Không lo thiếu tiền, chỉ sợ thiếu cơ chế
Hỗ trợ DN, đưa nền kinh tế vượt khó | |
Luật hỗ trợ DNNVV: Thừa còn hơn thiếu | |
Hơn 2,85 tỷ đồng hỗ trợ DN Hà Nội phát triển thương hiệu trong năm 2016 |
Ông Nguyễn Đức Kiên |
Từ đầu năm đến nay Chính phủ đã ban hành hai Nghị quyết với nhiều chính sách hỗ trợ các DN nhất là DNNVV, nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững. Trong đó, Chính phủ yêu cầu NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD thực hiện một số giải pháp hỗ trợ DN nhất là DNNVV tiếp cận vốn, không phân biệt đối tượng khách hàng, tạo sự bình đẳng… Vậy, các chính sách hỗ trợ tín dụng cho DN triển khai ra sao trong thời gian tới?
Phóng viên Thời báo Ngân hàng đã phỏng vấn TS. Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội về vấn đề này.
Ông đánh giá thế nào về quyết sách của Chính phủ đối với DN?
Những chính sách, giải pháp của Chính phủ đưa ra rất đúng. Nhưng vấn đề là nó sẽ được triển khai thế nào mới là quan trọng. Bởi thời gian qua, nhiều chính sách đưa ra rất đúng, nhưng khâu thực hiện có vấn đề nên hiệu quả chưa cao.
Nghị quyết có yêu cầu NHNN chỉ đạo các TCTD nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho DN, tạo sự bình đẳng trong vay vốn. Ông nghĩ sao về điều này?
Xét về bản chất yêu cầu trên là đúng. Nhưng tôi nghĩ rằng, trong thực tế khó có thể đòi hỏi sự bình đẳng khi DN đi vay vốn. Ở tầm vĩ mô, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện như vậy, nhưng người triển khai trực tiếp là các NH họ mới biết tường tận được mọi vấn đề.
Tôi lấy ví dụ, một cậu thanh niên 18 tuổi khi được đưa vào nhà máy sản xuất xi măng vẫn chịu được khi đeo thêm khẩu trang. Trong khi đó, nếu một đứa trẻ có vài ba tuổi được đưa vào môi trường trên nếu chỉ trang bị khẩu trang chắc chắn không thể chịu nổi. Nên chỉ những người làm trực tiếp mới biết được những người ở trong môi trường đó cần có bầu không khí thở, điều kiện thở như thế nào…
Việc NH cho DN vay cũng vậy. NH không thể mang tiền cho bất cứ DN nào vay, nhất là DNNVV quy mô chỉ vài chục lao động.
Nếu bảo lãnh cho DNNVV tốt vay vốn thì lợi nhuận thu về còn gấp mấy lần đối với DN lớn |
Khi các quy định cấp tín dụng vẫn phải chặt chẽ, thì vai trò của các Quỹ bảo lãnh tín dụng, Quỹ hỗ trợ phát triển DN… gần như lu mờ. Họ chưa nhận thức được vai trò bà đỡ cho các DNNVV mà vẫn còn có tư tưởng xin – cho. Và họ quên mất một điều, nếu bảo lãnh cho DNNVV tốt vay vốn thì lợi nhuận thu về còn gấp mấy lần đối với DN lớn.
Tôi thử hỏi, đã có “ông” làm quỹ nào đến các trường đại học chào mời những nhà khoa học bán ý tưởng rồi giới thiệu cho CEO giỏi và đứng ra bảo lãnh để vay vốn NH chưa? Chắc chắn là chưa.
Không kể đâu xa, nếu như nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không đồng ý đầu tư hàng triệu USD cho dự án “Mắt thần cho người mù” thì có lẽ dự án sản xuất kính cho người mù của TS. Nguyễn Bá Hải sẽ vẫn chỉ nằm trên giấy. Đó là một sự lãng phí rất lớn.
Vậy, theo ông giải pháp nào để thực hiện được yêu cầu trên?
Tôi nghĩ rằng, không chỉ các quỹ, ngay cả các NH cũng quá thận trọng hay nói cách khác là chưa có “máu” kiếm tiền lắm. Các NH đã bao giờ ngồi với các trường, viện nghiên cứu để xem có những sản phẩm gì hay, độc đáo để đầu tư vốn phát triển? Rồi sau đó NH có thể tính đến việc chào bán những sản phẩm này ra nước ngoài. Chắc là cũng chưa có.
