Thị trường BĐS tại Anh: Những điều chỉnh hậu Brexit
Sau Brexit, nhiều lĩnh vực kinh doanh ở Anh u ám | |
Phải chăng là chỉ báo tái diễn khủng hoảng? | |
Bảng Anh lại rơi xuống thấp nhất 31 năm, yên Nhật tăng mạnh |
Theo thống kê mới nhất, ba Tập đoàn địa ốc Henderson, Threadneedle Columbia và Canada Life hiện đã tạm ngưng mua bán, khiến cho giờ đây có đến 14 tỷ bảng Anh đầu tư vào xây dựng các trung tâm mua sắm, cao ốc văn phòng và kho bãi bị khóa lại để khỏi bị các nhà đầu tư kéo tới rút tiền ồ ạt.
Trước đó, nguồn tiền đã bị cắt từ các ngân hàng đầu tư như Standard Life, Aviva và M&G của Prudential. Và đây có thể chưa phải là điểm dừng trong cơn khủng hoảng này.
Thị trường BĐS Anh sẽ nhanh chóng hồi phục |
Theo tổng kết của Reuters thì đa số nhà đầu tư rút tiền vì dự đoán là giá nhà ở Anh sẽ rớt, và hiện có khoảng 18 tỷ bảng đang bị 7 quỹ đầu tư đóng băng để ngăn chặn-một tình huống được coi là tệ hại nhất kể từ cơn khủng hoảng tài chính hồi năm 2008 cho tới nay. Giới chuyên gia lo ngại tình hình có thể xấu hơn nếu dư luận tiếp tục lo ngại thêm và tiếp tục rút tiền đầu tư làm giảm giá trị cổ phiếu.
Và điều đáng lo nhất là đây không phải là chuyện riêng của nước Anh, vì các quỹ đầu tư địa ốc trên thế giới liên thông với nhau, với tổng trị giá khoảng 183 tỷ bảng lưu thông trong năm ngoái, thì nước Anh đã chiếm đến một nửa là 90 tỷ bảng.
Hồi đầu tuần thống đốc ngân hàng Anh Mark Carney đã lên tiếng trấn an dư luận rằng đây không phải là chuyện nghiêm trọng cho ngân hàng Anh, nhưng mới gần đây đã có một số triệu chứng có thể được coi là biến động ở thị trường địa ốc của Đức.
Giá trị cổ phiếu trong ngành địa ốc và lượng đầu tư vào ngành này sụt giảm đang gây ra những ảnh hưởng mạnh tới giá cả giao dịch trên thị trường. Giá nhà tại trung tâm thành phố London đang rơi vào tình trạng rớt giá mạnh kể từ khi cuộc trưng cầu dân ý tại Anh kết thúc với việc quốc gia này chính thức lựa chọn rời khỏi EU.
Theo số liệu của công ty địa ốc LonRes có trụ sở đóng tại London, giá chào bán nhà tại Anh đã giảm mạnh 163% trong vòng 12 ngày sau khi cuộc trưng cầu dân ý diễn ra.
Tuy nhiên, giá bán giảm mạnh cũng không kích thích nhu cầu thị trường khi số lượng hợp đồng mua bán bất động sản được ký kết chính thức trong những ngày qua cũng đã giảm 18% so với thời điểm trước khi sự kiện Brexit diễn ra, đồng thời con số này cũng đã giảm 43% so với cùng thời điểm này năm ngoái.
Theo một nghiên cứu của cơ quan tư vấn tài chính Deloitte, trong 6 tháng đầu năm 2016, hoạt động cho thuê văn phòng hay cơ sở với mục đích thương mại, chỉ riêng tại khu vực chung quanh London, đã giảm đi 31%. Một tín hiệu khác cho thấy đầu tư vào địa ốc trên quê hương của Thủ tướng David Cameron lúc này không có lợi, khi mọi người chờ đợi giá cho thuê văn phòng sẽ giảm khoảng 20% trong hai năm sắp tới.
Về phần mình, ngân hàng đầu tư Mỹ Jefferies dự báo các hãng ngoại quốc sẽ di chuyển khoảng 100.000 nhân viên sang một quốc gia khác. Như vậy, nhu cầu thuê, mua nhà qua đó giảm theo.
Nếu xét trong một quá trình dài từ suốt năm 2009 cho tới nay, ngành địa ốc tại Anh luôn tăng trưởng với tỷ lệ 40% hàng năm, thì những con số trên cho thấy đây là cú sụt giảm vô cùng nghiêm trọng.
Về dài hạn hơn, nhiều nhà đầu tư cho rằng sản lượng cũng như mức thu nhập tại Anh sẽ giảm 3-10% trong 5 năm sau Brexit. Tuy rằng sẽ có những khoản tiết kiệm ngân sách từ việc rời khỏi EU, nhưng đánh đổi lại sẽ là sự tăng trưởng chậm của nền kinh tế. Tăng trưởng kinh tế giảm tốc và đồng bảng giảm giá sẽ ảnh hưởng tới chi tiêu tiêu dùng, gây bất lợi cho hoạt động của các trung tâm thương mại.
Còn nếu các công ty trong EU rời trụ sở khỏi Anh, nhu cầu diện tích văn phòng sẽ giảm. Đây là hai lý do khiến các quỹ bất động sản kể trên phải đối mặt với làn sóng rút vốn ào ạt trong ngắn hạn và trung hạn. Chắc chắn trong vòng 2 năm tới, giá trị tài sản thị trường sẽ tiếp tục bị điều chỉnh thấp hơn, trong đó London sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Tuy nhiên, một điểm tích cực đó là việc giá cả nhà đất tại Anh đang điều chỉnh theo xu hướng trở về một mức cân bằng phù hợp hơn. Trước khi diễn ra Brexit, London luôn được coi là một trong những trung tâm giao dịch địa ốc đắt đỏ nhất thế giới, với việc cung cầu khó gặp nhau do giá cả niêm yết thường vượt quá cao so với mức giá trị có thể được chấp nhận giữa người mua và người bán.
Có thể giá trị giao dịch sẽ sụt giảm trong ngắn hạn, tuy nhiên trong dài hạn khi niềm tin của người tiêu dùng tăng lên, thị trường địa ốc tại quốc gia này sẽ nhanh chóng ấm trở lại, đặc biệt trong bối cảnh đồng bảng Anh vẫn đang ở mức thấp nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây.