Kinh tế Anh hậu Brexit
NHTW Anh có thể giảm tiếp lãi suất xuống sát 0% để chống Brexit | |
Thị trường BĐS tại Anh: Những điều chỉnh hậu Brexit |
Sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6 về việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), đã có nhiều chuyên gia cũng như các tổ chức kinh tế đưa ra các dự báo về việc nền kinh tế Anh có thể sẽ gặp nhiều khó khăn trong quý III.
Thế nhưng cho tới nay, gần 3 tháng sau ngày bỏ phiếu quyết định rời EU, mặc dù cũng chịu những tác động đáng kể hậu Brexit, nhưng các chỉ số vĩ mô của quốc gia này vẫn diễn biến tương đối ổn định.
Chỉ số PMI sản xuất tại Anh - Nguồn: Trading Economics |
Các số liệu vĩ mô khả quan
Khu vực sản xuất là đối tượng chịu tác động đầu tiên từ sự kiện Brexit. Chỉ số PMI khu vực chế biến chế tạo đã có sự sụt giảm mạnh từ mức 52,2 điểm trong tháng 6 xuống mức thấp kỷ lục 48,3 điểm vào tháng 7 – mức thấp nhất trong vòng 41 tháng qua.
Tuy nhiên, tác động này chỉ mang tính tạm thời, ngay trong tháng 8, chỉ số PMI đã tăng mạnh trở lại lên mức 53,3 điểm nhờ sự gia tăng mạnh số lượng đơn đặt hàng mới và các công ty tiếp tục báo cáo khả quan về số lao động mới được tuyển dụng. Như vậy, đây là lần tăng điểm mạnh nhất của chỉ số PMI trong vòng 25 năm qua và cũng là tháng PMI đạt mức cao nhất kể từ tháng 10 năm 2015 trở lại đây.
Tương tự như vậy, khu vực tiêu dùng cũng dường như ít chịu tác động từ Brexit. Tăng trưởng doanh số bán lẻ so với cùng kỳ tại Anh vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng tốt trong 2 tháng 7 và 8 của quý III với mức tăng lần lượt đạt 6,3% và 6,2%, cao hơn hẳn tốc độ tăng trưởng của các tháng thuộc 2 quý liền trước.
Trong khi đó, hoạt động xuất khẩu dường như còn hưởng lợi đáng kể từ sự kiện Brexit do sự suy yếu của đồng Bảng Anh. Theo đó, xuất khẩu trong tháng 7 đã tăng 2% so với tháng 6, đánh dấu tháng tăng trưởng thứ 2 liên tiếp của xuất khẩu. Có thể thấy trong năm nay Anh đang duy trì được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khá tốt, đặc biệt vào tháng 4 vừa qua, xuất khẩu tại Anh đã chạm mốc 45 tỷ Bảng, mức cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Diễn biến lạm phát và thất nghiệp tại quốc gia này cũng diễn biến khả quan hơn khu vực EU. Trái với những lo ngại về việc kinh tế Anh có thể rơi tình trạng suy thoái và giảm phát hậu Brexit do sức mua suy giảm, lạm phát tại Anh trong 2 tháng 7 và 8 vẫn duy trì ở mức 0,6%, cao hơn so mức lạm phát dao động trong ngưỡng 0,3 – 0,5% những tháng trước đó. Trong khi đó thất nghiệp duy trì ổn định ở ngưỡng 4,9% qua 3 tháng liên tiếp và thấp hơn rất nhiều mức thất nghiệp trung bình lên đến trên 10% của khu vực EU.
Và tương lai…?
Đâu là câu trả lời cho những tín hiệu tích cực của kinh tế Anh trong những tháng vừa qua. Theo các nhà kinh tế, nền kinh tế Anh đã không rơi vào khủng hoảng sau ngày 23/6 nhờ sự kết hợp hài hòa giữa sức mạnh sẵn có và những bước đi hợp lý của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE).
Trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, Anh là một trong những nền kinh tế hiệu quả nhất trong các nước phát triển, ghi dấu mức tăng trưởng 2,3%, chỉ kém chút ít so với Mỹ (2,4%) song cao hơn hẳn mức 1,6% của khu vực đồng euro. Mức tăng trưởng này được xây dựng lên từ nền tảng tích cực từ khu vực sản xuất và tiêu dùng trong nước, và đây là một cơ sở đảm bảo cho kinh tế Anh không nhanh chóng bị trật bánh khỏi đường ray ngay sau khi sự kiện Brexit diễn ra.
Tới tháng 8/2016, BoE tiếp tục cải thiện tình hình khi tiến hành hỗ trợ cho nền kinh tế, khiến cho đồng bảng Anh yếu đi thông qua thực hiện cắt giảm lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2009, cùng với nhiều biện pháp kích thích khác. Động thái này của BoE cũng đem tới một thông điệp mạnh mẽ cho các thị trường, công ty và người tiêu dùng về cam kết của chính phủ Anh đối với việc đảm bảo sự ổn định của nền kinh tế ngay cả khi những điều tồi tệ nhất xảy ra.
Tuy nhiên, những nhà quan sát thận trọng hơn cảnh báo rằng tác động thực sự của Brexit vẫn chưa đến, vì đến nay hầu như chưa có sự thay đổi nào. Anh chọn rời EU nhưng các công ty của nước này lại đang tiếp cận được với các thị trường châu Âu. Giới ngân hàng Anh vẫn hưởng “quyền hộ chiếu” cho phép họ làm ăn ở châu Âu.
Trong khi đó, thời điểm Anh phải khởi động quá trình chính thức rời khỏi EU ngày càng đến gần. Chính phủ Anh với sự dẫn dắt của Thủ tướng Theresa May đến nay chưa tiết lộ họ sẽ làm thế nào để gỡ rối mối quan hệ với EU. Như vậy, rõ ràng các khó khăn vẫn còn ở phía trước và tương lai nền kinh tế Anh sẽ đi đến đâu vẫn còn là một vấn đề khó đoán định.