Luật Đầu tư công: Vướng mắc lớn nhất sẽ được khắc phục
Luật Đầu tư công (sửa đổi): Tăng phân cấp và công khai, minh bạch | |
Quốc hội thông qua Luật Quản lý thuế và Luật Đầu tư công |
Ảnh minh họa |
Gửi tới Quốc hội báo cáo về việc thực hiện lời hứa trong siết lại kỷ cương, kỷ luật trong đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Kỷ cương, kỷ luật trong đầu tư công, quy định pháp luật về thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt đầu tư công đáp ứng tốt hơn đối với thực tiễn vận hành của nền kinh tế, khắc phục được vướng mắc lớn nhất về đầu tư công trước đây, đó là vấn đề “con gà, quả trứng”, nghĩa là vốn có trước hay dự án có trước.
Một trong những kết quả nổi bật trong 9 tháng đầu năm 2019 liên quan đến công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật là việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ báo cáo Quốc hội thông qua Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV với tỷ lệ 90,7% số phiếu đồng ý. Luật sẽ có hiệu lực từ 1/1/2020.
Việc thống nhất định nghĩa về nguồn vốn đầu tư công với 2 loại vốn ngân sách nhà nước và vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập không chỉ đảm bảo thống nhất với Luật Ngân sách nhà nước mà mang ý nghĩa rất quan trọng khác là không còn phân biệt giữa các loại nguồn vốn của ngân sách nhà nước như trước đây.
Sự thay đổi này giúp xây dựng được quy trình riêng cho các dự án sử dụng vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật theo hướng tăng cường phân cấp, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị, cơ quan có nguồn vốn này nhưng vẫn đảm bảo được công tác theo dõi, giám sát và tổng hợp báo cáo.
Theo đó luật này sẽ tháo gỡ vướng mắc lớn nhất trong quá trình thực hiện Luật Đầu tư công, đó là trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án, phân cấp thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn. Đáng chú ý nhất là phân cấp triệt để quy trình thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, đưa vấn đề này trở thành một nội dung của thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, và do các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thẩm định (trừ chương trình, dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ) trên cơ sở tổng số vốn kế hoạch trung hạn của đơn vị mình được cấp có thẩm quyền phân bổ.
Việc phân cấp mạnh mẽ thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, theo luật mới vừa bảo đảm thẩm quyền của các cơ quan Quốc hội, hội đồng nhân dân, vừa tăng tính chủ động, phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi địa phương, xử lý được những tình huống phức tạp như dự án sử dụng nhiều nguồn vốn thuộc các cấp ngân sách khác nhau.
Việc đổi mới mạnh mẽ phương thức kế hoạch hóa cũng góp phần đơn giản hóa mạnh mẽ quy trình giao kế hoạch vốn đầu tư công hàng năm từ việc phân cấp thẩm quyền quyết định cho người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương, địa phương trong việc điều chỉnh kế hoạch giữa các dự án trong danh mục kế hoạch nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công và nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong kế hoạch hàng năm….
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, việc thực hiện Luật Đầu tư công sửa đổi cũng sẽ góp phần cải thiện tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, vốn chậm trễ bao lâu nay. Các quy định mới tuy vẫn chặt chẽ để đảm bảo sử dụng hiệu quả từng đồng vốn đầu tư công quý giá, nhưng cũng vừa tạo thuận lợi trong điều chỉnh kế hoạch để tăng tỷ lệ giải ngân, hạn chế kéo dài thời gian thực hiện, chuyển nguồn…
Về công tác thanh tra vốn đầu tư công, Tư lệnh ngành Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, trong năm 2017, 2018 và 9 tháng đầu năm 2019 trên cơ sở kế hoạch thanh tra hàng năm được phê duyệt, Thanh tra bộ đã triển khai 24 cuộc thanh tra việc chấp hành pháp luật về đầu tư công tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Kết quả thanh tra cho thấy việc lập, phân bổ và giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển từ nguồn Ngân sách nhà nước và TPCP theo hướng ngày càng chặt chẽ hơn… Bên cạnh đó, qua thanh tra đã phát hiện còn tồn tại ở một số dự án tại các địa phương như có việc phê duyệt khi dự án không phù hợp với quy hoạch hoặc không rõ nguồn vốn mà chỉ ghi chung chung là ngân sách nhà nước; phê duyệt dự án đầu tư khi chưa đủ điều kiện, chưa phù hợp với chủ trương đầu tư; không hoàn chỉnh; Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư trước khi phê duyệt chủ trương đầu tư. Một số dự án quyết định đầu tư khi chưa xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, từng loại nguồn vốn...
“Qua thanh tra, kiểm tra một số dự án đầu tư, Thanh tra bộ đã kiến nghị xử lý về kinh tế với tổng số tiền là: 586,5 tỷ đồng, trong đó: kiến nghị giảm trừ khi thanh toán, quyết toán: 156,5 tỷ đồng; xuất toán, thu hồi về ngân sách nhà nước: 35 tỷ đồng; kiến nghị xử lý khác về kinh tế: 395 tỷ đồng”, Bộ trưởng cho hay.