Linh hoạt trong thế giới biến động
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 21/8 | |
Niềm tin tiền đồng trước “giông bão” |
Ảnh minh họa |
Thị trường tài chính toàn cầu đang biến động mạnh theo những cơn nóng lạnh của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, cũng như sự thay đổi quan điểm chính sách khá đột ngột của nhiều NHTW lớn trên thế giới, từ thắt chặt sang nới lỏng trở lại. Đồng USD tăng cao, trong khi nhiều đồng tiền chủ chốt khác, đặc biệt là nhân dân tệ rớt giá mạnh; dòng vốn toàn cầu đảo chiều chảy ngược trở lại Mỹ để phòng tránh rủi ro và hưởng lợi suất cao… Tất cả những điều đó đang tạo sức ép lớn đến thị trường tiền tệ, ngoại hối trong nước.
Đơn cử như tuần trước, thị trường toàn cầu chao đảo mạnh do diễn biến lợi tức trái phiếu chính phủ của Mỹ. Chênh lệch lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm và 2 năm đang thu hẹp, thậm chí có thời điểm trong phiên giao dịch ngày 15/8 đã chuyển sang mức âm; trong khi lợi suất giảm rất mạnh ở tất cả các kỳ hạn trong đó kỳ hạn 30 năm hiện đang ở vùng thấp nhất trong lịch sử.
Sau khi đã xuống thấp hơn kỳ hạn 3 tháng trong 3 tháng vừa qua, chênh lệch lợi suất âm kỳ hạn 10 năm và 2 năm càng cho thấy xu hướng đảo ngược của đường cong lợi tức, thể hiện dự báo về sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế Mỹ và toàn cầu. Đây là chỉ báo của 7/9 cuộc khủng hoảng kinh tế kể từ sau 1945. Dù nền kinh tế Mỹ hiện tại vẫn khá vững vàng, nhưng rõ ràng sự bất ổn đang lan rộng trên toàn cầu đã tác động rất mạnh đến tâm lý giới đầu tư. Bản thân Chủ tịch Fed mới đây cũng thừa nhận những bất ổn này.
Trong khi đó làn sóng nới lỏng tiền tệ tiếp tục lan rộng. Đồng nhân dân tệ tiếp tục giảm mạnh sau những thông tin không mấy khả quan của kinh tế Trung Quốc buộc NHTW nước này có những động thái nới lỏng hơn tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng. Đồng euro cũng giảm mạnh, hỗ trợ chỉ số USD tăng trở lại mức 98,1 điểm; tính từ đầu năm tới nay, EUR đã mất giá 3,3% so với USD, hiện ở mức 1,109 USD/EUR…
Thế nhưng, trái ngược với sự biến động của thị trường tài chính toàn cầu, theo đánh giá của Công ty chứng khoán SSI, thị trường tiền tệ vẫn “ổn định trên cả thị trường 1 và thị trường 2”, trong khi “VND - đồng tiền hiếm hoi giữ giá ổn định với USD tính từ đầu năm đến nay”.
Quả vậy, thị trường tiền tệ tuần qua khá bình lặng khi mà lãi suất trên liên ngân hàng ổn định, dao động quanh mức 3%/năm với kỳ hạn qua đêm và 3,1%/năm với kỳ hạn 1 tuần; chênh lệch lãi suất VND-USD duy trì ở mức 0,8%/năm. Trong khi thị trường 1 cũng không có nhiều biến động, lãi suất huy động ổn định ở mức 4,1%-5,5%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, từ 5,5-7,55%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng, 6,4-8,0%/năm với kỳ hạn 12 và 13 tháng.
Đặc biệt, tỷ giá vẫn “bình yên trong tâm bão” trong nhiều tuần qua. Theo đó, mặc dù tỷ giá trung tâm liên tục được điều chỉnh tăng, hiện đã tăng lên mức 23.120 đồng/USD; song tỷ giá giao dịch thực tế tại các NHTM hầu như bất động trong mấy tuần gần đây, hiện giá mua vào phổ biến ở mức 23.150 đồng/USD còn giá bán ra phổ biến là 23.270 đồng/USD.
So với cuối năm 2018, giá mua vào USD của các ngân hàng chỉ tăng khoảng 5 đồng; còn giá bán ra tăng 15 đồng. Nhờ đó khoảng cách giữa tỷ giá trung tâm và tỷ giá thực tế tại các NHTM tiếp tục thu hẹp, qua đó giúp nâng cao hiệu quả điều hành tỷ giá qua cơ chế tỷ giá trung tâm của NHNN.
Có được sự ổn định này là nhờ NHNN đã linh hoạt sử dụng đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để điều tiết lượng tiền cung ứng theo sát diễn biến kinh tế trong và ngoài nước với mục tiêu cao nhất là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối…
Đơn cử như tuần qua, NHNN đã hút ròng về 3.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu với việc phát hành mới 41.999 tỷ đồng (kỳ hạn 7 ngày với mức lãi suất 2,75%/năm), trong khi chỉ có 38.999 tỷ đồng đáo hạn trong tuần. Thế nhưng, trên kênh OMO lại phát sinh giao dịch mua kỳ hạn 7 ngày trị giá 20,4 tỷ đồng lãi suất không đổi là 4.75%, có nghĩa NHNN lại bơm ròng nhẹ 20,4 tỷ đồng. Đáng chú ý đây là giao dịch đầu tiên trên OMO kể từ cuối tháng 6 đến nay.
Nhìn chung trong thời gian gần đây, lượng bơm/ hút ròng của NHNN qua kênh OMO và tín phiếu ở mức tương đối thấp, cho thấy thanh khoản hệ thống ngân hàng giai đoạn này đang tương đối ổn định. Điều đó một mặt tạo điều kiện cho các TCTD đẩy mạnh cung ứng vốn cho nền kinh tế với lãi suất hợp lý, trong khi vẫn đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát và không tạo sức ép lên tỷ giá.
Lại nói về thị trường ngoại hối, nguồn cung ngoại tệ được dự báo vẫn dồi dào trong thời gian tới nhờ các thương vụ mua bán, sáp nhập trong cuối năm 2019 như BIDV sẽ bán 15% vốn cho KEB Hana Bank tương đương với khoảng 882 triệu USD, Vietcombank có khả năng bán 6,5% cổ phần, MB dự kiến bán 7,5% vốn cho nước ngoài… tổng giá trị các thương vụ M&A trong nửa cuối năm nay ước tính khoảng 2 tỷ USD. Cộng thêm kinh nghiệm điều hành tỷ giá của NHNN, hoàn toàn có thể tin tưởng thị trường ngoại hối và tỷ giá trong nước sẽ tiếp tục “vững vàng trong bão” trong những tháng cuối năm.