Liệu Fed đã sẵn sàng nâng mục tiêu lạm phát cao hơn 2%?
Nâng mục tiêu lạm phát để thoát thế bế tắc...
Trong những nhận xét được đưa ra hôm thứ Tư, Chủ tịch Fed Yellen đã kêu gọi thảo luận về việc nâng cao mục tiêu lạm phát toàn cầu “một trong những câu hỏi quan trọng nhất mà chính sách tiền tệ phải đối mặt”, khi các ngân hàng trung ương đang phải vật lộn với một ranh giới kinh tế trong đó tăng trưởng thấp, lãi suất thấp, tốc độ tăng giá và lương yếu đang củng cố lẫn nhau.
Mục tiêu sẽ là thay đổi tâm lý của hộ gia đình và doanh nghiệp, thuyết phục họ rằng giá cả sẽ tăng đủ nhanh trong tương lai và điều đó sẽ thúc đẩy họ vay mượn và chi tiêu nhiều hơn trong hiện tại.
Thành công trong việc kiềm chế lạm phát trong thập niên 80 và 90 đã định nghĩa các ngân hàng trung ương của các nước phát triển. Nó đã trở thành một mục tiêu cốt lõi của Fed và “luật bất thành văn” cho Bundesbank của Đức và sau đó là Ngân hàng Trung ương châu Âu, được thành lập năm 1998 với nhiệm vụ duy trì ổn định giá cả được định nghĩa là lạm phát dưới 2%.
Mục tiêu 2%, có nghĩa là lạm phát sẽ tăng gấp đôi sau mỗi 35 năm và được coi là đáp ứng cả hai yếu tố ổn định và đủ để ngăn giảm phát, hiện nay là phổ biến đối với các ngân hàng trung ương của các nước phát triển.
Việc nâng mục tiêu lạm phát lên 3% hoặc thậm chí 4% như một số nhà kinh tế gợi ý sẽ làm thay đổi quan điểm của các doanh nghiệp nói riêng, cho phép họ chi tiêu nhiều hơn cho hàng hoá và trả nhiều tiền hơn cho lao động.
Bằng cách cho phép lạm phát tăng cao hơn, Fed sẽ tạo ra nhiều dư địa để lãi suất danh nghĩa tăng lên sau đó mà không làm giảm tăng trưởng kinh tế. Với việc lãi suất được kỳ vọng sẽ duy trì ở mức thấp trong lịch sử, Yellen và các đồng nghiệp của bà lo lắng rằng ngay cả một cuộc suy thoái nhẹ cũng có thể buộc họ phải cắt giảm lãi suất xuống mức 0 và triển khai các công cụ thời khủng hoảng, như chương trình mua sắm tài sản, điều mà họ có thể tránh được nếu như lãi suất nói chung cao hơn.
“Chúng tôi đã học được rất nhiều”, Yellen nói về thời gian từ năm 2012 khi Fed thiết lập mục tiêu lạm phát. Một kết luận là lãi suất sẽ bị kẹt ở mức thấp trong lịch sử trừ khi một điều gì đó thay đổi. Cho dù việc tăng mục tiêu lạm phát với hy vọng nó có thể là một chất xúc tác cho sự thay đổi “là một trong những quyết định quan trọng nhất của chúng tôi”, bà nói trong một dấu hiệu rõ ràng nhất về cuộc tranh luận đang diễn ra bên trong Fed.
Các ngân hàng trung ương ở châu Âu, Nhật, Anh và các nước khác cũng đã bắt đầu khám phá giải pháp này, trong khi Ngân hàng Canada đánh giá lại mục tiêu lạm phát của mình 5 năm một lần.
... nhưng không dễ thực hiện
Tuy nhiên bất kỳ động thái nào cũng không khả quan trong thời gian gần. Theo nhà phân tích Ryan Sweet của Moody's Analytics, điều đó có thể làm tăng rủi ro cho ngân hàng trung ương vốn đã nhiều lần lỡ hẹn với mục tiêu hiện tại, đặc biệt trong bối cảnh kỳ vọng tăng giá và lương vẫn rất yếu. “Fed cần phải truyền đạt rõ ràng và thuyết phục lý do để nâng cao mục tiêu lạm phát và những lợi ích kinh tế tiềm tàng, nếu không nó sẽ thất bại trong tòa án dư luận”.
Theo một nghĩa nào đó, Fed có thể là nạn nhân của thành công của mình và Yellen trong quá khứ đã hoài nghi Fed có thể thay đổi kỳ vọng vốn đã ăn sâu bởi khả năng giữ lạm phát thực tế thấp trong nhiều năm qua. “Đó là một nghịch lý”, Joseph Gagnon - Chuyên gia cao cấp tại Học viện Kinh tế quốc tế Peterson nói.
Các nhà hoạch định chính sách có thể không thích việc không đạt mục tiêu của họ, nhưng họ cũng thừa nhận những lợi ích từ việc tăng giá khiêm tốn do các chính sách của ngân hàng trung ương và toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới đã giúp giảm chi phí sản xuất.
Kể từ đầu những năm 1990, thu nhập trung bình của hộ gia đình Mỹ và lạm phát tiêu dùng tổng thể diễn biến khá thuận. Chi phí chăm sóc sức khoẻ và giáo dục tăng nhanh hơn, nhưng giá quần áo, đồ đạc và thực phẩm nói chung tăng ít hơn hoặc không bằng thu nhập của hộ gia đình – điều đó có lợi cho những người nghèo khổ, những người dễ bị tổn thương nhất trong thời kỳ lạm phát cao.
Nhưng điều đó cũng có thể tạo ra một tâm lý khó thay đổi.
Chính sách tiền tệ hiện đại phụ thuộc rất nhiều vào khả năng của ngân hàng trung ương trong việc định hình kỳ vọng, và việc Fed và những ngân hàng Trung ương khác đã thành công trong việc giữ lạm phát giảm đã khiến cho họ dường như không thể thay đổi tình cảm theo hướng ngược lại.
Fed cũng không còn chắc chắn về một số khía cạnh cơ bản của nền kinh tế. Hiện thất nghiệp đã giảm xuống còn 4,3%, mức thấp nhất trong 15 năm, nhưng mức tăng lương vẫn yếu và lạm phát gần đây đã trượt ngày càng xa mục tiêu của Fed.
Rõ ràng việc Fed sẵn sàng đi xa đến đâu sẽ phụ thuộc vào điều mà bà Yellen lưu ý là một đánh giá về “các chi phí tiềm năng có thể liên quan” với mục tiêu lạm phát cao hơn. Tuy nhiên, đánh giá như vậy có lẽ sẽ không sẵn sàng trong nhiệm kỳ của bà, sẽ kết thúc vào tháng 2 năm 2018.