Giá tiêu dùng tại Nhật giảm mạnh nhất 3 năm tạo áp lực nới lỏng lớn lên BOJ
Thống đốc BOJ Kuroda: Không loại trừ khả năng giảm tiếp lãi suất | |
Kinh tế Nhật giảm tốc mạnh lại thúc ép nới lỏng chính sách | |
BOJ: Chia rẽ về quan điểm nới lỏng tiền tệ |
Tiêu dùng yếu là một trong những nguyên nhân kéo giá tiêu dùng tại Nhật giảm |
Số liệu từ Chính phủ Nhật Bản được công bố hôm nay cho biết, chỉ số giá tiêu dùng lõi (không báo gồm thực phẩm tươi sống) tại Nhật Bản giảm 0,5% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với dự báo của thị trường là giảm 0,4% và cũng mạnh hơn mức giảm 0,4% của tháng trước đó.
Chỉ số giá tiêu dùng tổng thể cũng giảm 0,4% trong tháng 7 so với cùng kỳ, cao hơn dự báo của thị trường là giảm 0,3%. Nếu loại trừ thực phẩm và năng lược, chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 cũng chỉ tăng 0,3% so với cùng kỳ, thấp hơn dự báo của thị trường là tăng 0,4%.
Tiêu dùng yếu ớt và đồng yên mạnh khiến giá hàng nhập khẩu giảm được cho là những nguyên nhân chủ yếu khiến chỉ số giá tiêu dùng tại Nhật giảm liên tục bên cạnh nguyên nhân giá dầu đứng ở mức thấp. "Không chỉ giá năng lượng đang đè nặng lên lạm phát", Yoshiki Shinke - nhà kinh tế trưởng tại Viện Nghiên cứu Dai-ichi Life nói. "Xu hướng giá là yếu".
Điều đó được minh chứng qua tỷ lệ hàng hóa và dịch vụ trong giỏ hàng tính CPI tăng giá so với cùng kỳ đã giảm từ mức 62,3% trong tháng 6 xuống còn 60,2% trong tháng 7.
Giá tiêu dùng lõi ở thủ đô Tokyo của Nhật, thường được công bố trước 1 tháng so với chỉ số giá tiêu dùng toàn quốc, cũng giảm 0,4% trong tháng 8 so với năm trước, ghi nhận tháng giảm thứ 6 liên tiếp và mức giảm cũng cao hơn so với dự báo của thị trường là giảm 0,3%.
Các dữ liệu ảm đạm củng cố thêm quan điểm của thị trường hiện nay là các chương trình kích thích kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe đã thất bại trong việc đánh bật những suy nghĩ giảm phát đang chi phối doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Mặc dù 3 năm qua, BOJ đã mạnh tay đẩy tiền vào nền kinh tế, nhưng chi tiêu hộ gia đình vẫn yếu, trong khi đồng yên mạnh đã kéo giảm chi phí nhập khẩu khiến lạm phát thấp xa so với mục tiêu 2% mà BOJ đề ra.
Trong bối cảnh hiện nay, đa số các nhà kinh tế dự đoán BOJ sẽ tiếp tục nới lỏng tiền tệ mạnh hơn vào tháng 9 tới, sau khi tiến hành đánh giá toàn diện về tác động của chương trình kích thích kinh tế hiện tại.
Kinh tế của Nhật Bản không tăng trưởng trong quý 2 so với quý trước đó và các nhà phân tích cũng không mong đợi bất kỳ sự phục hồi nào trong quý hiện tại trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu và đồng yên đã tăng giá 20% so với USD kể từ đầu năm đến nay đang gây tổn thương lớn cho các nhà xuất khẩu cũng như đầu tư.
Tuy nhiên các nhà phân tích cũng kỳ vọng giá tiêu dùng tại Nhật sẽ phục hồi nhẹ trong năm tới khi hiệu ứng giá dầu thấp giảm bớt, cho dù sự phục hồi này có thể bị hãm bớt khá nhiều do tiêu dùng yếu và một đồng yên mạnh.
Được biết, kể từ sau lần công bố này, Nhật bản thay đổi năm cơ sở để tính chỉ số giá là từ năm 2015 thay vì năm 2010, cũng như thay đổi các thành phần để phản ánh tốt hơn xu hướng chi tiêu của người tiêu dùng.