Luật hỗ trợ DNNVV: Chính sách không bóp méo thị trường
DNNVV sẽ được nhiều ưu đãi khi tham gia đấu thầu trong nước
Đại diện Cục Phát triển DN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, với kết cấu dự kiến 3 chương, Luật Hỗ trợ DNNVV nhằm đưa ra hệ thống các giải pháp toàn diện thông qua thiết lập nguyên tắc, chính sách, chương trình nhằm hỗ trợ DNNVV phát triển sáng tạo và độc lập, xác định rõ trách nhiệm của Chính phủ Trung ương và địa phương trong việc hỗ trợ DNNVV. Đặc biệt, Luật chỉ đưa ra các chính sách khung về hỗ trợ DNNVV thực hiện đổi mới.
Trên cơ sở đó, tùy điều kiện từng thời kỳ Chính phủ sẽ triển khai các chương trình hỗ trợ cụ thể theo định hướng của Luật. Riêng với thuế, DNNVV sẽ được hưởng mức thuế suất thuế thu nhập DN thấp hơn 5% so với mức thuế suất áp dụng chung cho các DN.
Một điểm đáng nói trong nội dung dự luật đó là cơ hội mở rộng thị trường cho DNNVV khi đưa ra quy định: Chính phủ ban hành chính sách quy định tỷ lệ tối thiểu mua sắm công của các cơ quan Nhà nước ưu tiên dành cho DNNVV. Nhà thầu là DNNVV được hưởng ưu đãi khi tham gia đấu thầu trong nước để cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, xây lắp theo quy định của Luật Đấu thầu.
Vấn đề hỗ trợ liên kết giữa các DNNVV và giữa DNNVV với DN lớn cũng được đặt vào nội dung dự luật với chính sách khuyến khích hợp tác giữa các DNNVV theo mô hình cụm, nhóm DN có ngành nghề chung hoặc ngành nghề bổ trợ cho nhau, nhằm phát triển liên kết giữa các DN, tăng khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng và tăng cường năng lực cho DN.
Chính phủ có chính sách bảo vệ các DNNVV khi tham gia là nhà thầu phụ, tham gia hợp đồng với các DN lớn; thực hiện các biện pháp thiết lập hệ thống tương hỗ qua đó các DNNVV có thể hỗ trợ lẫn nhau nhằm ngăn ngừa trường hợp mất khả năng thanh toán. Đồng thời, thiết lập cơ chế mua chung, bán chung và có chính sách hỗ trợ thuế đối với các DN lớn dành một tỷ lệ nhất định mua sắm nguyên nhiên liệu đầu vào của các DNNVV.
Xuất phát từ kinh nghiệm quản lý thực tế, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc nhìn nhận, Luật Hỗ trợ DNNVV phải xác định đối tượng DN nào sẽ được hỗ trợ, hay DN thuộc ngành nào sẽ nhận được ưu đãi. Việc lựa chọn đối tượng này có thể sẽ tạo ra tác động lan tỏa đến các DN ngành khác, lĩnh vực khác. Tuy nhiên, vấn đề làm thế nào để DNNVV tiếp cận được những cơ chế chính sách không đơn giản.
Ví như khái niệm thế nào là DNNVV, nếu không áp theo các tiêu chí trong Nghị định 56/2009/NĐ-CP thì có cần điều chỉnh bỏ hợp tác xã và hộ kinh doanh cá thể, chỉ bao gồm DN đăng ký theo Luật DN nhằm khuyến khích hộ kinh doanh thành lập DN, từ phi chính thức thành chính thức? Hoặc có nên chia DNNVV thành 3 cấp: siêu nhỏ, nhỏ và vừa, để có chính sách cụ thể cho từng nhóm? Có nên đưa tiêu chí doanh thu để xác định DNNVV hay không? Đại diện Cục Phát triển DN đưa ra hàng loạt vấn đề.
PGS-TS. Trần Thị Vân Hoa, Viện trưởng Viện Quản trị kinh doanh, trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, cần nhìn nhận lại việc thực hiện Nghị định 56/2009/NĐ-CP, xem kết quả hỗ trợ kém do nội hàm của các chính sách hay do hành động và thái độ thực thi. Từ đó, nghiên cứu phạm vi hỗ trợ nên tập trung vào các chính sách hỗ trợ và hành động thực thi, hay gồm cả hoạt động hỗ trợ và hành động cải thiện môi trường kinh doanh.
Về vai trò của cơ quan chức năng, các chuyên gia cho rằng, trách nhiệm của Chính phủ chỉ ban hành chính sách chung. Nội dung luật nên bổ sung trách nhiệm báo cáo và giải trình của các bộ, ngành. Về trách nhiệm của DNNVV nên cân nhắc có thể bỏ vì không ràng buộc, nhưng cần bổ sung trách nhiệm của các chủ thể khác như hiệp hội, các tổ chức tài chính, tín dụng, tổ chức khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo. Cùng quan điểm, ông Đạt giải thích: “Ở nước ta hiện nay có khá nhiều cơ quan có chức năng liên quan đến hỗ trợ DN, nhưng khi có vấn đề cần trợ giúp thì DN không biết tìm đầu mối nào và sẽ được trợ giúp theo phương thức nào”.
Như vậy, nếu Luật được xây dựng và ban hành, DNNVV có khá nhiều cơ hội và ưu ái. Tuy nhiên, PGS-TS. Trần Thị Vân Hoa cũng đặt vấn đề với các cơ quan soạn thảo: “Quan điểm hỗ trợ trong dự luật theo nguyên tắc thị trường hay khắc phục thất bại của thị trường?”. Đây cũng là bài toán cần giải khi một mục tiêu quan trọng của Luật là đảm bảo chính sách hỗ trợ không “bóp méo” thị trường.
Nhất Thanh