Lo quyền lợi người tiêu dùng không được đảm bảo
Đẩy mạnh công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng | |
Cảnh báo việc mạo danh cơ quan, tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng |
Đó là những góp ý của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đối với dự thảo thông tư quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu (sau đây gọi tắt là Dự thảo), mà Bộ Giao thông-Vận tải đang lấy ý kiến.
Ví như quy định tại Điều 7 của Dự thảo về trường hợp nào được tiến hành hậu kiểm được ghi chung chung "Căn cứ vào kế hoạch và diễn biến chất lượng trong từng giai đoạn". Quy định không minh bạch, có thể dẫn đến việc đặt các câu hỏi: Kế hoạch có được công khai không? tiêu chí nào để lập kế hoạch? Căn cứ nào để cơ quan quản lý theo dõi diễn biến chất lượng? Có dựa vào phản ánh của người tiêu dùng?
Quy định về việc xử lý trường hợp kiểm tra phát hiện sai phạm khi hậu kiểm cũng trong tình trạng tương tự: "Trên cơ sở kết quả kiểm tra, thử nghiệm, cơ quan kiểm tra sẽ phân tích nguyên nhân để đưa ra quyết định như: thu hồi giấy chứng nhận hoặc yêu cầu người nhập khẩu khắc phục hay triệu hồi. Những trường hợp này, cơ quan kiểm tra sẽ xem xét để đưa ra biện pháp xử lý cụ thể đối với xe cơ giới nhập khẩu tiếp theo".
Các câu hỏi có thể đặt ra: trường hợp nào thì bị thu hồi giấy chứng nhận, trường hợp nào thì phải khắc phục, trường hợp nào thì phải triệu hồi? Biện pháp xử lý cụ thể đối với xe cơ giới nhập khẩu tiếp theo là những biện pháp nào? Toàn bộ quá trình trên có được công khai không? Thẩm quyền ra quyết định thuộc về cơ quan kiểm tra hay thuộc về Bộ Giao thông-Vận tải mà cơ quan kiểm tra chỉ đề xuất, kiến nghị?
Điều 5.1.f của Dự thảo quy định thành phần hồ sơ phải có "Bản chính giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất cấp cho xe cơ giới thực tế nhập khẩu hoặc phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng". VCCI chỉ ra, việc yêu cầu thêm bản chính giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất hoặc phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng đối với mọi phương thức kiểm tra gây ra khó khăn, thậm chí đến mức không thể đối với các DN nhập khẩu xe thông qua phân phối.
Theo phản ánh của các DN nhập khẩu xe ô tô, chỉ có xe nhập trực tiếp từ nhà máy sản xuất mới có thể có bản chính giấy tờ này đưa về Việt Nam, còn các xe nhập khẩu qua một bên phân phối trung gian thì không thể có. Nhà phân phối buộc phải giữ lại bản chính của giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất hoặc phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng nhằm mục đích hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa xuất khẩu. Do đó, quy định như tại Điều 5.1.f của Dự thảo sẽ chỉ cho phép các DN nhập khẩu xe trực tiếp từ nhà sản xuất mà loại bỏ các DN nhập khẩu xe thông qua nhà phân phối.
Quy định này sẽ có tác động không khác gì so với quy định phải có giấy ủy quyền chính hãng của nhà sản xuất tại Thông tư 20/2011/TT-BCT đang được dư luận phản ánh thời gian gần đây. Thay vì giấy ủy quyền của nhà sản xuất cho từng DN nhập khẩu xe, nay giấy tờ mới này cũng sẽ do nhà sản xuất cấp cho từng chiếc xe.
Thông qua đó, các hãng sản xuất hoàn toàn có thể bắt ép DN và người tiêu dùng Việt Nam phải mua xe từ nhà sản xuất thay vì có thể mua thông qua nhà phân phối. Đây chính là hành vi hạn chế nhập khẩu song song đã bị cấm theo Điều 125.2.b của Luật Sở hữu trí tuệ.
Việc đặt ra các quy định như giấy ủy quyền của nhà sản xuất (tại Thông tư 20) hay giấy chứng nhận chất lượng hoặc phiếu kiểm tra chất lượng của nhà sản xuất (tại Dự thảo Thông tư này) đã trao một thương quyền quá lớn cho nhà sản xuất tại nước ngoài mà bỏ qua quyền lợi của người tiêu dùng tại Việt Nam. Vì vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định về thành phần hồ sơ bản chính giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất hoặc phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng đối với các phương thức kiểm tra 2, 3, 4 và 5 trong dự thảo.