Làng bún Phú Đô
Ảnh minh họa |
Theo số liệu thống kê, cả làng Phú Đô hiện có hơn nghìn hộ với tròm trèm năm nghìn nhân khẩu, thì trong đó đã có hai phần ba hành nghề làm bún. Mỗi năm Phú Đô cung cấp chừng 5 nghìn tấn bún, chiếm hơn 50% lượng bún toàn thị trường Hà Nội. Tức là nghề bún không chỉ là nghề truyền thống, mà còn là ngành nghề mưu sinh của đại đa số người dân nơi đây.
Cũng vì thế, các nghệ nhân làng bún Phú Đô đã tập hợp nhau lại thành câu lạc bộ bún Phú Đô. Các hội viên trong câu lạc bộ bún tích cực vận động các hộ sản xuất bún theo hướng truyền thống ngon, sạch, an toàn và uy tín. Họ nhiệt huyết trong các lễ hội của làng mà nhất là tôn vinh lễ hội bún - tôn vinh chính ngành nghề truyền thống của làng và công việc mưu sinh của họ.
Lễ hội bún của làng bún Phú Đô tổ chức vào mùng 7 tháng Giêng Âm lịch hàng năm, lễ hội bún thu hút rất đông khách thập phương tham gia. Lễ hội bún với hai phần: lễ và hội. Người dân dâng lễ lên Trời Phật và tổ nghề bằng chính những gánh bún trắng trong nhất, mềm mịn và thơm ngon nhất. Họ cầu cho một năm thuận hòa, sản xuất và tiêu thụ được nhiều bún. Hội bún náo nhiệt với kiệu rước Đức tổ nghề từ sáng đến 10 giờ cùng ngày, các ngày sau đó liên tiếp các hội rước rộn rã và nhộn nhịp kéo dài đến hết ngày rằm tháng Giêng.
Trải lòng với chúng tôi, một nghệ nhân lâu năm của làng bún Phú Đô cho hay: “Làm bún giống như việc cày cấy của người làm nông vậy, chúng tôi mong mưa thuận gió hòa thời tiết thuận lợi để làm bún đỡ vất vả mà tiêu thụ cũng dễ dàng. Gặp hôm tiết trời không thuận, bún nhanh hỏng mà tiêu thụ lại chậm, thậm chí phải chịu lỗ”.
Làm bún, khâu đầu tiên cần kể đến là chọn gạo và chọn nước ngâm. Gạo cần chọn loại gạo tẻ thơm, nước cần trắng sạch và tất cả cần thật vệ sinh. Gạo và nước là hai yếu tố quyết định đến độ dẻo, ngon, trắng của sợi bún. Người làm bún sẽ cho nước ngập gấp 3 lần gạo, tùy vào thời tiết sẽ canh giờ vớt gạo, tiết nóng thì ngâm nửa ngày, tiết lạnh thì ngâm một ngày.
Ở làng Phú Đô ngày nay, người dân đã sử dụng thêm máy móc để hỗ trợ cho nghề làm bún vừa nhanh hơn và năng suất lại cao hơn. Nhưng đa số, người dân vẫn sản xuất bún theo lối truyền thống bằng cối đá xay tay. Sợi bún được làm theo lối truyền thống ăn sẽ ngon hơn và đặc biệt là có thời hạn sử dụng bún được kéo dài hơn. Vì thế, người dân Phú Đô vẫn chọn làm bún bằng tay theo cách truyền thống.
Những năm gần đây, ở Phú Đô, số gia đình làm bún không còn nhiều như trước, một số hộ đã chuyển sang buôn bán, kinh doanh.
Tuy nhiên, người Hà Nội đi xa sẽ nhớ, bạn bè trong nước và thế giới nhớ về Hà Nội là nhớ ẩm thực Thăng Long xưa. Họ không thể quên bún chả, bún nem, bún thịt nướng, bún ốc… cho đến bún đậu mắm tôm, mà bún cổ truyền của làng Phú Đô là một tinh túy không thể thiếu trong mỗi món ăn đậm hương vị hồn Việt như thế.