Lái hướng nào... ô tô Việt?
Ảnh minh họa |
Mới đây, việc Công ty cổ phần ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) chính thức rao bán nhà máy sản xuất để trả nợ cũng đã đặt dấu chấm hết cho giấc mơ ô tô Việt. Bởi cho đến giờ, Vinaxuki là công ty duy nhất đã đưa ra mẫu ô tô 4 chỗ với thương hiệu Việt là VG (Vietnam Graceful- Duyên dáng Việt Nam) có động cơ 1.5 L nhập từ hãng Mitsubishi (Nhật Bản), dung tích bình xăng 45 lít, toàn bộ khung xe có chất liệu thép do Vinaxuki sản xuất với tỷ lệ nội địa hóa đạt 50%.
Quay ngược dòng thời gian, chúng ta cũng thấy điểm tương đồng trong chiến lược phát triển ngành điện tử của Việt Nam trong quá khứ. Và cho đến thời điểm hiện tại thì thị trường điện tử của Việt Nam cũng đành “nhường” sân cho các tập đoàn nước ngoài.
Giờ người ta quá dễ dàng mua những chiếc ti vi, điện thoại Sam Sung, Sony, LG… nhưng khó có thể tìm thấy một chiếc ti vi Viettronic đã từng xuất hiện. Một lý do chung được đưa ra để lý giải cho sự thất bại này chính là việc chúng ta chưa phát triển được công nghiệp hỗ trợ.
Thiếu điều này, công nghiệp ô tô Việt Nam mới chỉ dừng ở gia công, lắp ráp. Tổng kết lại 10 năm qua, thì các tiêu chí quan trọng của một nền công nghiệp ôtô, từ sản lượng xe đến tỷ lệ nội địa hóa, sản xuất động cơ… chúng ta đều không đạt. Đến nay, cả nước có khoảng 210 DN tham gia sản xuất các loại linh kiện, phụ tùng ôtô, nhưng chủ yếu đều là các linh kiện giản đơn, giá trị thấp.
Thế nên cũng không có gì lạ khi Chiến lược và quy hoạch cho ngành công nghiệp ô tô giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn 2035 đặt ra yêu cầu trong khoảng năm 2021 – 2025, chúng ta bắt đầu sản xuất được một số chi tiết quan trọng trong bộ phận truyền động hộp số, động cơ ô tô…
Đến năm 2020, cơ bản hình thành ngành công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ô tô, phấn đấu đáp ứng 30 - 40% (về giá trị) nhu cầu linh kiện, phụ tùng của sản xuất, lắp ráp xe ô tô trong nước, từng bước tham gia hệ thống cung ứng các linh kiện, phụ tùng trong chuỗi giá trị toàn cầu của công nghiệp ô tô thế giới.
Đến giai đoạn 2021 - 2025, tiếp tục phát triển công nghiệp hỗ trợ, đảm bảo cung ứng 40 - 45% và đến giai đoạn 2026 - 2030 đảm bảo cung ứng trên 50% (về giá trị) nhu cầu linh kiện, phụ tùng phục vụ sản xuất, lắp ráp xe ô tô trong nước; phấn đấu trở thành nơi cung cấp quan trọng một số loại kinh kiện, phụ tùng cho ngành công nghiệp ô tô khu vực và thế giới… Song có một điều quan trọng mà Chiến lược “quên” đó là làm thế nào để chúng ta có được những con số đó?
Năm 2015 đã sắp qua đi, điều này cũng đồng nghĩa với thời gian áp thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á sẽ giảm về 0% ngày càng gần. Điều đó cũng đồng nghĩa với giấc mơ sản xuất xe ô tô made in Vietnam cũng dần khép lại.
Bản thân các liên doanh sản xuất ôtô cũng thừa nhận một thực tế rằng, với quãng thời gian còn lại, Việt Nam không thể phát triển kịp ngành công nghiệp ôtô với sản phẩm chủ đạo là xe hơi đúng nghĩa.
Theo nhiều nhà nghiên cứu thì thay vì chạy theo sản xuất, thiết kế ô tô thương hiệu Việt thì chúng ta nên chọn ra một “mũi nhọn” riêng có của mình để phát triển, phù hợp với năng lực sản xuất, thị hiếu… để từ đó chọn ra hướng phát triển riêng.
Chiến lược và quy hoạch cho ngành công nghiệp ô tô giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn 2035 cho thấy rất nhiều mục tiêu tham vọng được đặt ra, như công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ được tập trung phát triển để trở thành một ngành quan trọng trong nền kinh tế đất nước.
Cụ thể, đến năm 2020 sẽ đáp ứng được 60% tổng nhu cầu ô tô du lịch dưới 10 chỗ ngồi, 90% nhu cầu ô tô chở người từ 10 chỗ ngồi trở lên, 78% nhu cầu xe tải và 15% nhu cầu xe chuyên dụng. Đến năm 2025, khả năng đáp ứng cho thị trường đối với từng loại xe sẽ lần lượt tăng lên 70%, 92%, 80% và 20%... Tuy nhiên câu hỏi đươc đặt ra là chúng ta sẽ làm được những gì trong chiến lược này hay lại là những thất bại nối tiếp nhau?