Lên sàn chứng khoán: Cơ hội, thách thức và kỳ vọng
LienVietPostBank tổ chức roadshow trước khi lên sàn UPCoM | |
VPBank có kết quả kinh doanh khả quan trước khi “lên sàn” | |
Kienlongbank được chấp thuận lên sàn UPCoM |
Cổ đông chờ đợi
Mở đầu mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) ngân hàng năm nay, Techcombank thông báo sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM, thông tin này đã khoả lấp rất nhiều nỗi niềm của cổ đông và nhà đầu tư trong suốt 8 năm qua do không có cổ tức. Mỗi cổ đông đều có thể nhẩm tính được lợi nhuận không trả cổ tức suốt 8 năm đồng nghĩa Techcombank dồn tích nguồn lực và nguồn lợi sẽ giúp cho giá trị cổ phiếu bùng nổ khi lên sàn.
Việc không gia nhập thị trường chứng khoán của một số NH trong thời điểm hiện tại là bước đi lùi trong hoạt động |
Hồ hởi không kém là cổ đông của TPBank khi trong quý I này, sẽ lên sàn, ước tính NH này chào bán khoảng 33,5 triệu cổ phiếu, tương đương 4,99% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài. Như vậy, còn tới 54,1 triệu cổ phiếu, tương ứng 8,05% vốn sẽ là cơ hội cho các nhà đầu tư trong nước. Niềm vui lên sàn còn lan tỏa đến những nhà đầu tư vào LienVietPostBank, OCB, Kienlongbank, Maritime Bank…
Có thể nói, làn sóng NH lên sàn chứng khoán được kỳ vọng sẽ có nhiều thực thể tham gia thị trường. Bởi, bài toán lợi nhuận khi nhìn từ HDBank và VPBank khiến nhiều cổ đông háo hức và trông chờ vào thời khắc cổ phiếu của họ lên sàn. Thế nhưng, trong bầu không khí sôi sục hiện tại vẫn còn khá nhiều cổ đông ôm nỗi buồn khi cổ phiếu mình nắm giữ sau nhiều năm kế hoạch lên sàn không đạt kết quả. Thậm chí, sự trông đợi còn bị dập tắt khi một số NH công bố báo cáo ĐHCĐ không nhắc gì đến chuyện niêm yết cổ phiếu, điều mà họ đang trông đợi để có thể đẩy nhanh tiến độ giao dịch cổ phiếu trên thị trường.
Một cổ đông NH đang niêm yết, cho biết việc không gia nhập thị trường chứng khoán của một số NH trong thời điểm hiện tại là bước đi lùi trong hoạt động. Đối với giao dịch của cổ đông cũng như các nhà đầu tư thì đó là tổn thất.
“Việc niêm yết cổ phiếu nhằm giúp người dân và nhà đầu tư nắm được tình hình sức khỏe của các NH, vấn đề mấu chốt mà người dân quan tâm. Bởi khi NH lên sàn không chỉ có thêm hàng hóa trên thị trường, mà còn giúp nhà đầu tư nắm bắt được thông tin hoạt động để có thể yên tâm chọn mặt gửi tiền", vị cổ đông trên chia sẻ.
Thực tế, việc NH niêm yết trên sàn chứng khoán là một cơ hội trị bệnh sở hữu chéo, tuy nhiên, đứng trước thực trạng kinh doanh, không phải NH nào cũng đủ lực để có thể theo kịp kế hoạch các yêu cầu sàn chứng khoán niêm yết.
Việc niêm yết cần có thời điểm thích hợp mới có thể nâng cao thanh khoản cổ phiếu |
Dục tốc bất đạt
Tính đến thời điểm hiện nay có khá nhiều NH vẫn lặng tiếng trong việc xác định thời điểm lên sàn như ABBank, Nam A Bank, Maritime Bank, DongA Bank, VietCapitalbank, BaoVietBank, VietABank, SeABank, NCB, SCB… Trong số những NH này, một số trước đây đã có kế hoạch niêm yết nhưng sau đó lại liên tục trì hoãn, số còn lại được xét theo diện “chưa muốn” niêm yết dù cho cổ đông liên tục thúc ép. Một số lãnh đạo NHTM cho biết, họ chưa niêm yết thời điểm này vì muốn củng cố nội lực trước khi bước lên sàn, điều này có lợi chứ không hại!
