“Lên đời” hộ gia đình
NHNN tổ chức tập huấn trực tuyến triển khai Thông tư 39 và Thông tư 43 | |
Không nên “lo xa” với quy định cho vay mới | |
Lợi ích người đi vay vẫn được đảm bảo |
Trong những tuần gần đây, việc các NHTM chuẩn bị áp dụng Thông tư 39/2016/TT-NHNN của NHNN khiến nhiều ý kiến lo ngại rằng khi các hộ kinh doanh, tổ hợp tác sẽ không còn đủ điều kiện giao dịch vốn NH làm cho kênh tín dụng giảm sút, ảnh hưởng đến thu nhập của hàng triệu hộ gia đình, nhưng thực tiễn ở TP.HCM đang diễn ra khá tích cực.
Nâng hộ lên DN để kinh doanh minh bạch
Ông Đỗ Xuân Anh, Giám đốc Agribank Chi nhánh Xuyên Á (quận 12) thông tin, từ trước đến nay, hoạt động cho vay đối với các hộ sản xuất, hộ kinh doanh vẫn chiếm khoảng 70% dư nợ cho vay của đơn vị.
Tuy nhiên, do hầu hết các hộ vay vốn đều có tài sản thế chấp là tài sản riêng đứng tên vợ, hoặc chồng chủ hộ nên hồ sơ vay vốn thực chất vẫn được ký với tư cách cá nhân. Do vậy, khi quy định cho vay mới của NHNN có hiệu lực từ ngày 15/3 tới đây, việc cho vay phát triển kinh tế hộ gia đình vẫn không có gì xáo trộn.
Nguồn tín dụng đã sẵn sàng để đầu tư cho hoạt động chuyển đổi mô hình kinh doanh, phát triển số lượng DN |
Nói về tác động của Thông tư 39 đối với việc khuyến khích chuyển đổi từ quy mô kinh tế hộ gia đình lên quy mô DN. Ông Xuân Anh cho biết, thực tế việc chuyển đổi mô hình kinh doanh là do sự chủ động và nhu cầu làm ăn, buôn bán của người dân. Tại quận 12, những năm qua cũng có nhiều mô hình kinh tế hộ chuyển lên thành lập DN. Chẳng hạn như cơ sở kinh doanh cá cảnh Châu Tống, trước đây chỉ hoạt động như một hộ kinh doanh, nhưng 3-4 năm nay do nhu cầu xuất khẩu, họ chuyển thành công ty TNHH để tiện cho việc xuất hóa đơn và thanh toán hàng hóa.
Về phía Agribank, khi các hộ kinh doanh chuyển đổi lên DN thì NH đã nâng thêm hạn mức vốn và tư vấn các DN mới này tận dụng thêm các sản phẩm dịch vụ tài chính như: hỗ trợ thanh toán mua bán hàng hóa qua tài khoản NH, vay vốn tín chấp dựa trên phương án kinh doanh và quản lý dòng tiền.
Tuy nhiên, nếu bảo rằng Thông tư 39 sẽ là cú hích, tác động đến chính sách khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển lên DN thì không hẳn đúng. Bởi vì ngay cả khi còn kinh doanh với quy mô hộ gia đình thì các cơ sở kinh doanh vẫn được phía NH cho vay vốn theo các chương trình ưu đãi lãi suất dựa trên tài sản đảm bảo đứng tên cá nhân chủ hộ. Vì vậy, hoạt động cho vay hộ gia đình và cho vay DNNVV vẫn diễn ra song song và đều có sự tăng trưởng mạnh.
Từ thực tế ở TP.HCM cho thấy trong năm 2016 vừa qua, chỉ tính riêng chương trình cho vay hỗ trợ chuyển đổi kinh tế nông nghiệp đô thị, các NHTM trên địa bàn đã cho vay được khoảng trên 1.000 tỷ đồng đối với gần 2.500 hộ sản xuất kinh doanh. Số vốn các NH cho vay trung bình vào các dự án sản xuất – kinh doanh của các mô hình kinh tế hộ đạt từ 300-400 triệu đồng/hộ. Điều này cho thấy sức hấp thụ vốn của các mô hình kinh tế hộ vẫn rất mạnh.
Việc khuyến khích phát triển từ mô hình kinh tế hộ gia đình chuyển sang quy mô DN vì thế chỉ có ý nghĩa nhiều trong minh bạch về tài chính kinh doanh và thuận lợi cho các cơ quan quản lý Nhà nước trong các hoạt động thu nộp ngân sách chứ ít có tác động đến dòng tín dụng từ các NHTM.
