Mỹ không gắn nhãn thao túng tiền tệ cho Trung Quốc
Các nền kinh tế mới nổi và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung | |
Hệ sinh thái giám sát Trung Quốc: Mục tiêu mới của Trump? | |
Những vấn đề kinh tế thế giới nổi bật |
Không có thao túng tiền tệ
Chính quyền Mỹ lại một lần nữa “kiềm chế” không gán mác thao túng tiền tệ cho Trung Quốc, một quyết định đi ngược lại những lời cam kết của ông Trump trong chiến dịch của mình hồi năm 2016, nhưng lại giúp cho cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới không leo thang hơn nữa.
Trong Báo cáo ngoại hối bán niên của Bộ Tài chính Mỹ gửi tới Quốc hội nước này hôm 28/5, không có quốc gia nào bị gắn nhãn “thao túng tiền tệ”. Tuy nhiên có 9 quốc gia được đưa vào trong danh sách theo dõi vì thỏa mãn một số tiêu chí. Trong khi Ấn Độ và Thụy Sĩ đã đưa ra khỏi danh sách theo dõi.
Đáng lý Báo cáo này phải được công bố vào giữa tháng 4, nhưng nó đã bị trì hoãn một phần do những thay đổi về tiêu chí được sử dụng để đánh giá các quốc gia, một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ nói với các phóng viên hôm thứ ba.
Trước đây, Mỹ sử dụng 3 tiêu chuẩn để xác định một quốc gia thao túng tiền tệ: thặng dư tài khoản vãng lai trên 3% GDP; thặng dư thương mại với Mỹ trên 20 tỷ USD; can thiệp một chiều trên thị trường ngoại hối vượt 2% GDP trong 12 tháng. Tuy nhiên theo tiêu chí mới, các quốc gia có thặng dư tài khoản vãng lai tương đương 2% GDP là đủ điều kiện để đưa vào danh sách, giảm so với mức 3% như trước đây. Hai tiêu chí còn lại vẫn được giữ nguyên.
Bộ Tài chính Mỹ đã báo hiệu có thể thay đổi ba tiêu chí đánh giá một quốc gia thao túng tiền tệ từ 1 năm trước. Việc mở rộng danh sách cũng đồng nghĩa với việc mở rộng phạm vi theo dõi đối với hơn 80% giao dịch hàng hóa của Mỹ, cho phép Mỹ xem xét kỹ lưỡng bất kỳ quốc gia nào có thể có ảnh hưởng lớn tới triển vọng kinh tế vĩ mô của Mỹ, một quan chức Bộ Tài chính cao cấp nói với các phóng viên.
Việc bị Mỹ gắn mác thao túng tiền tệ sẽ không bị phạt ngay lập tức, nhưng có thể làm rối loạn thị trường tài chính. Tuy nhiên kể từ năm 1994 đến nay, chưa có một quốc gia nào bị Mỹ gắn mác “thao túng tiền tệ”.
Hiện danh sách đối tác thương mại lớn của Mỹ bao gồm 21 quốc gia và vùng lãnh thổ: Bỉ, Brazil, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Hồng Kông, Ireland, Ấn Độ, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Mexico, Hà Lan, Singapore, Thụy Sĩ, Đài Loan, Thái Lan, Anh, Việt Nam.
“Cây gậy” của Trump
Chính sách tiền tệ đã nổi lên như là một công cụ cuối cùng của ông Trump nhằm mục tiêu viết lại các quy tắc thương mại toàn cầu mà ông nói đã làm tổn thương các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ. Ông đã biến chính sách ngoại hối trở thành một phần quan trọng trong các thỏa thuận thương mại với Mexico, Canada, Hàn Quốc và dự kiến sẽ là một phần trong thỏa thuận với Trung Quốc.
Chính quyền Mỹ tuần trước đã tăng cường tập trung vào ngoại hối, đề xuất áp thuế quan đối với hàng hóa từ các quốc gia được phát hiện có đồng tiền bị định giá thấp. Động thái của Bộ Thương mại sẽ cho phép các công ty có trụ sở tại Mỹ đề nghị áp thuế chống trợ cấp đối với các sản phẩm từ các quốc gia mà Bộ Tài chính Mỹ phát hiện phá giá đồng tiền của mình để cạnh tranh. Tuy nhiên, đến thời điểm này không có quốc gia nào bị Mỹ xem là có hành động đó.
Theo một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ, báo cáo tiền tệ của Bộ Tài chính và đề xuất của Bộ Thương mại là riêng biệt và tuân theo các luật khác nhau.
Số lượng quốc gia nằm trong danh sách theo dõi của Mỹ đã được mở rộng sau khi Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin hạ thấp các tiêu chí đánh giá. “Bộ Tài chính Mỹ rất nghiêm túc với bất kỳ hoạt động tiền tệ không công bằng nào và Bộ Tài chính đang mở rộng số lượng đối tác thương mại của Mỹ mà họ đánh giá để thực hiện các hoạt động tiền tệ công bằng và minh bạch hơn”, Mnuchin nói trong một tuyên bố.
Còn nhớ trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2016, ông Trump thường xuyên chỉ trích Trung Quốc và tuyên bố sẽ gán nhãn “thao túng tiền tệ” cho Trung Quốc ngay khi ông lên nắm quyền. Tuy nhiên cho đến nay, Bộ Tài chính Mỹ vẫn không đưa ra quyết định như vậy.
Bởi theo quy định, chỉ có những quốc gia đáp ứng của 3 tiêu chí mà Bộ Tài chính Mỹ đưa ra mới bị xem là “thao túng tiền tệ”; còn các quốc gia đáp ứng 2 trong 3 tiêu chí thì được đưa vào danh sách theo dõi.
Tuy nhiên, “Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục có những lo ngại đáng kể về các hoạt động tiền tệ của Trung Quốc, đặc biệt là về sự sai lệch và sự định giá thấp của nhân dân tệ so với đồng đôla”, Báo cáo cho biết.
Báo cáo được đưa ra trong bối cảnh xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc đang có chiều hướng leo thang, không chỉ về thương mại mà hiện đã mở rộng sang lĩnh vực công nghệ. Hồi đầu tháng này, ông Trump đã tăng thuế đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc, tiếp đó cấm nhà cung cấp thiết bị không dây Huawei Technologies Co. giao dịch với các nhà cung cấp ở Mỹ.
Ngay lập tức Trung Quốc cũng tuyên bố nâng thuế đối với hàng hóa của Mỹ từ 1/6.