Kỳ vọng về một mô hình
Điều gì đang cản trở khởi sự kinh doanh? |
Khi bóng chiều chạng vạng là lúc TS. Nguyễn Đình Cung cùng một số nhà báo lên xe trở về Hà Nội sau hai ngày làm việc liên tục không có nghỉ giải lao. Thế nhưng thay vì mọi người tranh thủ nghỉ ngơi trong thời gian đi đường thì lại chộn rộn với câu chuyện về tổ công tác thi hành Luật DN. Xe về đến Hà Nội, trời đã chuyển về đêm nhưng chuyện về tổ công tác vẫn dở dang với những điều lợn cợn.
Tổ công tác đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhắc đến trong một cuộc trả lời phỏng vấn với báo chí gần đây. Theo đó, sự ra đời của tổ công tác này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhanh nhất sự lan tỏa của Luật DN 2014 vào trong môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, đến nay, hiệu quả mang lại hầu như chưa có gì, dù đã được thành lập từ tháng 9/2015.
TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trong một cuộc trò chuyện với các nhà báo đang quan tâm tới môi trường kinh doanh việc thực hiện Luật DN, đã chốt lại một câu “Chính phủ đang ngập ngừng trong cơ chế còn DN ngập ngừng trong làm ăn”.
Ảnh minh họa |
Cần phải nói rằng, đây là lần thứ ba Chính phủ lập ra tổ công tác thi hành Luật DN, tương ứng với ba lần thay đổi Luật DN vào các năm 1999, 2006 và 2014. Câu hỏi được đặt ra là hai lần trước tổ công tác đã hoạt động như thế nào và liệu sẽ có sự khác biệt gì trong lần thứ ba này không?
Nếu xét về vai trò, chức năng và nhiệm vụ, cả ba tổ công tác được thành lập đều có một mục đích cơ bản như nhau. Đó là tư vấn, giúp Thủ tướng Chính phủ trong thi hành đầy đủ và nhất quán luật. Đồng thời theo dõi, phát hiện khó khăn và vướng mắc, cũng như kiến nghị Thủ tướng về giải pháp giải quyết.
Tuy vậy, sự khác nhau nằm ở chính thành viên của tổ công tác. Ông Cung kể rằng, tổ công tác thứ nhất lúc bấy giờ nằm dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, bên dưới là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một Thứ trưởng Bộ Tư pháp và một Phó trưởng ban đổi mới doanh nghiệp trung ương, cùng nhiều thành viên khác là tư vấn độc lập có trình độ và uy tín. Tất cả đều do Thủ tướng quyết định trực tiếp, ông Cung nói và cho rằng đó chính là yếu tố thành công của tổ công tác lần đầu.
Với nhiều cuộc khảo sát được thực hiện và hàng loạt giấy phép con được gỡ bỏ nhờ vào sự tư vấn của tổ công tác, Luật DN 1999 đã mang lại rất nhiều sự thay đổi tích cực cho môi trường kinh doanh.
Tuy vậy, khi tổ công tác lần thứ hai được thành lập, ông Cung kể rằng yếu tố tích cực không còn được như trước nữa. Thay vào đó, chất hành chính, quan chức hơi nhiều. Chất nghiên cứu, tư vấn tham mưu phai mờ, chỉ còn vài nét, chấm phá, như trang điểm. Bởi, trong tổ công tác, không còn những chuyên gia tư vấn độc lập có uy tín, mà thay vào đó là nặng về thành viên đến từ các cơ quan quản lý. Và kết quả là thiên về tuyên truyền, phổ biến luật, văn bản hướng dẫn thi hành.
Đó là hai lần trước, còn lần thứ ba này, danh sách cũng chưa được rõ ràng. Ngoài các thành viên là lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Bộ Tư pháp, các thành viên còn lại cho đến nay vẫn chưa được quyết định. Nhưng thực tế đang có một đòi hỏi nặng về tư vấn cải cách, tư vấn để có những hành động mạnh mẽ và dứt khoát chứ không phải là tổ mang chất hành chính. Nhìn vào đó, cũng có thể dễ hiểu tại sao ông Lộc lại nói Chính phủ vẫn “ngập ngừng”.
Không thể phủ nhận được sự cần thiết của tổ công tác thi hành Luật DN, bởi vì có những vấn đề, mà không thể giải quyết chúng bằng bộ máy hành chính, cách thức truyền thống hiện hành. Vì vậy, cần lực lượng tham mưu, tư vấn có chuyên môn cao ngoài bộ máy hành chính, những chuyên gia độc lập...