Lực đỡ cho những người yếu thế
Sau 6 năm triển khai tại Việt Nam, sản phẩm bảo hiểm vi mô của Manulife đã được Bộ Tài chính chấp thuận cho phép mở rộng đến 22 tỉnh, thành phố. Sản phẩm mà Manulife cung cấp gồm các quyền lợi trong trường hợp tử vong, thương tật toàn bộ vĩnh viễn, trợ cấp thu nhập khi nằm viện.
Trường hợp xảy ra sự kiện bảo hiểm, DN bảo hiểm sẽ tiến hành chi trả quyền lợi bảo hiểm theo quy định. Manulife cũng sẽ hoàn lại toàn bộ phí bảo hiểm đã đóng khi đáo hạn nếu không xảy ra sự kiện bảo hiểm.
Với sản phẩm có mức phí 300.000 đồng/năm (tương ứng 25.000 đồng/tháng) và thiết kế đơn giản, sản phẩm này đã thu hút được các đối tượng tham gia là hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, độ tuổi từ 20-50; có thu nhập thấp và không ổn định; tập trung ở các vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn. Tính đến hết quý II/2016, số lượng hợp đồng có hiệu lực của công ty là 72.255 hợp đồng với tổng số phí bảo hiểm thu được là 8,9 tỷ đồng.
Ảnh minh họa |
Bên cạnh các sản phẩm bảo hiểm vi mô do DN bảo hiểm cung cấp, một số tổ chức chính trị-xã hội đã và đang cung cấp các sản phẩm bảo hiểm vi mô cho các hội viên của mình. Số liệu của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho thấy, dù chỉ mới bắt đầu triển khai bảo hiểm vi mô từ tháng 6/2016 song đến 30/6/2016, sản phẩm bảo hiểm tương trợ vốn vay của tổ chức này đã có số lượng thành viên tham gia là 6.278 người; doanh thu phí bảo hiểm 422 triệu đồng.
Về phía Trung tâm Hỗ trợ phát triển nguồn lực tài chính cộng đồng (CFRC), từ cuối năm 2013 đến nay việc triển khai bảo hiểm vi mô sau 2 năm đã đạt được một số kết quả nhất định. Với 2 sản phẩm bảo hiểm là sản phẩm bảo vệ sinh mạng vốn vay và sản phẩm nhân thọ cơ bản (hỗ trợ chăm sóc sức khỏe khi nằm viện, tử vong/thương tật toàn bộ vĩnh viễn), số lượng thành viên tham gia lên tới 8.936 người; doanh thu phí bảo hiểm 1,52 tỷ đồng; tổng số quyền lợi được chi trả là 408,8 triệu đồng.
Những lợi ích của loại sản phẩm này đã được khẳng định khi đây là các sản phẩm bảo hiểm được thiết kế và cung cấp cho người nghèo, người có thu nhập thấp và những người yếu thế trong xã hội, với đặc điểm phí bảo hiểm thấp, số tiền bảo hiểm nhỏ, sản phẩm bảo hiểm thật đơn giản, dễ hiểu.
Không chỉ được xem là “đai an toàn” cho những hộ gia đình nghèo, người yếu thế, bảo hiểm vi mô còn góp phần nâng cao sự hiểu biết về nhu cầu được bảo hiểm trong cộng đồng những người dân có mức thu nhập thấp và trung bình tại các vùng nông thôn; tạo dựng thói quen tích lũy tài chính…
Đại diện Bộ Tài chính cho biết, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ đề nghị Bộ Tư pháp tham gia ý kiến đối với căn cứ pháp lý và nội dung Dự thảo Quyết định hướng dẫn triển khai thí điểm bảo hiểm vi mô. Trong báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt việc đánh giá thực hiện chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011-2020, đặc biệt trong giai đoạn 2016-2020, của Bộ Tài chính cho thấy, loại hình bảo hiểm sẽ được nhân rộng với việc đa dạng hóa các sản phẩm bảo hiểm vi mô.
Cùng đó, Bộ Tài chính sẽ hoàn thiện khung khổ pháp luật về bảo hiểm và các quy định pháp luật có liên quan; xây dựng cơ sở dữ liệu chung của toàn thị trường phục vụ cho việc định phí bảo hiểm, tạo mặt bằng về mức phí sàn; đảm bảo thực hiện tốt chức năng quản lý, giám sát, hỗ trợ thị trường phát triển an toàn, ổn định, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia bảo hiểm, hỗ trợ DN phòng chống gian lận trong kinh doanh bảo hiểm.