Có thể bạn và nhiều người có sự lầm tưởng DN lớn mới là miếng thịt nạc, nhưng thực tế lại là DNNVV. Cho vay DN lớn, không chỉ áp dụng lãi suất thấp, các NH còn phải đưa ra nhiều ưu đãi khác, thậm chí phải lo chi phí không chính thức cho họ. Trong khi đó, các DNNVV có nhiều ý tưởng hay, sáng tạo và lại có thể cho vay với lãi suất cao hơn. Vấn đề của các NH là phải quản lý chặt chẽ dòng tiền, tư vấn kế hoạch kinh doanh cho DN hay nói cách khác phải chế biến "miếng thịt sống" này thành món ăn ngon.
Hỗ trợ ở đây, không có nghĩa là cầm tiền NH cho bất cứ DNNVV nào vay vốn. Mà tôi cho rằng, NH nên thành lập một Quỹ đầu tư hỗ trợ cho DNNVV. Đối với Quỹ này ưu tiên các DN có phương án kinh doanh tốt, ý tưởng sáng tạo nhưng không có tiền và kinh nghiệm làm quản trị DN thì NH hỗ trợ, ưu tiên cấp vốn. Đó mới gọi là Nhà nước khuyến khích khởi nghiệp, NH đứng ra hỗ trợ.
Tôi nghĩ rằng, vấn đề đối với cấp thực hiện, không phải thiếu tiền mà thiếu đội ngũ những người triển khai ý tưởng vào cuộc sống. Còn ở cấp vĩ mô còn thiếu cơ chế. Đấy là cơ chế theo kinh tế thị trường hoặc theo nguyên tắc thị trường để đảm bảo những rủi ro về sản xuất kinh doanh không bị hình sự hóa. Nhắc đến hình sự hóa thì ai cũng sợ chứ không cứ gì NH và DN.
Đối với một quốc gia sản xuất thì phải tạo mọi điều kiện để đưa tiền vào sản xuất. Do đó, tăng trưởng tín dụng cao nhưng tiền không đưa nhiều vào sản xuất thì cũng không có tác động mạnh, tạo sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế. Một nền kinh tế sản xuất đúng nghĩa khi tiền bỏ vào đầu tư sản xuất thông qua cổ phần hóa DN, thị trường chứng khoán, trái phiếu công trình, trái phiếu DN với lợi nhuận cao thay vì chỉ chăm chăm gửi tiền vào NH để đảm bảo số tuyệt đối và được cộng thêm một ít lãi suất.
Sắp tới, tôi nghĩ rằng, cơ hội tiếp cận vốn của DN cũng sẽ cải thiện hơn khi mà các NH thực hiện quyết liệt tái cơ cấu. Muốn đảm bảo tăng trưởng, duy trì lợi nhuận nhất là trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, các NH phải “bung” quân đi các ngõ, ngách tìm khách hàng DN để cho vay. Chắc chắn DN nào tốt sẽ được NH tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ tư vấn tài chính, thẩm định phê duyệt hồ sơ nhanh chóng nếu không muốn mất khách.
Xin cảm ơn ông!
Chuyên gia NH - TS. Nguyễn Trí Hiếu: Với tình hình sức khỏe tài chính DNNVV còn yếu, phương án kinh doanh chưa khả thi, không đáp ứng điều kiện tín dụng chắc chắn là NH không dám cho vay dù rất muốn. Đây là vấn đề đặt ra từ lâu chưa thể giải quyết nên hai bên vẫn chưa gặp nhau được nhiều. Thực tế, cũng không thể nào đòi hỏi NH phải dung hòa các điều kiện cho vay. Bởi việc các NH quản lý rủi ro chặt chẽ là điều cần thiết đảm bảo nền tảng bền vững hệ thống tài chính Việt Nam nói riêng, nền kinh tế nói chung. Nếu họ cố tình cho vay không đủ tiêu chuẩn có thể lại rơi vào rủi ro lớn. Cuối cùng NH cũng như cổ đông của họ là người chịu thiệt hại. Thế thì làm sao thoát khỏi vòng luẩn quẩn đó. Theo tôi, Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV cần phải được thực hiện một cách bài bản hơn, vốn điều lệ phải tăng cường, bên cạnh đó có cơ chế chính sách cho quỹ hoạt động thông thoáng hơn không nên quy trách nhiệm hình sự hóa các vấn đề. Chính phủ chấp nhận chi phí hỗ trợ DN không có đủ điều kiện vay vốn NH cũng như trả nợ NH. Nếu không chẳng quỹ nào dám bảo lãnh cho DNNVV vì sợ mất tiền. Nó là chính sách của Chính phủ, chứ không thể chỉ hô hào hiệu triệu. |