Lãi suất trong năm 2017: Giữ ổn định đã là tốt
Chính sách tiền tệ đang đúng hướng | |
Gửi tiết kiệm, kênh đầu tư vẫn hấp dẫn | |
Áp lực lên lãi suất không lớn |
Ông Nguyễn Trí Hiếu |
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, trong năm 2016, NHNN đã rất nỗ lực, cũng như các NH đã cố gắng duy trì mặt bằng lãi suất huy động, cho vay ổn định, giúp cho DN nói riêng và nền kinh tế nói chung có giá vốn hợp lý. Mặc dù mặt bằng lãi suất hiện nay vẫn chưa được như kỳ vọng của Chính phủ, nhưng các NH đã rất cố gắng, lãi biên của NH đang khá mỏng nên khó có thể giảm thêm lãi suất được nữa.
Trả lời phỏng vấn Thời báo Ngân hàng, ông Hiếu nhìn nhận, trong năm 2017, việc hạ lãi suất là rất khó khả thi.
Cơ sở nào cho thấy duy trì mặt bằng lãi suất trong năm 2017 sẽ khó khăn hơn trong năm 2016, thưa ông?
Yếu tố khiến tình hình lãi suất trong năm 2017 không khả quan hơn năm 2016 là tỷ giá. Trong nền kinh tế Việt Nam, sự tương quan giữa lãi suất với tỷ giá khá chặt chẽ. Năm 2017, tỷ giá được dự báo có nhiều áp lực hơn so với năm nay. Với chính sách “cực đoan” của Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump, khả năng chính sách bảo hộ mậu dịch sẽ được thực thi, tức là sẽ giới hạn tất cả các quan hệ mậu dịch với các nước khác, tập trung vào công ăn việc làm tại nội địa.
Nếu diễn biến như vậy, dĩ nhiên sẽ có tác động lớn đến tình hình xuất nhập khẩu. Và để cạnh tranh thì nhiều quốc gia có thể sẽ phá giá đồng tiền, tạo ra lợi thế nhất định cho xuất khẩu. Trong trường hợp đó, vấn đề tỷ giá đóng vai trò quan trọng, tạo lợi thế cạnh tranh cho xuất khẩu Việt Nam. Chính vì tỷ giá có thể điều chỉnh mạnh hơn trong năm 2017 và với mối quan hệ chặt chẽ với lãi suất, thì việc giữ chênh lệch lãi suất giữa VND và USD rất quan trọng.
Nếu giữ chênh lệch này như hiện nay, lãi suất huy động khó có thể kéo xuống trong năm tới, theo đó lãi suất cho vay cũng không thể giảm thêm. Sang năm 2017, theo quy định của Thông tư 06, hệ số sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các NH chỉ là 50%. Vì thế, nếu muốn duy trì chỉ số này, các NH phải cơ cấu lại nguồn vốn, thậm chí có thể phải tăng lãi suất huy động vốn trung dài hạn…
Trong năm tới, điều hành chính sách lãi suất quả là khó khăn. Theo tôi, chỉ cần duy trì lãi suất ổn định như mặt bằng hiện nay là tốt rồi, còn giảm thêm thì tôi nghĩ hầu như là không thể.
Trước sức ép như vậy, theo ông NHNN giữ ổn định lãi suất trong năm 2017 bằng những công cụ nào?
Trước hết, NHNN tạo tính thanh khoản cho thị trường, có thể bơm tiền vào lưu thông qua OMO. Qua đó, NHNN điều chỉnh giá vốn, làm nó rẻ hơn. Dĩ nhiên, việc bơm tiền ra lưu thông phải có giới hạn, liều lượng phù hợp để không tạo sức ép lên lạm phát.
Nhưng để đảm bảo giá vốn hợp lý cho nền kinh tế, thì không chỉ mình chính sách tiền tệ thực hiện được, mà còn phụ thuộc nhiều vào chính sách tài khóa. Nếu Chính phủ không tăng kỷ luật ngân sách mà tiếp tục bội chi, phải phát hành trái phiếu Chính phủ với lãi suất cao để bù đắp thì dù NH có cố gắng mấy cũng không có cách nào giảm lãi suất được. Vậy nên để giữ mặt bằng lãi suất, cần phải có sự hợp tác của chính sách tài khóa, với sự vào cuộc mạnh hơn của Chính phủ, làm sao điều chỉnh bội chi ngân sách, nợ công… Đây đang là vấn đề khó khăn đối với nền kinh tế.
Vấn đề cuối cùng và quan trọng nhất của Việt Nam đó là phải ổn định giá trị tiền đồng. Nếu VND ổn định sẽ giữ được lòng tin của người dân mà không cần phải dùng quá nhiều đến chính sách lãi suất để ngăn sự chuyển dịch từ tiền đồng sang USD. Nhưng trong tất cả mọi chuyện, theo tôi, bài toán xuất khẩu là rất quan trọng, vì nó chiếm tỷ trọng lớn trong GDP.
Sang năm 2017, USD dưới thời của ông Trump sẽ tăng giá trị, nếu VND neo vào USD sẽ rất bất ổn. Đặc biệt, phải nghe ngóng động thái của nước láng giềng Trung Quốc khi nước này ngày càng thả nổi đồng CNY. Với tất cả những áp lực trên, chuyện giữ ổn định tỷ giá trong chừng mực nhất định là điều thật sự quan trọng trong tương quan với lãi suất.
Xin cảm ơn ông!