Mua - bán nhà ở hình thành trong tương lai: Cần khuôn khổ pháp lý phù hợp
Ưu đãi đầu tư nhà ở công nhân | |
Hà Nội: Thêm 9 dự án đủ điều kiện kinh doanh nhà ở hình thành trong tương lai |
Không ít DN BĐS vì lợi ích trước mắt đã sẵn sàng làm lại quy hoạch 1/500, không có thật để lừa dối người mua |
Chị Nguyễn Thị Ánh Mai (Q. Thủ Đức), mua căn hộ chung cư gần 70m2 với giá 1,7 tỷ đồng theo dạng góp vốn của công ty con trực thuộc một DN BĐS khá tên tuổi tại TP. Hồ Chí Minh.
Theo như hợp đồng góp vốn mua căn hộ, tháng 10/2015 chị sẽ được nhận nhà, nhưng đến nay đã quá thời hạn gần 2 năm mà dự án vẫn chưa hoàn thành. Dù hợp đồng có điều khoản bồi thường nếu chậm tiến độ, tuy nhiên khi đến làm việc với chủ đầu tư luôn tìm cách khất lần.
Chính vì vậy, chị Mai cùng một số khách hàng đâm đơn kiện đòi tiền, nhưng sự việc vẫn chưa được giải quyết. Trong khi DN BĐS vì sợ ảnh hưởng uy tín nên đã tự động tách công ty con ra khỏi tập đoàn của mình nhằm thoái thác trách nhiệm.
Trường hợp của chị Mai chỉ là một trong rất nhiều trường hợp gặp phải rủi ro, bất trắc khi mua nhà ở hình thành trong tương lai. Mặc dù vấn đề này đã được cảnh báo nhiều song không ít người vẫn vướng phải bởi nghe lời thuyết phục của dân môi giới nhà đất. Thậm chí, một số người dù đã cảnh giác song do nhu cầu cấp bách về nhà ở nên vẫn đánh liều mua nhà “trên giấy” với hy vọng rủi ro không rơi vào mình.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) nhận định, hiện nay vẫn còn một số DN địa ốc lợi dụng lòng tin của khách hàng để trục lợi bất chính, làm ảnh hưởng xấu đến thị trường BĐS nói chung.
Đây chủ yếu là những chủ đầu tư làm ăn theo kiểu chụp giật, sau khi đã gom tiền được của khách hàng đã không tiếp tục hoàn thành, xây dựng xong dự án và làm tròn trách nhiệm của mình. Thậm chí đã có những DN còn ôm tiền bỏ trốn bỏ lại hàng trăm khách hàng còn chưa hiểu chuyện gì xảy ra.
Vừa qua, tình trạng cùng một căn hộ mà bán cho nhiều người vẫn còn lác đác xảy ra. Tuy nhiên, những trường hợp như trên không nhiều, mà chủ yếu chỉ là chủ đầu tư không hoàn thành đúng tiến độ dự án, tăng giá so với cam kết ban đầu hoặc “cắt xén” bớt tiện ích công trình, không đảm bảo chất lượng… dẫn đến mâu thuẫn, tranh chấp giữa hai bên.
Một lãnh đạo thuộc Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh cho biết, không ít trường hợp DN BĐS vì lợi ích trước mắt đã sẵn sàng làm lại quy hoạch 1/500, tăng thêm những tiện ích không có thật để lừa dối người mua. Sau khi tự ý thay đổi quy hoạch, dù cơ quan chức năng chưa phê duyệt nhưng họ vẫn đem bán, thu tiền của khách hàng.
Nhất là thời gian gần đây, tại một số quận huyện vùng ven còn rộ lên “vấn nạn” tách thửa bán đất trên giấy, kéo theo rất nhiều hệ lụy về quy hoạch và an ninh xã hội. Tình trạng này đến nay vẫn chưa chấm dứt, dù UBND thành phố đã có những văn bản chỉ đạo, hướng dẫn đến các quận, huyện.
Theo ông Châu, đã đến lúc phải kiểm soát chặt chẽ việc bán nhà hình thành trong tương lai bằng công cụ pháp lý phù hợp, cũng như có thêm sự tham gia bảo lãnh của ngân hàng nếu không phần thiệt sẽ thuộc về người mua nhà.