Những vấn đề kinh tế thế giới nổi bật
Cái tên nào tiếp theo có thể lọt vào “danh sách đen” của Mỹ? | |
Hy vọng căng thẳng sẽ không kéo dài | |
Ông Trump kêu gọi Fed hỗ trợ trong cuộc chiến thương mại |
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang tiếp tục là chủ đề chính và từ đó đã làm nảy sinh thêm nhiều vấn đề mới trong tuần qua.
Tác động của chiến tranh thương mại
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bất ngờ leo thang trở lại đã phủ một bóng đen lên tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu được công bố hôm thứ Ba tuần trước, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế đã cắt giảm mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống còn 3,2%.
Trong khi một nhóm nghiên cứu tại Bloomberg Economics đã công bố các ước tính mới cho biết, trong kịch bản chiến tranh thương mại toàn diện sẽ xóa sạch 600 tỷ USD khỏi tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu vào năm 2021 so với kịch bản không có căng thẳng thương mại.
Các nhà kinh tế Phố Wall cũng đang trở nên bi quan hơn với Goldman Sachs Group Inc., Nomura Holdings Inc. và JPMorgan Chase và Co. nằm trong số những tổ chức hạ thấp dự báo của mình. Còn Nomura nhận thấy khoảng 65% cơ hội Mỹ sẽ áp thuế đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào cuối năm nay.
Tăng cường phòng vệ
Các ngân hàng trung ương trên khắp châu Á đã tìm cách bảo vệ đồng tiền của họ sau khi chúng đã giảm giá khá mạnh trong thời gian gần đây khi cuộc chiến thương mại diễn ra. Hầu hết trong số này dường như đều có ý định duy trì ổn định tỷ giá hối đoái và ngăn dòng vốn chảy ra khỏi nền kinh tế thay vì để mặc đồng nội tệ rới giá, thậm chí phá giá để tăng khả năng cạnh tranh. Trung Quốc là một ví dụ điển hình khi mà Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đang cố gắng chặn lại đà giảm giá của đồng nhân dân tệ cũng như ngăn không cho dòng vốn chảy ra. Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách Hàn Quốc đã yêu cầu nhóm họp khẩn cấp để bàn về sự rớt giá của đồng won. Ngân hàng Trung ương Indonesia cũng bày tỏ lo ngại về đồng rupiah.
Bức tranh càng thêm ảm đạm khi mà những trừng phạt của Mỹ đối với Huawei - gã khổng lồ viễn thông của Trung Quốc - đang đe dọa các cường quốc công nghệ châu Á và xuất khẩu của Nhật Bản đã giảm trong tháng thứ 5 liên tiếp.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và sự suy yếu của nhân dân tệ đang là những chủ đề nóng |
Tiếp tục “kiên nhẫn” với việc điều chỉnh lãi suất
Mặc dù căng thẳng thương mại gia tăng, song các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn báo hiệu rằng họ không vội giảm lãi suất, bất chấp việc các nhà đầu tư đang đặt cược rất lớn là động thái này sẽ diễn ra vào cuối năm nay. Tuy nhiên nhiều quan chức Fed cũng tỏ ra lo lắng việc lạm phát nằm dưới mục tiêu của họ trong một thời gian dài có thể bắt đầu làm xói mòn niềm tin của công chúng vào khả năng của Fed trong việc thúc đẩy lạm phát đạt được mục tiêu mà họ đề ra. Thậm chí các nhân viên Fed cũng cho thấy đã mất niềm tin vào khả năng đưa lạm phát trở lại mức 2%.
Lạm phát thấp dai dẳng cũng là tình trạng chung của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới và đang gây khó cho nhiều ngân hàng trung ương trong việc đưa ra quyết định chính sách. ECB là một trong số đó khi mà các quan chức của ngân hàng này đang chứng kiến lạm phát đang ở mức thấp một cách “khó chịu” trong tháng 4.
Trong khi đó Ngân hàng Trung ương Iceland là ngân hàng trung ương đầu tiên ở Tây Âu cắt giảm lãi suất.
Đau khổ Mỹ Latinh
Các nền kinh tế Mỹ Latinh được dự báo sẽ chịu nhiều ảnh hưởng trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang trên toàn cầu, đặc biệt là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Nguyên nhân một phần cũng bởi “sức khỏe” của nhiều nền kinh tế trong khu vực đã bị bào mòn sau nhiều năm sai lầm chính sách.
kinh tế Argentina bị thu hẹp nhiều hơn dự kiến vào tháng 3, trong khi Chile bị đình trệ và Peru tăng trưởng trong quý đầu tiên thấp nhất kể từ năm 2017. Đối với Brazil, các nhà kinh tế đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh này.