Mối quan hệ DN FDI – DN nội địa và vũ điệu ba người
Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) 2016 khai mạc vào sáng ngày 5/12/2016 với chủ đề “Nâng cao vai trò khu vực kinh tế tư nhân” sẽ bàn nhiều vấn đề quan trọng góp phần để Việt Nam phát triển bền vững. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến dự và phát biểu tại Diễn đàn.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam |
Kết nối và lan tỏa tới DN nội địa, DN FDI muốn nhưng khó
Trao đổi với báo chí trước thềm diễn đàn, hai vị đồng Chủ tịch diễn đàn là ông Ryu Hang Ha - Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam và ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, một nội dung quan trọng được trao đổi tại Diễn đàn là tăng cường hợp tác giữa DN trong nước và nước ngoài vì sự phát triển hài hòa của kinh tế Việt Nam.
Dù có nhiều thành công trong thu hút FDI vào phát triển kinh tế - xã hội trong những năm qua, nhưng kỳ vọng về FDI của Việt Nam chưa đạt được. Việt Nam vẫn chưa tận dụng được hết những lợi ích từ FDI, mối liên kết giữa các DN FDI và DN trong nước vẫn rất yếucòn mờ nhạt, vẫn chưa thấy rõ hiệu ứng lan toả về công nghệ và năng suất lao động như mong muốn.
Theo ông Ryu Hang Ha, mặc dù phần lớn DN FDI rất mong kết nối, tạo sự lan tỏa tới DN trong nước, bởi có như thế DN FDI mới “cắm rễ” và phát triển bền vững ở Việt Nam. “Nếu chúng tôi mua được phụ liệu, hàng hóa do DN nội địa sản xuất, ít nhất chúng tôi giảm bớt được thủ tục hoàn thuế”, ông dẫn chứng.
Mong muốn là như vậy, thế nhưng ông Ha cũng chỉ ra nhiều khó khăn trong vệc kết nối. Đơn cử để tiếp nhận được chuyển giao công nghệ từ DN FDI thì DN trong nước cần có nguồn nhân lực chất lượng. “Chúng tôi có chuyển giao mà nhân lực yếu kém thì cũng không chuyển giao được. Chúng tôi hiểu điều đó, chúng tôi chủ động đào tạo nhân lực, đưa cả ra nước ngoài đào tạo, nhưng chỉ được vài năm họ (những người được đào tạo) lại bỏ lên thành phố lớn tìm việc”, ông cho biết.
Bên cạnh đó, để có sự gắn kết và lan tỏa giữa DN FDI và DN nội địa đòi hỏi phải có sự kết nối thông suốt giữa Chính phủ với DN FDI và DN nội địa. Chính phủ là người tạo cơ chế, môi trường cho sự kết nối. Đơn cử như Chính phủ có cơ chế để hướng DN Việt Nam tăng năng lực kết nối, quan tâm đến sản xuất để bán ngay hàng cho DN FDI trong nước chứ không phải chỉ quan tâm đến xuất khẩu, ông Ha gợi ý.
Nói không với tham nhũng, tiêu cực: Nước phải chảy xuôi
Ông Lộc cũng cho rằng, để có sự gắn kết DN FDI với DN nội địa cần có sự kết nối 3 bên theo thế chân kiềng: Chính phủ - DN FDI và DN nội địa. Trong đó, Chính phủ là người hỗ trợ DN bằng luật pháp, cơ chế và cả chế tài để DN 2 bên kết nối, để DN trong nước lớn lên nâng cao năng lực đủ sức kết nối. DN FDI là trung tâm và DN nội địa là vệ tinh.
Ông cũng cho rằng, để tiếp nhận được sự chuyển giao công nghệ, đón nhận được sự lan tỏa từ DN FDI và liên kết được với FDI, nguồn nhân lực là quan trọng. Vì thế, Việt Nam cần cải thiện hiệu quả đào tạo giúp nâng cao năng lực của người lao động và trình độ công nghệ của các DN trong nước, để từ đó thu lại được nhiều lợi ích từ FDI. Nếu thiếu vắng những cải thiện căn bản về khả năng hấp thụ đầu tư và chuyển giao công nghệ thì các chính sách ưu đãi vẫn sẽ không thể mang lại hiệu quả như mong muốn.
Bên cạnh đó, cần chính sách thúc đẩy hộ gia đình, những DN siêu nhỏ trở thành DN chính thức. Chưa chính thức thì không minh bạch, không minh bạch thì không kết nối được và họ vẫn sẽ ở bên lề của hội nhập, bên lề của phát triển.
Ghi nhận những nỗ lực cải cách của Chính phủ, hai vị đồng Chủ tịch đều cho rằng “chưa bao giờ vai trò của kinh tế tư nhân được khẳng định mạnh mẽ, được nhắc đến nhiều và chưa bao giờ được coi là động lực tăng trưởng chính như bây giờ”. Thế nhưng kinh tế tư nhân, nhất là DNNVV nội địa vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thủ tục hành chính thì phức tạp phiền hà, tiếp cận vốn, đất đai khó khăn, chi phí không chính thức vẫn là thách thức.
Ông Ha thẳng thắn nói rằng: “Hàn Quốc có câu thành ngữ “nước chảy xuôi từ trên xuống”, Hàn Quốc cũng chưa giải quyết được triệt để vấn đề tham nhũng. “Ngay cả tổng thống Hàn Quốc hiện nay cũng đang dính vào bê bối chính trị liên quan đến tham nhũng. Chống tham nhũng phải từ những người lãnh đạo. Khi lãnh đạo không tham nhũng thì tham nhũng mới không còn”.
Ông Lộc nói rằng để làm được như Thủ tướng vừa kêu gọi thì phải nâng cao đạo đức công vụ, luật pháp và chế tài đủ mạnh cùng sự giám sát của người dân và DN. Nhưng quan trọng nhất là thể chế kinh doanh phải minh bạch, thủ tục đơn giản, pháp luật rõ ràng người dân và DN biết rõ mình được làm gì, bị cấm làm gì. Luật pháp vẫn chồng chéo phức tạp, vẫn còn có thể diễn giải bằng nhiều cách khác nhau tùy vào cách hiểu của công chức thì còn cơ hội cho trục lợi cho tiêu cực.