Kinh tế Mexico đối mặt nhiều thách thức
Mục tiêu tiếp theo của Trump: Học sinh Trung Quốc tại các trường ưu tú | |
Ông Trump lại dọa áp thuế với Mexico | |
Nhiều tập đoàn Mỹ sẽ thiệt hại nặng nếu Trung Quốc trả đũa |
Mỹ tăng thuế với Mexico
Nền kinh tế Mexico từ đầu năm 2019 trở lại đây đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi trong quý I chỉ đạt mức tăng trưởng 1,3%, mức tăng trưởng theo quý thấp nhất kể từ năm 2009.
Kinh tế Mexico sẽ chịu rủi ro lớn kéo dài tới hết năm 2019 |
Điều này cũng do căng thẳng thương mại gần đây với Mỹ đang tạo áp lực không nhỏ. Vừa qua, Mỹ công bố kế hoạch áp thuế 5% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ nước láng giềng phía Nam này của mình bắt đầu từ ngày 10/6. Mức thuế này chỉ kết thúc khi cuộc khủng hoảng di cư bất hợp pháp được giảm bớt. Chính quyền Tổng thống Trump cũng cho biết, các mức thuế sẽ nhanh chóng leo thang và có khả năng đạt 25% vào tháng 10. Ngay sau thông báo trên, thị trường tài chính Mexico đã lập tức có phản ứng mạnh. Đồng peso mất giá mạnh so với đồng USD, giảm 1,8% xuống mức thấp nhất trong vòng 3 tháng trở lại đây.
Việc Mỹ tăng thuế với Mexico cũng khiến số phận của thỏa thuận thương mại cập nhật (NAFTA thế hệ mới) giữa Mỹ, Mexico và Canada, hay còn gọi là USMCA trở nên bấp bênh hơn.
Các chuyên gia đánh giá trong trường hợp đàm phán lại NAFTA không đạt kết quả, kinh tế Mexico sẽ chịu rủi ro lớn kéo dài tới hết năm 2019. Hiện nay, 81% giá trị hàng hóa xuất khẩu của Mexico là sang thị trường Mỹ và các sản phẩm xuất khẩu của nước này được hưởng lợi nhờ các điều khoản ưu đãi thuế quan của NAFTA. Do đó việc Mỹ tăng thuế cùng với nguy cơ NAFTA thất bại sẽ khiến xuất khẩu sụt giảm mạnh và sẽ tạo ra ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế Mexico. Ngoài ra, nó còn tạo ra các hệ quả xấu trực tiếp tác động ngay tới thị trường tài chính, đặc biệt là đối với tỷ giá hối đoái giữa đồng USD và đồng nội tệ peso, cũng như khiến lạm phát tăng mạnh.
Không những chịu áp lực từ việc tăng thuế, Mexico cũng đang đối mặt với thách thức từ quá trình sụt giảm của dòng vốn đầu tư nước ngoài do những chính sách gần đây của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Cụ thể, luật cải cách thuế quan mới được Tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành năm ngoái đã làm giảm vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) đổ vào Mexico khoảng 2,6 tỷ USD trong năm 2018.
Theo quy định của pháp luật Mexico, hiện nay thuế thu nhập doanh nghiệp tại quốc gia này đang ở mức gần 30%, cộng thêm một số khoản phí khác, dẫn tới mức thuế mà các doanh nghiệp phải đóng lên đến 37%. Trong khi đó, với chính sách thuế quan mới của Mỹ, thuế thu nhập doanh nghiệp ở Mỹ đã giảm từ 35% xuống còn 21%. Sự chênh lệch tới 16 điểm phần trăm đã khiến khả năng cạnh tranh và thu hút đầu tư vào Mexico giảm mạnh so với Mỹ và là nguyên nhân chính dẫn đến việc dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ Mexico về Mỹ trong năm 2018 vừa qua.
Với những thách thức đặt ra như vậy, Ngân hàng Trung ương Mexico đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm nay xuống biên độ 1,1-2,1%. Trong khi đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo tăng trưởng GDP Mexico sẽ tiếp tục giảm trong năm 2019 và 2020 do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu và sụt giảm niềm tin của các nhà đầu tư về căng thẳng chính trị quốc tế và tranh chấp thương mại Mỹ - Trung. Theo đó, GDP của quốc gia này sẽ chỉ tăng ở mức 2% trong năm 2019 và 2,3% vào năm 2020, giảm tương ứng 0,5% so với các dự báo của tổ chức này hồi tháng 11/2018.
Giải pháp từ phía chính phủ
Trước những thách thức đặt ra như vậy, ngay từ đầu năm 2019, Chính phủ Mexico vừa đưa ra Chương trình Phát triển quốc gia 2019-2024 với mục tiêu đưa đất nước trở lại con đường tăng trưởng với việc thắt chặt chi tiêu công, xóa bỏ tham nhũng và đạt mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân 4%/năm.
Theo đó, Chính phủ Mexico sẽ áp dụng kỷ luật tài khóa, nỗ lực cải thiện nợ công; tôn trọng tính tự chủ của Ngân hàng Trung ương Mexico; tạo thêm việc làm mới, tăng cường thị trường nội địa; thúc đẩy nông nghiệp, nghiên cứu, khoa học và giáo dục.
Để đảm bảo tự chủ năng lượng, chính phủ sẽ đầu tư vào Tập đoàn dầu khí quốc gia (Pemex), gồm việc xây mới hai nhà máy lọc dầu, phục hồi và nâng cấp các nhà máy nhiệt điện và đẩy mạnh chuyển đổi điện năng theo hướng năng lượng tái tạo.
Ngoài ra, trong giai đoạn 2019-2024, để duy trì ổn định tăng trưởng ở mức 4 - 6%, Chính phủ Mexico cũng chủ trương duy trì ổn định khu vực tài chính, không tăng thuế, tôn trọng các hợp đồng hiện có và khuyến khích đầu tư tư nhân.
Về đối ngoại, Mexico vẫn sẽ đặt ưu tiên hàng đầu trong quan hệ với quốc gia láng giềng Mỹ dựa trên sự tôn trọng, hợp tác phát triển, hòa bình. Theo đó, Mexico sẽ đề nghị Mỹ ký kết thỏa thuận cụ thể áp dụng một chương trình nhằm kích hoạt lại nền kinh tế và tạo việc làm, qua đó giảm tình trạng bạo lực và tội phạm xuyên biên giới cũng như hạn chế dòng người di cư từ Trung Mỹ qua Mexico vào Mỹ-vấn đề đang gây căng thẳng trong quan hệ hai nước.
Bên cạnh đó, Mexico cũng đặt trọng tâm vào khôi phục vai trò và vị thế của mình trong khu vực Mỹ Latinh. Tăng cường quan hệ kinh tế, chính trị với các nền kinh tế lớn như Brazil và Argentina, cùng với đó là Liên minh Thái Bình Dương, gồm Chile, Peru, Colombia và Mexico.
Chính sách đa dạng hóa quan hệ với các nước và khu vực khác cũng được chú trọng. Mexico sẽ đẩy mạnh quan hệ với Trung Quốc, Nga, Nam Phi, Ấn Độ, khu vực châu Á-Thái Bình Dương; tích cực tham gia các tổ chức đa phương quốc tế để thúc đẩy vai trò và ảnh hưởng của mình trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu.