Linh hoạt hơn trong thế giới biến đổi khó lường
Chủ động trước các biến động | |
Điều hành CSTT chủ động linh hoạt để kiểm soát lạm phát, ổn định KTVM | |
Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt |
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng |
Năm qua nền kinh tế Việt Nam gặp không ít khó khăn. Từ sự cố môi trường biển miền Trung, tình trạng hạn hán, lũ lụt… đến những biến đổi khó lường về kinh tế, chính trị trên thế giới đã đặt ra không ít những khó khăn, thách thức cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong điều hành chính sách tiền tệ (CSTT). Song với tinh thần chủ động, quyết liệt, ngành Ngân hàng đã hoàn thành nhiệm vụ kiểm soát tốt lạm phát, ổn định tỷ giá, đồng thời giảm mặt bằng lãi suất và thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh…
Trả lời phỏng vấn Thời báo Ngân hàng, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm 2017 khó khăn thách thức còn nhiều. Điều hành CSTT của NHNN tiếp tục linh hoạt, hướng tới ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, góp phần duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.
Năm 2016, lạm phát thực tế được kiểm soát theo đúng mục tiêu Quốc hội đề ra nhưng tăng trưởng kinh tế thấp hơn mục tiêu, Phó Thống đốc cho biết những đóng góp của việc điều hành CSTT vào thực hiện hai chỉ tiêu kinh tế cơ bản này thế nào?
Kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế là mục tiêu NHNN luôn kiên định trong điều hành CSTT. Năm 2016, bám sát mục tiêu và nhiệm vụ của Quốc hội, Chính phủ đặt ra cho ngành Ngân hàng, NHNN đã xác định điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác để đạt được mục tiêu đó.
Với việc điều hành đồng bộ các công cụ, giải pháp CSTT, NHNN đã điều tiết các chỉ tiêu tiền tệ tăng trưởng theo đúng định hướng đặt ra từ đầu năm. Đến ngày 29/12/2016, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 17,88%, tín dụng tăng khoảng 18,71%, nằm đúng trong khoảng định hướng của NHNN là tổng phương tiện thanh toán tăng 16-18%, tín dụng tăng từ 18-20%. Nhờ vậy đã kiểm soát được lạm phát cơ bản trong suốt cả năm từ 1,6-1,9% (cả năm là 1,87%). Việc kiểm soát lạm phát cơ bản ổn định như vậy có ý nghĩa hết sức quan trọng vì đã tạo dư địa khá lớn cho việc điều chỉnh giá các dịch vụ Nhà nước quản lý theo lộ trình.
Việc phối hợp giữa CSTT và chính sách quản lý giá trong năm 2016 rất chặt chẽ nhờ cách thức tổ chức, làm việc bài bản của Ban chỉ đạo điều hành giá, từ đó đã giúp kiểm soát lạm phát cả năm ở mức 4,74%, rất sát so với mục tiêu dưới 5% mà Quốc hội đề ra. Như vậy, chúng ta vừa kiểm soát được tiền tệ nhưng không bỏ lỡ cơ hội điều chỉnh giá dần theo thị trường.
Đối với tăng trưởng kinh tế, nguồn vốn đến từ nhiều kênh khác nhau như nguồn vốn từ ngân sách, từ chính các doanh nghiệp và người dân, nguồn vốn từ nước ngoài... Tuy nhiên, nguồn vốn tín dụng từ hệ thống ngân hàng đóng vai trò quan trọng.
Như tôi đã nói ở trên, năm 2016, NHNN đã điều hành tín dụng theo đúng chỉ tiêu định hướng trong khoảng 18-20% để cung ứng vốn cho nền kinh tế. Đặc biệt, cơ cấu tín dụng tập trung chủ yếu cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh (dư nợ tín dụng đối với những lĩnh vực này chiếm khoảng 80%), tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản đã được kiểm soát chậm lại (tốc độ tăng chỉ bằng 1/2 tốc độ tăng cùng kỳ năm 2015).
Trong điều kiện nền kinh tế gặp nhiều khó khăn thách thức trong khu vực nông-lâm-thủy sản do sự cố ô nhiễm biển miền Trung, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, khó khăn của ngành khai khoáng do giá dầu vẫn ở mức thấp, NHNN đã chủ động triển khai các giải pháp để hỗ trợ sản xuất kinh doanh và nền kinh tế.
Mặc dù, lãi suất trong năm 2016 chịu nhiều sức ép tăng, trên cơ sở khả năng kiểm soát lạm phát, NHNN đã chủ động điều tiết cho phép thanh khoản của các TCTD dồi dào, lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp, giúp các TCTD dễ dàng tiếp cận vốn với chi phí thấp trên thị trường liên ngân hàng mà không phải tăng lãi suất huy động, tạo điều kiện để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay.
NHNN cũng đã chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm 0,5-1%/năm lãi suất cho vay đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Thực hiện điều tiết tăng trưởng tín dụng phù hợp với mục tiêu định hướng, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhưng đảm bảo chất lượng tín dụng, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh (dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực này chiếm khoảng 80%).
Bên cạnh đó, NHNN cũng tích cực triển khai các chương trình tín dụng ngành, lĩnh vực như cho vay phục vụ sản xuất, thu mua lúa gạo, chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, tín dụng phục vụ đánh bắt cá xa bờ theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP… cho vay nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, cho vay chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cho vay chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
NHNN cũng đã chỉ đạo các NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức kết nối giữa ngân hàng với doanh nghiệp nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho trên 70.000 doanh nghiệp và hơn 120.000 đối tượng khác, qua các hội nghị đối thoại này, các ngân hàng đã cam kết cho vay mới đạt khoảng 920.000 tỷ đồng.
Mặc dù GDP không đạt chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm, nhưng mức tăng 6,21% trong điều kiện của Việt Nam năm 2016 theo đánh giá của các tổ chức quốc tế là hết sức tích cực.
Năm 2016 cũng là năm thị trường thế giới biến động khó lường nhưng tỷ giá và thị trường ngoại hối vẫn khá ổn định, cho thấy NHNN đã thành công trong điều hành tỷ giá?
Điều hành tỷ giá là một bài toán khó đối với bất kỳ NHTW nào trên thế giới, nhưng đối với chúng ta còn khó hơn rất nhiều vì ở trong nước tình trạng đô la hóa vẫn còn. Trên thực tế, những biến động về tỷ giá không đơn thuần chỉ do các yếu tố về kinh tế mà còn do cả yếu tố tâm lý và kỳ vọng. Tâm lý kỳ vọng không được kiểm soát tốt sẽ dễ dàng gây tâm lý găm giữ ngoại tệ.
Năm 2016, có được sự ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối là nhờ những yếu tố sau đây: Thứ nhất, cách thức điều hành mới theo hướng công bố tỷ giá trung tâm hàng ngày, linh hoạt, theo sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước đã hạn chế tình trạng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ và giúp thị trường trong nước hấp thụ tốt hơn các cú sốc bên ngoài…; Thứ hai, sự kết hợp tốt giữa việc điều hành tỷ giá trung tâm với những biện pháp, công cụ điều tiết trên thị trường nội tệ. Trong điều hành, bao giờ NHNN cũng lưu ý để duy trì lợi tức nắm giữ VND cao hơn nắm giữ USD để triệt tiêu tâm lý găm giữ ngoại tệ; Thứ ba, chủ động trong truyền thông và sẵn sàng các giải pháp can thiệp thị trường.
Nhờ vậy, năm 2016 mặc dù có một số thời điểm thị trường biến động như sự kiện Brexit, kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ, Fed tăng lãi suất, tỷ giá có tăng nhưng đã nhanh chóng ổn định sau các giải pháp điều hành của NHNN, thị trường thanh khoản tốt, các TCTD đáp ứng đầy đủ nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của doanh nghiệp và người dân. Tính chung cả năm, tỷ giá VND/USD tăng khoảng 1,2%, lòng tin vào VND tiếp tục được củng cố, NHNN đã mua vào ngoại tệ với khối lượng lớn để tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước.
Dự báo tình hình kinh tế trong nước và thế giới vẫn còn nhiều khó khăn. Ngành Ngân hàng có kế hoạch gì để tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ giao, thưa Phó Thống đốc?
Năm 2017, Quốc hội và Chính phủ đã đặt ra mục tiêu cơ bản là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế khoảng 6,7%, tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4%... tạo chuyển biến rõ trong thực hiện ba đột phá chiến lược; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
Năm 2016, mặc dù CSTT đã tiếp tục đạt được những thành công nhưng sang năm 2017 sẽ khó khăn hơn và chiụ áp lực nhiều hơn khi kinh tế thế giới còn nhiều biến động khó lường.
Trên thị trường tài chính, các chính sách của Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể kéo theo nhiều thay đổi của nền kinh tế Mỹ cũng như kinh tế, tiền tệ thế giới, dự báo Fed sẽ tăng lãi suất thêm 3 lần trong năm 2017 khiến đồng USD mạnh lên, các cuộc bầu cử ở khu vực châu Âu... là những sự kiện có thể còn khó lường.
Ở trong nước, áp lực về lạm phát cao hơn, sức ép cầu vốn cho tăng trưởng kinh tế từ hệ thống ngân hàng vẫn lớn, nhu cầu trái phiếu Chính phủ (TPCP) nhằm hỗ trợ ngân sách Nhà nước vẫn ở mức cao gây áp lực cạnh tranh đối với lãi suất của hệ thống ngân hàng, yếu tố tâm lý kỳ vọng trên thị trường ngoại tệ vẫn còn.
Trong khi đó, nhiệm vụ đặt ra cho CSTT là rất nặng nề, đa mục tiêu, vừa kiểm soát lạm phát, lại vừa tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, vừa ổn định tỷ giá lại vừa giảm lãi suất, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước khi có điều kiện.
Bởi vậy, CSTT sẽ phải thận trọng, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với chính sách tài khóa, để đảm bảo hài hòa mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Trên cơ sở mục tiêu của Quốc hội và Chính phủ, tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2017, Thống đốc NHNN đã chỉ đạo điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ CSTT với thời điểm, liều lượng hợp lý để phản ứng kịp thời, phù hợp với diễn biến trên thị trường thế giới và trong nước, đảm bảo thanh khoản của các TCTD, hỗ trợ ổn định thị trường tiền tệ, ngoại tệ, phấn đấu ổn định mặt bằng lãi suất, giảm lãi suất cho vay trung dài hạn nếu có điều kiện; điều hành tín dụng theo phương châm mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, thực hiện các giải pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế khi có điều kiện nhưng không chủ quan với diễn biến của lạm phát; tăng cường công tác thanh tra giám sát ngân hàng, đảm bảo trật tự, kỷ cương trên thị trường tiền tệ, ngoại hối, góp phần truyền dẫn CSTT hiệu quả…
Trân trọng cảm ơn Phó Thống đốc!