Lao đao vì thủ tục kiểm dịch
Giám đốc một DN nhập khẩu trái cây từ Mỹ, Úc, New Zealand về Việt Nam cung ứng cho các siêu thị, cửa hàng lớn có trụ sở tại Q. Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện DN đang phải tốn rất nhiều thời gian để được cấp một chứng thư kiểm dịch thực vật (KDTV) cho hàng hóa nhập khẩu.
Cụ thể, mỗi lần nhập hàng, DN phải đến cơ quan kiểm dịch ít nhất 3 - 4 lần mới nhận được giấy chứng nhận do quy định của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) và phải xuất trình chứng thư hoặc giấy đăng ký kiểm dịch thì cơ quan Hải quan mới cho thông quan.
Trong khi đó, khi ký hợp đồng mua bán, xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa giữa DN Việt Nam và nhà cung ứng nước ngoài, nếu nhà nhập khẩu cần chứng thư KDTV thì bên bán vẫn có thể cung cấp cho bên mua.
Vì vậy theo ý kiến của DN này, quy định bắt buộc phải có giấy chứng nhận của Cục Bảo vệ thực vật mới được hải quan cho thông quan hàng hóa XNK là không cần thiết, và gây tốn thời gian cũng như tăng thêm chi phí cho các DN trong nước.
Hàng hóa cần giấy chứng nhận của Cục Bảo vệ thực vật mới được hải quan cho thông quan |
Điều đáng bàn hơn, các DN xuất khẩu nói chung và xuất các mặt hàng nông hải sản nói riêng vẫn luôn được nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để gia tăng kim ngạch xuất khẩu, đưa hàng hóa ra thế giới nhưng cũng không nằm ngoài các quy định kiểm dịch theo hình thức áp dụng triệt để đối với tất cả, không “bỏ sót” bất cứ trường hợp nào.
Thời gian qua, nhiều DN xuất khẩu hạt điều tại tỉnh Bình Phước sau nhiều nỗ lực để tăng sản lượng hàng xuất khẩu song đang bị chậm trễ, “ách” lại do thủ tục giấy tờ kiểm dịch không đáp ứng kịp. Bà Nguyễn Thị Mai Hương, Giám đốc Công ty XNK TM Mai Hương (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) cho biết, hiện DN đang phải mất quá nhiều thời gian để hoàn thành bộ chứng từ xuất khẩu, khiến DN gặp rất nhiều khó khăn trong việc đáp ứng đơn hàng kịp tiến độ cũng như thu hồi tiền hàng khi đã xuất đến tay nhà nhập khẩu.
DN này đưa ra minh chứng, có nhiều trường hợp khách hàng không yêu cầu cung cấp chứng từ KDTV, song đây lại là điều kiện bắt buộc để cơ quan Hải quan thông quan hàng hóa. Bất cập còn ở chỗ, các cơ quan kiểm dịch chỉ tập trung tại một số thành phố lớn, nên DN ở địa phương gặp khó khăn khi đi lại, hàng hóa xuất nhập liên tục hàng ngày, hàng tuần song vẫn phải nộp đăng ký kiểm dịch mẫu tay trong vòng ít nhất sau 10 ngày cho cơ quan hải quan mới được thông quan hàng.
Điều này “góp phần đắc lực” gây nên tình trạng ùn ứ, chậm trễ đơn hàng, gây thiệt hại về tài chính cho DN vì bị hủy hợp đồng, trả đơn hàng...
Theo quy định từ 1/1/2015, có yêu cầu hàng xuất khẩu bao gồm hàng nông lâm sản như cà phê, hạt điều, tinh bột sắn, dăm gỗ... phải KDTV mới được xuất khẩu dù đối tác có yêu cầu hay không. Ngoài thời gian kéo dài, những DN có lượng hàng xuất khẩu nhiều với trọng lượng lô hàng lớn thì chi phí kiểm dịch có thể lên đến cả vài chục triệu đồng/lô hàng, làm tăng gánh nặng tài chính rất lớn đối với DN.
Đại diện Tổng cục Hải quan thừa nhận, trong khi ngành đang nỗ lực đưa công nghệ thông tin, hiện đại hóa thủ tục thông quan để giảm thiểu tối đa nhất thời gian, chi phí cho DN XNK, thì hiện nay việc kiểm tra chuyên ngành tràn lan đang khiến thủ tục không những không giảm được mà còn tăng lên.
Cụ thể, kiểm tra chuyên ngành hiện nay chiếm từ 30 - 45% tổng số lô hàng nhập khẩu và trong các loại kiểm tra chuyên ngành thì KDTV chiếm tỷ lệ đến 70%. Nhiều DN cho biết nhiều hàng hóa XNK phải đáp ứng được cùng lúc 2 - 3 chứng thư cấp phép, quản lý của nhiều bộ, ngành khác nhau (KDTV, kiểm tra chất lượng, y tế, hóa chất, VSATTP....).
Thậm chí có những yêu cầu kiểm dịch vô lý, không mang tính thực tế như men bia là loại hàng không thể ra ở môi trường bên ngoài để lấy mẫu kiểm tra, nhưng vẫn bắt buộc phải làm và có giấy tờ KDTV để thông quan....
Đối với vấn đề này, ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia tư vấn Dự án GIG cho rằng, có những quy định gây quá nhiều vướng mắc, ảnh hưởng trực tiếp đến DN, gây tốn kém, lãng phí, gia tăng chi phí xã hội mà không đạt được hiệu quả quản lý nhà nước thì rất cần phải xem xét lại một cách thật cẩn trọng.
Nhất là với mặt hàng xuất khẩu, nếu nhà nhập khẩu không yêu cầu thì không nhất thiết phải kiểm dịch, hay cách tính phí cũng cần sửa đổi cho phù hợp với từng loại hàng hóa cụ thể. Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong kiểm tra với cách thức, mức độ kiểm tra khác nhau đối với từng loại DN, hàng hóa trên cơ sở phân loại mức độ rủi ro khác nhau.
“Quan trọng là tạo thuận lợi cho DN để gia tăng xuất khẩu, thúc đẩy phát triển chứ không phải thấy nguy cơ là đưa ra đủ các rào cản để ngăn chặn song hiệu quả thu về không cao” – ông Bình nói.