Gỡ thuế và thủ tục kinh doanh
Theo quy định mới về cho vay chỉ có hai đối tượng là pháp nhân và cá nhân đủ điều kiện giao dịch vốn, các hộ gia đình sẽ không còn được đứng hồ sơ giao dịch vốn. Thoạt nhìn có thể thấy văn bản pháp lý này giống như một đầu mối thắt lại hoạt động cho vay đối với nhóm kinh tế hộ. Từ đó tác động đến nhóm tổ chức kinh tế này và buộc họ chuyển đổi sang mô hình DN để dễ dàng tiếp cận vốn tín dụng. Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy. Hoạt động cho vay vốn đối với các hộ kinh doanh, tổ hợp tác sẽ vẫn được các NHTM chú trọng ngay cả khi Thông tư 39 có hiệu lực.
Các hộ gia đình hiện vẫn chiếm một tỷ trọng đáng kể trong tín dụng NH |
Điều này có nghĩa rằng mặc dù các NHTM nói riêng và ngành Ngân hàng nói chung hết sức ủng hộ chủ trương phát triển nhóm DNNVV và sẵn sàng gia tăng các sản phẩm, dịch vụ tiện ích cho các DN khi chuyển đổi lên từ kinh tế hộ. Tuy nhiên, việc làm thế nào để khuyến khích được các hộ kinh doanh, hộ gia đình sản xuất lớn chuyển đổi thành DN thì mấu chốt không phải nằm ở chính sách tín dụng mà nằm ở chính sách thuế, đăng ký kinh doanh...
Khảo sát thực tế ở một số cơ sở kinh doanh lớn tại địa bàn quận 9, quận 12 cho thấy băn khoăn lớn nhất của các hộ kinh doanh khi chuyển đổi lên mô hình DN là phải tăng thêm các chi phí thuê kế toán, đồng thời phải mất nhiều thời gian và chi phí hơn cho các thủ tục pháp lý kinh doanh, thu nộp thuế và các nghĩa vụ tài chính.
Đa số các cơ sở kinh doanh hộ được hỏi đều cho rằng mặc dù việc tiếp cận vốn vay NH đối với hộ kinh doanh hiện nay tương đối khó khăn. Tuy nhiên, nếu phương án kinh doanh tốt và có tài sản thế chấp đứng tên cá nhân thì nhiều TCTD vẫn cho vay với lãi suất khá phù hợp.
Vì vậy, nếu chính quyền muốn khuyến khích các cơ sở kinh doanh hộ chuyển lên quy mô DN thì thực sự phải có những ưu đãi mạnh về các loại thuế, đồng thời phải nhìn nhận thẳng vào những lợi thế của kinh doanh hộ để tiết giảm các thủ tục về hóa đơn đầu vào đầu ra, linh hoạt trong các yêu cầu về hành chính kinh doanh cho các DN mới thành lập.
Đứng ở góc độ tín dụng, hiện nay có thể nhìn nhận thấy nhóm DN khởi nghiệp đang là nhóm có được sự quan tâm khá lớn từ các NHTM và các quỹ tài chính. Tại các thành phố lớn đã xuất hiện những quỹ tín dụng, gói tín dụng dành riêng cho nhóm DN này.
Ngoài ra, hiện nay các NHTM (nhất là khu vực ở TP.HCM) cũng đã tổ chức được nhiều chương trình kết nối cho vay vốn trực tiếp đối với các DN nhỏ và siêu nhỏ tại các quận, huyện. Do vậy, trong thời điểm này có thể nói rằng nguồn tín dụng đã sẵn sàng để đầu tư cho hoạt động chuyển đổi mô hình kinh doanh, phát triển số lượng DN.
Vì thế, nếu các địa phương, nắm bắt được cơ hội hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp cũng như các mô hình kinh doanh mới. Từ đó tháo gỡ những trở ngại về thủ tục hành chính kinh doanh và triển khai các ưu đãi tài chính thì mục tiêu phát triển 1 triệu DN hoạt động có hiệu quả vào năm 2020 sẽ có thể đạt được và kéo theo sự tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ vào khu vực sản xuất - kinh doanh.
TP.HCM sẽ có chương trình “nâng cấp” hộ gia đình Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết trong giai đoạn 2016 đến 2020, thành phố có chủ trương nâng 30.000 hộ gia đình lên thành DN. Theo đó chính quyền thành phố sẽ có một loạt các giải pháp hỗ trợ như hỗ trợ miễn phí phần mềm kê khai thuế điện tử, cấp phép chuyển đổi mô hình hộ gia đình lên công ty nhanh chóng thuận tiện... Bên cạnh đó, UBND TP.HCM hiện đã giao cho các sở ban ngành có liên quan soạn một đề án cụ thể cho từng cơ chế ưu đãi cho quá trình nâng hộ gia đình lên DN để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố trong giai đoạn tới. TP.HCM đang xây dựng đô thị thông minh (smart city) nên đi cùng với các chính sách cải cách thủ tục hành chính thì cũng có những chương trình mục tiêu để hỗ trợ DN, theo đó mục tiêu đến năm 2020 sẽ đạt 500.000 DN là có cơ sở.
