Mai một một làng nghề
Ảnh minh họa |
Nằm cách trung tâm TP. Đà Nẵng hơn 10 cây số về phía Tây Nam, làng chiếu Cẩm Nê từ lâu đã nổi tiếng với các loại chiếu hoa truyền thống. Chiếu hoa Cẩm Nê đã từng được hiện diện ở nội triều các vua nhà Nguyễn; những nghệ nhân Cẩm Nê xưa cũng đã từng được các triều đại vua sắc phong, ban thưởng…
Theo các nghệ nhân địa phương thì chiếu Cẩm Nê có nguồn gốc từ Hoằng Hóa, Thanh Hóa truyền vào miền Nam vào khoảng thế kỷ 15, sau khi vua Lê Thánh Tôn chiến thắng Chiêm Thành, sáp nhập thành Đồ Bàn vào Quảng Nam - Đà Nẵng. Từ đó, nghề chiếu tồn tại ở làng Cẩm Nê cho đến nay.
Làng chiếu Cẩm Nê dệt nhiều loại chiếu, khổ rộng, khổ hẹp, dệt chiếu trơn và chiếu hoa. Chiếu trơn là loại chiếu để nguyên sợi màu trắng không nhuộm màu. Loại chiếu trơn trắng này dùng loại lác phơi khô vừa phải, khi khô còn ửng màu xanh, đem vào dệt. Chiếu dệt xong đem phơi nắng, vừa để cho lá chiếu trắng sáng bóng.
Loại chiếu hoa ở Cẩm Nê không phải dệt chiếu trắng xong mới dùng khuôn in hoa lên trên nền như một số vùng khác mà phải chọn sợi lác về nhuộm phẩm. Phẩm nấu lên và nhúng sợi lác vào, nhúng từng nạm một và đem phơi. Một nạm lác có thể nhuộm một hoặc hai ba lần tùy màu phẩm và độ pha chế đậm nhạt. Những sợi lác màu sau khi phơi khô, được đem dệt thành chiếu hoa.
Nhọc công của nghề dệt chiếu là chọn cây để làm khổ và thoi dệt. Phải chọn cây nào thật thẳng, nhẹ và bền. Vùng Cẩm Nê, người ta thường dùng cây cau già để làm khổ và thoi dệt. Một người giữ khổ, một người cầm thoi, dệt liên tục trong mười tiếng đồng hồ được một đôi rưỡi hoặc hai đôi chiếu, tùy loại đó là chiếu hoa hay chiếu trơn, khổ rộng hay khổ hẹp.
Chiếu dệt xong đem trải khắp sân, khắp vườn, phơi để cho chiếu nguội và hoàn tất một phần công việc cuối cùng ghim các đầu dây đay để cho các sợi lác hai đầu chiếu khỏi bung ra. Công việc này cũng phải khéo tay và có cặp mắt mỹ thuật, không thì chiếc chiếu sẽ lệch.
Trước đây, hầu như tất cả người dân trong làng Cẩm Nê đều gắn với nghề chiếu. Nghề truyền thống này như đã ngấm vào máu và là niềm tự hào của bao thế hệ người dân nơi đây. Sản phẩm làm ra được tiêu thụ ngay tại làng. Giá cả đa dạng tuỳ theo kích cỡ. Chiếu Cẩm Nê có ưu điểm là viền chiếu được gấp kỹ hơn, dày hơn, bền hơn, nằm êm lưng hơn so với chiếu của các địa phương khác.
Ngày nay, làng chiếu Cẩm Nê đang gặp khó khăn với sự cạnh tranh của nhiều sản phẩm trên thị trường. Bởi thiếu vùng nguyên liệu và sản phẩm thủ công không thể sánh bằng sản phẩm công nghệ máy móc… Những người con trong làng đã bỏ nghề xuống phố kiếm việc làm khác.
Rồi chuyện khôi phục làng nghề cũng được tính đến, như dự án khôi phục làng nghề gắn với phát triển du lịch đã được chính quyền địa phương thông qua và chỉ đạo thực hiện nhưng chẳng đi đến đâu.
Một phương án nữa cũng được tính đến là trồng cây đay trên vùng đất ven bờ sông Yên, nguyên liệu dùng để làm chiếu, bởi làng nghề mai một cũng bởi một phần do nguyên liệu, vì phải đi đến tận Cẩm Kim (Hội An) hay phải vô tận Bến Lức (Long An) để mua sợi. Đó cũng là hy vọng để tính đến chuyện khôi phục làng nghề. Tuy nhiên điều đó cũng chỉ mới nằm trên chủ trương. Chỉ biết bây giờ làng nghề đang đứng trước nguy cơ bị mai một?