Đối với một số NH nằm trong diện lùi kế hoạch, phần lớn ban lãnh đạo của họ đều giải thích việc niêm yết trên sàn chứng khoán không phải một sớm một chiều. Theo các NH này, họ không né tránh chuyện lên sàn, không phải cố tình bưng bít thông tin mà hoạt động trong ngành NH có nhiều cái khó. Chẳng hạn, các NH không thể tự ý công bố thông tin khi chưa được cơ quan quản lý xét duyệt như DN. Do đó, có những thời điểm cổ đông cần thông tin tài chính của NH cũng chưa thể công khai ngay ra công chúng.
Một lãnh đạo ABBank cũng cho biết, về bản chất, các NHTM cũng muốn lên sàn chứng khoán niêm yết vì điều này không chỉ giúp minh bạch thông tin hoạt động mà còn tạo ra sự cạnh tranh. Thực tế qua các trường hợp lên sàn gần đây có thể thấy, đối với các NHTM, niêm yết có lợi hơn, nó không chỉ thu hút nhà đầu tư thêm lựa chọn, mà còn có thể huy động vốn từ các nhà đầu tư chiến lược. Thế nhưng, việc niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán cần có lộ trình tính toán rất dài, cũng như sự chuẩn bị vô cùng chu đáo từ những người lãnh đạo.
Ví dụ như NH phải tính được đây có phải là thời điểm thuận lợi để niêm yết hay chưa? Tỷ lệ sinh lời, chất lượng tài sản có vấn đề (như nợ xấu), hoặc các khoản đầu tư rủi ro… như hiện tại sẽ thay đổi theo hướng nào khi cổ phiếu lên sàn? Ngoài ra, một số NH chưa tìm được cổ đông chiến lược hợp lý khi niêm yết sẽ gây xáo trộn đến hoạt động kinh doanh… Trong khi đó, cổ đông và nhà đầu tư chỉ mong muốn NH lên sàn để thuận lợi trong việc giao dịch cổ phiếu.
Có cái nhìn tương đồng, lãnh đạo NamABank cho biết, khi chuẩn bị niêm yết NH phải chuẩn bị được một lượng vốn lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài để việc lên sàn thuận lợi. Trong khi đó, điểm chung của các NH chưa niêm yết, mục tiêu tăng vốn gặp rất nhiều khó khăn, phát hành cổ phiếu riêng lẻ không thành công do nhà đầu tư nhỏ lẻ không mặn mà. Bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài cũng chỉ nằm trong kế hoạch vì họ hạn chế rót vốn vào những NH không công khai, minh bạch hoạt động, rủi ro quá lớn.
Một quan điểm cho rằng, cổ đông có thể nhìn thấy động thái của Chính phủ thời gian qua trong việc kéo dài thời hạn thực hiện mục tiêu có thêm 10 NH niêm yết trong giai đoạn 2013-2016 đến năm 2020. Điều này cho thấy hoạt động niêm yết của các NH có thể sẽ không suôn sẻ như dự kiến, mà sẽ mất thêm mấy năm nữa, tùy theo sự chuẩn bị cũng như sức khỏe của từng NH. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, những NHTM quy mô nhỏ lên sàn chứng khoán ngoài minh bạch thông tin cũng phải chú ý đến vấn đề tăng hiệu quả hoạt động để tăng sức hút cho cổ phiếu, tạo nền tảng tiến tới mục tiêu tăng vốn.
Trên thị trường đã chứng kiến có NHTM niêm yết trên sàn chứng khoán nhưng cổ phiếu ít thu hút được dòng tiền do tình hình kinh doanh không sáng sủa là một bài học cho các NH niêm yết theo phong trào. “Việc một số NH niêm yết trên sàn chứng khoán là động thái tốt cho cổ phiếu ngân hàng. Tuy nhiên, thời gian thực hiện niêm yết cổ phiếu vẫn phụ thuộc vào thị trường. Trong đó, việc niêm yết cần có thời điểm thích hợp mới có thể nâng cao thanh khoản cổ phiếu” - TS. Nguyễn Văn Thuận – chuyên gia tài chính nói.