Minh bạch để hướng tới bền vững
Xã hội đang hưởng lợi từ cho vay tiêu dùng | |
Thị trường tài chính đang dần hoàn thiện | |
Tiềm năng cho vay tiêu dùng tại Việt Nam là rất lớn |
Tiềm năng lớn
Đến cuối tháng 11/2017, dư nợ CVTD toàn hệ thống tăng 27% so với tháng 1/2017, chiếm 16,4% tổng tín dụng đối với nền kinh tế. Các chuyên gia nhận định, TDTD có thể tiếp tục tăng trưởng cao và là một trong những mảng hoạt động chiến lược, nhiều tiềm năng của các TCTD trong năm 2018.
Tại Việt Nam, CVTD có tiềm năng phát triển cao nhưng còn nhiều việc cần làm để phát triển bền vững |
Tuy có tốc độ tăng trưởng ấn tượng như vậy nhưng theo chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành, nếu so với các nước ASEAN trung bình thì tỷ lệ CVTD (so với tổng tín dụng) ở Việt Nam còn rất thấp. “Thực tế đó cùng với các yếu tố như dân số trẻ, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và nền kinh tế tăng trưởng nhanh trong khi các nền tảng công nghệ và các loại hình định chế tài chính đa dạng cho thấy thị trường CVTD có tiềm năng rất lớn”, TS. Thành nhận định.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cho rằng, Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi để tạo ra một thị trường bán lẻ và tín dụng tiêu dùng (TDTD) sôi động, như dân số đông, tình hình kinh tế ổn định, sức chi tiêu tốt, tốc độ đô thị hoá nhanh, nền kinh tế ngày càng mở cửa với cơ hội việc làm, kinh doanh và thu nhập ngày càng tăng. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là quốc gia cởi mở với sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số.
“Tỷ lệ người dùng internet và điện thoại thông minh cao và ngày càng tăng nhanh là những yếu tố giúp tăng sức mua cũng như nhu cầu ngày càng lớn đối với các dịch vụ tài chính cá nhân”, ông Hải nhìn nhận.
Theo PGS-TS. Hoàng Văn Hải, Viện trưởng Viện Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, tại Việt Nam, thị trường CVTD trong những năm gần đây bắt đầu có sự phát triển mạnh mẽ với sự tham gia của ngày càng nhiều hơn các nhà cung cấp dịch vụ và nhu cầu vay tiêu dùng cũng tăng lên đáng kể.
Tuy nhiên, thị trường CVTD tại Việt Nam hiện được đánh giá là chưa đạt mức độ phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có. Điều này có thể nhận thấy qua số lượng hạn chế của các tổ chức và sản phẩm tín dụng, đồng thời tỷ lệ CVTD mới chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, khoảng trên 10% trong tổng dư nợ tín dụng (trong khi tỷ lệ này ở các nước phát triển thường là 40-50%).
“Thực tế tại các quốc gia trên thế giới đã cho thấy, thị trường CVTD phát triển sẽ có tác động lớn đến việc thúc đẩy nền kinh tế. Điều này đạt được nhờ vào những lợi ích mà nó đem lại cho người tiêu dùng, cho hệ thống tài chính và cho các DN sản xuất kinh doanh. Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, CVTD là một công cụ quan trọng nhằm thúc đẩy tiêu dùng và từ đó đóng góp vào tăng trưởng GDP cũng như sự phát triển của nền kinh tế”, PGS-TS. Hoàng Văn Hải cho biết.
Quan tâm phát triển thị trường TDTD, tài chính vi mô để góp phần kích thích sản xuất phát triển cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu ra tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2018 mới đây.
Và cảnh báo
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh, TDTD phát triển mạnh thời gian qua có thể xem là động lực để thúc đẩy cho GDP tăng trưởng. Tuy nhiên, TDTD khác với tín dụng kinh doanh. Bởi khi vay vốn kinh doanh thì người vay phải đưa ra được phương án kinh doanh khả thi, có tài sản thế chấp và phải được thẩm định kỹ mới được xem xét cho vay. CVTD lại dễ dàng hơn nhiều vì chỉ dựa vào tín chấp. Nhưng đổi lại, người đi vay lại phải chịu một lãi suất rất cao và nếu không tính toán nhu cầu hợp lý dẫn đến không trả được về sau thì sẽ thiệt hại rất nhiều. “Nên tôi nghĩ phải có một khung pháp lý thích hợp để cho TDTD này bớt rủi ro, không dẫn đến những diễn biến phức tạp khác”, TS. Doanh đề xuất.
Theo TS. Võ Trí Thành, TDTD giảm thiểu rủi ro theo nghĩa là nó phân nhỏ khoản vay và quy mô nhưng hiện nay, việc thống kê TDTD của Việt Nam đang rất khác nhau. TS. Thành dẫn chứng lại con số tăng trưởng TDTD của Việt Nam năm 2017 mà UBGSTCQG đưa ra lên đến hơn 60% trong báo cáo trên trong khi theo các số liệu khác thì TDTD năm qua chỉ quanh khoảng 35%.
Theo chuyên gia này, vốn dĩ có sự chênh lệch lớn về con số như trên là do sự khác nhau về thống kê. Như cho vay BĐS ở mảng bán lẻ thì không tách cho vay mua BĐS với cho vay sửa chữa nhà. Trong khi cho vay mua BĐS thì cũng có là để ở, tức là tiêu dùng nhưng có thể là đầu cơ và không phải không có rủi ro. Hơn nữa, như trường hợp của Hàn Quốc thì đã từng gặp phải hai cuộc khủng hoảng về thẻ tín dụng cũng là một ví dụ rõ ràng về nguy cơ tăng trưởng quá nhanh của hoạt động CVTD. “Cho nên vấn đề giám sát, minh bạch và thống kê là những vấn đề rất quan trọng khi xem xét CVTD để phát triển theo hướng bền vững”, TS. Thành nhìn nhận.
Tín dụng tiêu dùng là một trong những mảng hoạt động chiến lược, nhiều tiềm năng của các TCTD trong năm 2018 |
Đồng quan điểm trên, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia TC-NH cho rằng, hiện tất cả các khoản tín dụng cho vay mua nhà, sửa nhà đều được gộp chung vào TDTD là không hợp lý. “Một khoản tín dụng ngân hàng cho vay để người dân mua nhà hay sửa nhà và họ dùng tài sản đó để thế chấp thì cần phải được phân loại vào tín dụng BĐS”, ông Hiếu nêu ý kiến. Bên cạnh đó, dẫn kinh nghiệm từ các nước phát triển như Đức, Mỹ, chuyên gia này khuyến nghị, để TDTD Việt Nam phát triển bền vững hơn, Việt Nam cần phải có luật phá sản cá nhân.
“Ở Việt Nam mới chỉ cho phép phá sản DN mà chưa có phá sản cá nhân. Có những khoản nợ mà người đi vay đã chết rồi nhưng nợ thì vẫn còn đó, dù được NH đưa ra ngoại bảng nhưng vẫn phải theo dõi. Trong khi đó, với những trường hợp như vậy ở bên Mỹ, hay những người đã mất khả năng chi trả như bị tàn tật vĩnh viễn thì sẽ được đưa ra toà, tòa cho phép NH gom tài sản thanh lý. NH nhận được cái gì thì nhận, người vay họ không còn khả năng trả nợ nữa thì họ cũng không có nghĩa vụ tiếp tục trả nợ và tuyên bố phá sản, như vậy là xong. Ở Việt Nam mình tôi đề nghị trong tương lai Quốc hội cũng nên xem xét về luật phá sản cá nhân”, ông Hiếu nêu quan điểm.
Tuy nhiên để làm được điều đó thì chuyên gia này cũng đề xuất, dựa vào các tiêu chí khác nhau, cơ quan quản lý trong tương lai cần có cơ chế để có thể xếp hạng điểm tín dụng cho từng người dân. Khi mỗi cá nhân được xếp hạng thì sẽ có cơ sở minh bạch cho việc họ có được vay hay không, vay ở mức bao nhiêu, có phải thế chấp không, lãi suất sẽ cao hay thấp. Điều này sẽ giúp các TCTD và công ty tài chính có cơ sở đưa ra đánh giá đúng, cân nhắc các khoản vay phù hợp, giúp giảm thiểu rủi ro cho tín dụng cá nhân.