Tiếp cận vốn ngân hàng sẽ thuận lợi hơn Ông Tô Duy Lâm, Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết: Chủ trương chuyển đổi từ mô hình kinh tế hộ gia đình lên DN là một hướng đi phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Thực tế nền kinh tế thì phải có mọi thành phần kinh doanh, nhưng hiện nay nền kinh tế đã nâng lên một tầm cao mới đòi hỏi phải có một đội ngũ DN, doanh nhân nhất là hệ thống DNNVV. Việc nâng các hộ gia đình lên thành DN mang lại nhiều lợi ích cho các hộ cá thể về quy mô sản xuất kinh doanh chuyên nghiệp hơn. Thứ nhất, hoạt động DN chuyên nghiệp hơn nhu cầu vốn sẽ tăng lên và khả năng tiếp cận vốn thuận tiện hơn. Khi nhu cầu vốn lớn thì các NHTM thẩm định hoạt động cho vay của DN cũng khác với hộ gia đình. Đặc biệt, với quy trình thẩm định cho vay của các NHTM hiện nay đang thực hiện theo chuẩn khách hàng DN rất khác biệt so với thẩm định một khoản vay đối với hộ gia đình. Chẳng hạn, hộ gia đình sản xuất kinh doanh khi đi vay vốn NH họ thường không có sổ sách chứng từ, lâu nay chủ yếu dùng Quyền sử dụng đất (sổ đỏ) thế chấp vay vốn nên rất giới hạn trong tiếp cận vốn NH. Trong khi DN có hồ sơ, sổ sách, chứng từ, kế toán... dễ dàng tiếp cận vốn NH hơn. Thứ hai, DN khi đã vay được vốn cũng dễ dàng tiếp cận dịch vụ NH tốt hơn, như mở tài khoản, thanh toán, NH bảo lãnh... Trong quá trình này sẽ hình thành mối quan hệ tốt giữa DN với NH, từ đó mở rộng ra nhiều cơ hội kinh doanh hiệu quả cho DN hơn, bằng việc tiếp cận các giá trị gia tăng tài chính mà hộ gia đình thì cơ hội ít hơn. Bên cạnh đó, năm 2017 chúng tôi cũng đưa đối tượng chuyển đổi từ hộ gia đình lên DN vào Chương trình kết nối NH-DN ở TP.HCM để các TCTD cho vay vốn với lãi suất ưu đãi. Trong ngành NH đang có chính sách cho vay 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên DN vay vốn lãi suất thấp so với mặt bằng lãi suất thị trường, DNNVV có quỹ bảo lãnh vay vốn tại các NHTM... Ngoài ra, khi trở thành DN không chỉ mang lại nhiều lợi ích tài chính, mà còn có điều kiện tiếp cận thị trường, mở rộng sản xuất kinh doanh cùng với cơ chế thuế, hải quan trong quá trình cải cách của Nhà nước sẽ hỗ trợ cho DN nhiều hơn. Phải xuất phát từ nhu cầu thị trường Các nhà kinh tế cho rằng chủ trương của TP.HCM nâng hộ gia đình lên DN có chọn lọc là một đòi hỏi của thực tiễn trong quá trình khai thác nguồn lực con người thay vì tựa vào các ưu đãi tự nhiên để phát triển. Tuy nhiên cần phải có một đầu mối, chẳng hạn tại Sở Công Thương TP.HCM hiện đã có một đơn vị mang tên Trung tâm Hỗ trợ phát triển DN, đơn vị này có chức năng tháo gỡ những khó khăn về thủ tục hành chính, kết nối vốn tín dụng giữa NH với DN, nâng đỡ khởi nghiệp... Theo đó, UBND TP.HCM cần giao cho trung tâm này làm đầu mối trong quá trình nâng hộ gia đình lên thành DN để nhân dân thành phố có một địa chỉ tìm kiếm thông tin về việc mình nâng cấp lên DN thì được hưởng ưu đãi gì về thuế, các thành quả trong chính sách của Nhà nước. Điều quan trọng trong quá trình nâng hộ gia đình lên thành DN vẫn phải xuất phát từ thực tiễn kinh doanh của thị trường, họ có thực sự muốn mở rộng quy mô hay không, hay mô hình DN có thực sự tạo ra giá trị hơn mô hình hộ sản xuất nhỏ gọn. |