Lực lượng lao động khi tham gia EVFTA: Chất lượng cao, cơ hội lớn
Nguồn nhân lực và cơ hội hội nhập | |
Doanh nghiệp chuẩn bị cho EVFTA |
EVFTA và TPP là hai Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới đầu tiên Việt Nam tham gia đàm phán có gắn vấn đề lao động. Nội dung các điều khoản về lao động trong các hiệp định này cũng là các tiêu chuẩn lao động cơ bản theo các công ước cơ bản của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Cho đến nay, Việt Nam đã phê chuẩn 21 công ước.
Việt Nam đang cần đội ngũ lao động có tay nghề, chuyên môn cao |
Đối với những nội dung liên quan xóa bỏ lao động cưỡng bức, lao động trẻ em, xóa bỏ phân biệt đối xử trong lao động, thì về cơ bản hệ thống pháp luật của Việt Nam đã phù hợp với các tiêu chuẩn của ILO và cam kết của hiệp định.
Việt Nam đã và đang triển khai một số chương trình hành động quốc gia để thực thi các tiêu chuẩn trên trong thực tiễn. Nhằm tương thích với các tiêu chuẩn của ILO và cam kết trong EVFTA, TPP cũng như để đảm bảo tốt hơn các quyền cơ bản của người lao động (NLĐ). Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục hoàn thiện pháp luật và các cơ chế liên quan.
Có thể thấy các Hiệp định tự do thế hệ mới mang lại những cơ hội to lớn về việc làm mà trước hết là cơ hội có thêm nhiều việc làm, việc làm có chất lượng cao hơn cho NLĐ. Dự báo các ngành nghề của Việt Nam nhiều cơ hội đến với các thị trường quốc tế dễ dàng hơn, trong đó có mặt hàng như giày dép, dệt may, nông sản, đồ gỗ… có nhiều cơ hội để tăng xuất khẩu, tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội.
Đồng thời, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại và thu hút dòng vốn đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam. Nâng cao năng lực chuyên môn và cán bộ quản lý cho đoàn viên và NLĐ. Đặc biệt, việc thực hiện cam kết về lao động công đoàn có thể làm tăng chi phí về lao động của DN.
Để nâng cao sức cạnh tranh đòi hỏi DN phải đổi mới công nghệ, có cách quản lý mới để đàm phán ký kết các hợp đồng với các đối tác, tham gia vào mạng lưới cung ứng và chuỗi giá trị của các tập đoàn lớn. Vì vậy, trình độ nghề nghiệp của NLĐ cũng được thúc đẩy nâng lên, góp phần phát triển đội ngũ lao động có trình độ cao.
Tuy nhiên, trên thực tế lực lượng lao động của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế khi tham gia hội nhập. Tại Hội thảo quốc tế "Nâng cao chất lượng lực lượng lao động Việt Nam trong bối cảnh thực hiện EVFTA mới đây, ông Nguyễn Quang Thuấn - Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cho biết, lực lượng lao động Việt Nam khá dồi dào và đang trong giai đoạn “thế hệ vàng”, năm 2016 ước tính là 47,7 triệu người.
Tuy nhiên, chất lượng lao động lại chưa cao. Việt Nam đang thiếu lao động có tay nghề, năng suất lao động ở mức thấp và trình độ ngoại ngữ của NLĐ tương đối yếu so với một số quốc gia trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Singapore... Vì vậy, nâng cao chất lượng lao động Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là một đòi hỏi vô cùng cấp thiết.
Ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học LĐXH đánh giá, các DN Việt Nam, nhất là các DNNVV đang đứng trước bài toán nan giải về nguồn nhân lực. Có tới 2/3 số DN tại Việt Nam cho biết phần lớn NLĐ đang thiếu hụt các kỹ năng cần thiết cả về kỹ thuật và kỹ năng làm việc cốt lõi khác. Trong đó, thiếu hụt kỹ năng làm việc cốt lõi nhiều hơn so với kỹ năng kỹ thuật.
Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh với các thiết bị máy móc hiện đại cũng có thể khiến những công việc cần lao động tay nghề thấp, công việc giản đơn có nguy cơ bị thay thế, mất việc làm cao. Nên để có thể đáp ứng được yêu cầu thực tế, Việt Nam phải tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có năng lực quản lý, nghiệp vụ, ngoại ngữ để điều hành sản xuất - kinh doanh, đồng thời chú trọng đào tạo kỹ năng và sự sẵn sàng của lực lượng lao động.
Điều này phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhà hoạch định chính sách, người sử dụng lao động và các cơ sở đào tạo nhằm đổi mới hệ thống phát triển kỹ năng, để đáp ứng tốt hơn với môi trường làm việc luôn thay đổi và những sáng kiến cải tiến công nghệ mới…
Có thể nói, các hiệp định thương mại tự do đem lại rất nhiều cơ hội việc làm cho NLĐ. Để tận dụng tốt được các cơ hội đó thì nhân tố quan trọng chính là nâng cao chất lượng lực lượng lao động Việt Nam.
EVFTA là một FTA thế hệ mới giữa Việt Nam và 28 nước thành viên châu Âu. Cam kết các lĩnh vực chính trong EVFTA gồm: Thương mại hàng hoá; quy tắc xuất xứ; hải quan và thuận lợi hoá thương mại; các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật; hàng rào kỹ thuật trong thương mại. |