gọi là để người ta cứ trông chờ NHNN điều chỉnh tỷ giá, khiến thị trường xuất hiện tỷ giá kỳ vọng, tạo tâm lý đầu cơ...
Phải nói rằng quá trình tái cơ cấu, ổn định hệ thống TCTD vừa qua đã khiến chúng ta có điều kiện hơn để điều hành chính sách tỷ giá và lãi suất đi dần đến cơ chế thị trường. Trong thời gian vừa qua, thị trường biến động không lớn, điều đó cho thấy rõ ràng tỷ giá thể hiện đúng quan hệ cung cầu trên thị trường. Do đó, nếu không có yếu tố đầu cơ lớn, chúng ta không phải lo lắng về vấn đề mất cân bằng cán cân thanh toán về ngoại hối.
Giá dầu đang giảm mạnh, và việc chúng ta mở cửa thị trường theo những hiệp định đã ký kết khiến nguy cơ hàng nhập khẩu tràn vào… Nguồn thu ngoại tệ giảm sẽ gây áp lực lên điều hành tỷ giá?
Tôi không nghĩ nguồn thu ngoại tệ của chúng ta sẽ giảm mạnh. Đúng là giá dầu giảm mạnh và đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Tăng trưởng xuất khẩu năm 2015 cũng chưa đạt mục tiêu đề ra. Nhưng tôi cho rằng, thị trường xuất khẩu hàng hóa (ngoài dầu thô) trong điều kiện hội nhập sẽ không ngừng gia tăng.
Và nếu chúng ta làm tốt việc phát triển du lịch. Tức là tăng xuất khẩu tại chỗ và xem du lịch là chiến lược quốc gia, phát triển đúng tầm tiềm năng của nó sẽ mang lại nguồn thu ngoại tệ rất lớn. Chưa kể dòng vốn FDI, vốn đầu tư khác vẫn có xu hướng tốt… nên tôi không bi quan là chúng ta giảm nguồn thu ngoại tệ do mở cửa thị trường, và do giá dầu giảm.
Một trong những mục tiêu của NHNN là chuyển từ huy động - cho vay sang mua – bán ngoại tệ. Theo ông điều kiện thị trường như thế nào có thể áp dụng cơ chế này?
Cùng với những giải pháp linh hoạt, đồng bộ khác trong điều hành tỷ giá, NHNN đã yêu cầu các NHTM giảm dần lãi suất huy động ngoại tệ và hiện lãi suất này đã ở mức 0%.
Tôi đánh giá cao NHNN trong điều hành chính sách có những bước đi, với định hướng xuyên suốt là chống đô la hóa, chống vàng hóa ngay từ giai đoạn đầu bằng các biện pháp hành chính và đang dần sử dụng các biện pháp mang tính thị trường hơn. Chúng ta đang tiến tới trên đất nước Việt Nam chỉ có một đồng tiền thanh toán. Đó là cách đi đúng. Tất cả tín hiệu điều hành hiện nay của NHNN đang đi theo hướng đó và tôi hoan nghênh cách điều hành này.
Theo ông, điều hành CSTT năm 2016 của NHNN sẽ gặp khó khăn gì?
NHNN sẽ gặp hai khó khăn lớn. Thứ nhất, làm sao giữ lãi suất cho vay không tăng. Đó là vấn đề khó, vì thực tế hiện nay NHTM đang phải đảm nhận lượng TPCP rất lớn.
Tôi cho rằng đây là sức cầu cạnh tranh của thị trường. Thứ hai, thời gian qua chúng ta thực hiện tái cơ cấu TCTD tương đối thành công. Nhưng đó mới là sự sắp xếp lại để ổn định hệ thống, còn nhiều vấn đề cần xử lý tiếp như: nâng cao năng lực quản trị, điều hành; xử lý những nợ tồn đọng, đặc biệt là vấn đề tài sản thế chấp (mà hiện đang tạm gửi ở VAMC) để rồi tạo thanh khoản, để tạo dòng vốn mới… đó là những thử thách trong điều hành CSTT của NHNN giai đoạn tới.
Xin cảm ơn ông!