Kiểm lâm tiếp tay cho lâm tặc
Tàn phá rừng đặc dụng
Theo đó, Hạt Kiểm lâm và BQL rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa đã phát hiện 17 phách gỗ xẻ hộp (khoảng 2m3) cất giấu trái phép tại tiểu khu 37 thuộc khu vực rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa. Cũng ở khu vực trên, lực lượng chức năng tiếp tục phát hiện hai bãi cất giấu gỗ trái phép, lên đến 66 phách gỗ xẻ, gồm 11 phách gỗ gõ, 55 phách gỗ kiền kiền với hơn 14m3. Toàn bộ số gỗ này không có dấu búa kiểm lâm, cũng như chủ sở hữu.
Kiểm tra trên diện rộng, tổ liên ngành của Quảng Nam và kiểm lâm TP. Đà Nẵng tiếp tục phát hiện thêm 9 điểm cất giấu gỗ với số lượng lớn. Trong đó, 5 điểm cất giấu thuộc lâm phận tỉnh Quảng Nam với 227 phách gỗ, có khối lượng hơn 10m³; 4 điểm thuộc lâm phận TP. Đà Nẵng với 224 phách gỗ có khối lượng khoảng 10,1m³…
Tiếp tay cho lâm tặc, khiến tài nguyên rừng ngày càng cạn kiệt |
Ngay sau khi phát hiện gỗ lậu trong rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, ông Đinh Văn Hươm, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết, chính quyền địa phương đã phối hợp với cơ quan chức năng của TP. Đà Nẵng tiến hành kiểm tra, lập biên bản và tạm giữ toàn bộ số gỗ trái phép. Đồng thời, cũng huy động lực lượng mở đợt kiểm tra, truy tìm các điểm tập kết gỗ trái phép tại khu vực rừng giáp ranh.
Kết quả tổng kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện hàng chục điểm cất giấu gỗ trái phép tại khu vực giáp ranh, thu giữ hơn 43 m3 gỗ các loại. Số gỗ trên được xác định chủ yếu là kiền kiền, gõ, thuộc nhóm 2.
Cũng theo ông Hươm, gỗ lậu bị lực lượng chức năng phát hiện chắc chắn khai thác ở rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa nằm trên địa phận TP. Đà Nẵng, bởi từ năm 1993 ở khu vực lân cận trên địa bàn Quảng Nam không còn gỗ kiền kiền. Từ khi tách tỉnh (1997) đến nay, người dân vùng giáp ranh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng mới chứng kiến cơ quan chức năng phát hiện một số gỗ lậu lớn đến như vậy…
“Chống lưng” cho… lâm tặc
Ngay sau khi vụ việc bị phanh phui, với một số lượng lớn gỗ lậu bị phát hiện lại nằm gần với Trạm quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông, (BQL rừng đặc dụng Bà Nà- Núi Chúa), đã gây nên những hoài nghi trong dư luận. Dư luận không khỏi đặt câu hỏi có hay không việc “chống lưng” của lực lượng chức năng đối với lâm tặc? Vì sao lâm tặc lại có thể dễ dàng khai thác số lượng gỗ lớn suốt một thời gian dài mà lực lượng bảo vệ, kiểm lâm không phát hiện ra?
Ngoài ra, với lượng gỗ lớn này, không phải dễ dàng một sớm một chiều có thể tập kết được. Sự nghi ngờ càng có cơ sở, bởi số gỗ lậu trên nếu vận chuyển ra bên ngoài chỉ có một con đường độc đạo đi ngang qua Trạm quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông...
Nhận thấy đây là vụ phá rừng nghiêm trọng, lớn nhất kể từ ngày chia tách tỉnh, Chi cục kiểm lâm TP. Đà Nẵng đã khởi tố vụ án, chuyển hồ sơ sang công an TP. Đà Nẵng điều tra làm rõ vụ việc. Sau một thời gian điều tra, mới đây đường dây phá rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa do Vũ Văn Tam, trú tại Nam Định điều hành cùng 13 đối tượng liên quan đã lần lượt bị công an TP. Đà Nẵng phát hiện và bắt giữ.
Đặc biệt, theo kết quả điều tra của cơ quan công an, thì tiếp tay cho lâm tặc tàn phá rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa lại chính là cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng. Trong số 13 đối tượng đã bị cơ quan công an bắt giữ có ông Phạm Phú Cường, nguyên Trạm trưởng Trạm quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông, và Nguyễn Văn Ấn nhân viên Trạm quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông…
Sau một thời gian điều tra bổ sung, cơ quan Cảnh sát Điều tra công an TP. Đà Nẵng đã chuyển đổi tội danh đối với ông Cường và ông Ấn từ tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” sang tội “nhận hối lộ”…
Theo công an TP. Đà Nẵng, trong vụ phá rừng đặc dụng này nhóm lâm tặc lẫn các đối tượng tiếp tay đã gây ra thiệt hại ban đầu tạm tính khoảng hơn 154 m3 gỗ cây đứng nguyên khai, ước tính giá trị lâm sản và giá trị môi trường đặc dụng gần 4,5 tỷ đồng.
Xác minh ban đầu cho thấy, số gỗ quý bị chặt phá hầu hết thuộc các tiểu khu 31, tiểu khu 33 do ông Phạm Phú Cường và ông Nguyễn Văn Ấn làm tiểu khu trưởng. Trước đó, một số cán bộ thuộc Ban quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa và hai kiểm lâm phụ trách địa bàn đã bị Chi cục Kiểm lâm TP. Đà Nẵng tạm đình chỉ để phục vụ công tác điều tra…
Bởi vậy, hiện dư luận đang đặt câu hỏi liệu ngoài những lâm tặc, bảo vệ rừng biến chất đã tiếp tay cho lâm tặc, có còn những cá nhân nào có liên quan nhưng chưa bị pháp luật “sờ gáy”?