Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương 2017: Lạc quan về triển vọng tăng trưởng
Tăng trưởng bứt tốc và dấu ấn Chính phủ kiến tạo | |
Kinh tế 2018: Vững tin bước tới | |
ADB dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam đạt 6,7% năm 2017 và 2018 |
Châu Á - Thái Bình Dương vẫn là khu vực năng động nhất về kinh tế và là động lực chính cho tăng trưởng toàn cầu trong gần một thập kỷ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Trong năm qua, châu Á - Thái Bình Dương cũng đi đầu về hội nhập, lãnh đạo các nền kinh tế khu vực đã nỗ lực thúc đẩy liên kết kinh tế và tự do hóa thương mại. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách kinh tế ở châu Á-Thái Bình Dương vẫn đang đối mặt với hàng loạt thách thức toàn cầu nhằm duy trì đà tăng trưởng.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế của châu Á |
Triển vọng tăng trưởng lạc quan
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế của châu Á, theo đó kinh tế của khu vực đang phát triển này được dự báo sẽ tăng trưởng 6% trong năm 2017, nhờ tăng trưởng xuất khẩu và tiêu thụ nhiên liệu nội địa cao hơn so với dự kiến, tăng 0,1 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 9, trong khi dự báo cho năm 2018 vẫn giữ nguyên ở mức 5,8%.
Ở cấp tiểu vùng, tăng trưởng ở Nam Á được điều chỉnh tăng lên 6,2% vào năm 2017 so với mức 6% trước đó, trong khi dự báo cho năm 2018 được giữ nguyên ở mức 5,8%. Triển vọng tăng trưởng tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, được điều chỉnh tăng nhờ giữ vững mức tiêu dùng với dự báo tăng lên 6,8% vào năm 2017 và 6,4% năm 2018.
Nam Á được dự báo sẽ vẫn là nơi có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong số các tiểu vùng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bất chấp có sự điều chỉnh giảm từ mức 6,7% xuống còn 6,5% trong năm 2017 và được kỳ vọng tăng lên 7% vào năm 2018. Tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ấn Độ - nền kinh tế lớn nhất tiểu vùng - được điều chỉnh giảm còn 6,7% năm 2017 và 7,3% năm 2018.
Tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á được nâng lên so với dự báo trước đó, với GDP được dự kiến tăng lên 5,2% trong năm 2017 và 2018, so với các mức dự báo tương ứng là 5% và 5,1% đưa ra hồi tháng 9. Tiểu vùng này đang được hưởng lợi từ các hoạt động đầu tư và xuất khẩu mạnh mẽ hơn, với mức tăng trưởng cao hơn cho Brunei, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan. Đầu tư cho cơ sở hạ tầng tiếp tục đóng vai trò quan trọng ở Indonesia, Philippines và Thái Lan. Báo cáo đưa ra nhận định nhu cầu nội địa mạnh mẽ - đặc biệt là tiêu dùng cá nhân và đầu tư - sẽ tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng ở tiểu vùng.
Triển vọng của Trung Á trong năm nay đã được cải thiện thêm do nhu cầu nội địa và hoạt động xuất khẩu cao hơn ở một số quốc gia đã giúp thúc đẩy sự phục hồi của tiểu vùng. Tăng trưởng được dự kiến đạt 3,6% trong năm 2017 so với dự báo ban đầu là 3,3%. Mức dự báo của năm 2018 cho Trung Á vẫn giữ nguyên ở 3,9%.
Tăng trưởng tại Thái Bình Dương được dự kiến duy trì ở mức 2,9% trong năm 2017 và 3,2% trong năm 2018 với Papua New Guine - nền kinh tế lớn nhất tiểu vùng - tiếp tục phục hồi dần nhờ sự tăng trưởng của các ngành khai khoáng và nông nghiệp.
Trong bối cảnh xu hướng gia tăng chủ nghĩa bảo hộ và chống toàn cầu hóa vẫn lan rộng, đe dọa sự tăng trưởng toàn cầu, nhu cầu về các liên kết thương mại sâu sắc hơn nhằm thúc đẩy thị trường tự do cũng gia tăng. Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, mà trước đó là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương hay Khu vực thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương đang là những bước đi tích cực của châu Á-Thái Bình Dương trong tiến trình thúc đẩy hội nhập kinh tế theo hướng cân bằng lợi ích của các bên, vì thịnh vượng chung ở khu vực.
Trên toàn cầu, bức tranh kinh tế năm 2017 được đánh giá khá tích cực. Từ đầu tàu kinh tế thế giới cho tới các nước phát triển và mới nổi, các hoạt động kinh tế đều được ghi nhận khả quan hơn so với dự báo ban đầu. Quỹ Tiền tệ Quốc tế và nhiều tổ chức tài chính khác trên thế giới đồng loạt nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu lên 3,7% hoặc 3,6%, cao hơn nhiều so với con số 3,2% đạt được trong năm 2016.
Và những thách thức lớn
Diễn đàn Đông Á số mới ra có bài viết của Christopher Findlay, Quyền Viện trưởng Viện nghiên cứu thương mại quốc tế thuộc Đại học Adelaide, trong đó nhận định rằng năm 2017 không phải là một năm dễ dàng cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nhiều thách thức của năm 2017 sẽ còn tiếp diễn trong năm 2018.
Trước hết là việc phải tìm ra những nguồn tăng trưởng mới. Một số nền kinh tế trong khu vực đang tập trung phát triển công nghệ. Mặc dù những nước này đang hoặc đã tiếp cận được những công nghệ mới nhưng vẫn quan ngại về tình trạng trì trệ. Cụ thể: Indonesia đang đối mặt với nguy cơ này trong khi Trung Quốc cũng đương đầu với những rủi ro tương tự; Australia tiếp tục lo lắng về năng suất còn Singapore đang tranh luận về hiệu quả năng suất của họ.
Thách thức lớn thứ hai là sự nghiêng sang bảo hộ thương mại. Tại Hội nghị Cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) diễn ra ở Việt Nam tháng 11 vừa qua, các nhà lãnh đạo APEC tuyên bố rằng hội nhập đã “thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và việc làm, nhưng lợi ích lại được phân chia không đồng đều”. Việc phân phối những lợi ích của hội nhập là rất quan trọng và cần có các cơ chế cho mục đích này. Nếu không làm được như vậy thì nó sẽ làm trầm trọng thêm sự thay đổi hiện nay đối với bảo hộ thương mại và có thể sẽ là nguy cơ lớn nhất đối với tăng trưởng.
Ngoài ra còn có những thách thức khác đối với quy trình sản xuất và doanh nghiệp. Người ta lo ngại rằng việc mở rộng chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa đã lên đến đỉnh điểm, dẫn đến sự suy giảm tăng trưởng thương mại so với tăng trưởng GDP. Công nghệ mới như robot hay in ấn 3D hiện nay có thể dẫn đến thúc đẩy sản xuất. Điều này có thể tạo ra cơ hội, nhưng đồng thời việc tái cấu trúc các chuỗi giá trị có thể cắt giảm cơ hội cho các nhà xuất khẩu trong khu vực và Australia vốn là nhà cung cấp nguồn lực và dịch vụ cho các chuỗi giá trị toàn cầu.
Tác giả bài viết kết luận rằng những thách thức này có nguy cơ trở thành một vòng xoáy luẩn quẩn: tăng trưởng chậm hơn và chủ nghĩa bảo hộ có thể củng cố lẫn nhau, hoặc thất bại trong việc nắm bắt những mô hình kinh doanh mới có thể kìm hãm tăng trưởng năng suất.