Kỳ vọng bứt phá từ công nghệ
Để phát triển dịch vụ NH hiện đại | |
CNTT: Gia tăng cơ hội sử dụng dịch vụ tài chính | |
Bảo mật ngân hàng: Đối mặt từng giây với rủi ro |
Không khó để nhận ra, việc đầu tư vào công nghệ ngày càng trở thành vũ khí trong chiến lược cạnh tranh của các NH. Nhưng đầu tư vào công nghệ cũng là đòi hỏi tất yếu khi các NH luôn muốn mở rộng mạng lưới, thị phần và có sản phẩm chuyên biệt cho nhiều phân khúc khách hàng khác nhau.
Đơn cử, trước đây, có một giai đoạn NH đua nhau thành lập chi nhánh, phòng giao dịch ở nhiều tỉnh, thành… thì nay, với sự phát triển chóng mặt của công nghệ, NH có thể hình thành mạng lưới điểm giao dịch “ảo” với Internet banking và Mobile banking hoạt động mọi lúc, mọi nơi, phục vụ cho nhiều đối tượng khách hàng khác nhau.
Đầu tư công nghệ là bước đi tất yếu của các NH |
Trao đổi với một chuyên gia công nghệ trong lĩnh vực tài chính - NH, vị này cho rằng nói phát triển công nghệ trong NH thì rất rộng và khó bao quát được hết. Tuy nhiên, với tình hình thực tế hiện nay, nhiều NH tập trung vào một số mảng như: Thứ nhất là nâng cao các tính năng, công nghệ bảo mật, an toàn trong vận hành, đặc biệt là dịch vụ Internet banking và Mobile banking.
Theo nghiên cứu của Juniper Research, số lượng người sử dụng dịch vụ NH di động toàn cầu được dự báo sẽ tăng từ 800 triệu đến 1,75 tỷ người vào năm 2020. Công nghệ càng phát triển, thì tội phạm công nghệ cũng ngày một tinh vi hơn. Vì thế cùng với hiện đại hóa sản phẩm, dịch vụ các NH phải tăng cường các biện pháp phòng, chống rủi ro, gian lận...
Hiện phần lớn các NH đang nghiên cứu, triển khai ứng dụng công nghệ sinh trắc học trong bảo mật NH. Đơn cử như Citi vào cuối tháng 10 vừa qua đã trở thành NH đầu tiên tại Việt Nam cũng như châu Á triển khai công nghệ bảo mật sinh trắc học giọng nói vào giao dịch NH hàng ngày. Nếu hệ thống nhận dạng truyền thống là yêu cầu khách hàng nhớ hàng loạt thông tin nhận diện và các câu hỏi mang tính cá nhân, mã số PIN hay mã số bảo mật… thì với giải pháp này khách hàng chỉ cần đăng ký ghi nhận giọng nói của mình vào chương trình Citi’s Voice Biometrics.
Đại diện NH này cho biết, công nghệ mới này sẽ giúp giảm thiểu thời gian phục vụ khách hàng của NH xuống, thông tin của khách hàng cũng sẽ được nhận diện nhanh và chính xác hơn. Trước đó Citi cũng đã giới thiệu Touch ID - công nghệ nhận dạng khách hàng bằng dấu vân tay sử dụng trên điện thoại Iphone. Hay tính năng Snap Shot trên điện thoại thông minh cho phép khách hàng kiểm tra nhanh tình trạng các tài khoản tại Citi mà không cần truy cập hệ thống NH.
Cũng trong tháng 10/2016, Viet A Bank trở thành NH đầu tiên phát triển ứng dụng nhận diện khuôn mặt trên Internet banking và Mobile banking. VPBank vừa mới cho trình làng VPBank Online (NH điện tử trên máy tính và mobile web) phiên bản mới với nhiều cải tiến vượt trội về công nghệ bảo mật, chuyển khoản thông minh… Hay như SeABank, SHB cũng mới triển khai tính năng bảo mật 3D Secure cho thẻ visa do NH này phát hành.
Điểm thứ hai, gần đây cũng bắt đầu được các NH lưu tâm hơn, đó là đầu tư công nghệ phòng chống rửa tiền. Giải pháp phòng chống rửa tiền AMLExpress của GTOne (Hàn Quốc) là một trong những công cụ hữu hiệu trong hoạt động phòng, chống rửa tiền. Tại Việt Nam hiện nay, Tập đoàn HiPT là đối tác triển khai thành công GTOne AMLExpress cho Sacombank nhằm ngăn chặn các hoạt động rửa tiền bất hợp pháp thông qua NH này.
Hay như OCB vừa ký kết với TESS International và Fintek hợp tác triển khai dự án phòng chống rửa tiền. TESS International sẽ cung cấp các giải pháp công nghệ, quản trị cho OCB qua hệ thống phần mềm AML (Anti Money Laundering - hệ thống phần mềm phòng chống rửa tiền) và Fintek là đơn vị phối hợp triển khai dự án này. Chia sẻ thêm về vấn đề này, lãnh đạo một NHTMCP cũng cho rằng đầu tư vào AML nhưng NH cũng phải kết hợp với các chính sách phòng, chống rửa tiền mới có thể mang lại một hiệu quả đồng bộ.
Thừa nhận công nghệ sẽ hỗ trợ đắc lực trong công tác quản trị rủi ro các NHTM đã và đang triển khai nhiều dự án tối ưu hoá và tự động hoá các quy trình nhằm kiểm soát tốt hoạt động, giảm chi phí vận hành… Bên cạnh đó, các NH cũng nhanh nhạy hơn trong việc nâng cao khả năng tương tác với khách hàng: NH trên facebook, tính năng LiveChat trên website… trở thành kênh tư vấn, bán hàng hiệu quả, tiết kiệm chi phí.
Cách thức đầu tư, áp dụng các giải pháp công nghệ của mỗi NH là khác nhau nhưng các chuyên gia đều cho rằng, muốn có một hạ tầng công nghệ thông tin đủ mạnh thì các NH cũng cần tập trung vào NH lõi (core banking). Thông qua core banking, các nhà băng có điều kiện và cơ sở để phát triển, mở rộng thêm nhiều dịch vụ; đồng thời giúp quản lý nội bộ chặt chẽ, hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, chuyên gia cũng khuyến nghị các NH “chịu chi” cho công nghệ thì cũng cần quản trị rủi ro công nghệ và an toàn thông tin triệt để. Ông Ondrej Sedlon, Giám đốc Phát triển mạng lưới toàn cầu, Air Bank cũng nêu quan điểm: Điểm chung của các NH là lấy khách hàng làm trung tâm. Do đó, việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư công nghệ ra sao cũng phải xem xét thị hiếu và nhu cầu của khách hàng để dựa vào đó đảm bảo phục vụ khách hàng tốt hơn.