Nắn dòng tín dụng vào kênh hiệu quả
Nhiều chính sách hỗ trợ lãi suất giảm | |
Lượng phải đi đôi với chất | |
Tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng |
Đến thời điểm này khá nhiều NH cho biết đã hoàn thành một nửa kế hoạch TTTD thậm chí có NH sử dụng gần hết room tín dụng và đang chuẩn bị xin nới room. Như tại HDBank lãnh đạo NH này cho biết, hết 5 tháng đầu năm, tín dụng NH tăng khoảng 16% trong khi room cho phép 27%. OCB cũng TTTD lên tới hai con số…
Việc TTTD khả quan nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia và ngay cả các NH. Trao đổi với phóng viên cách đây gần 2 tháng, một CEO NH khá lo lắng về tình hình TTTD của NH này khi nhu cầu vay vốn của DN giảm sút. Nhưng chỉ cách đây vài hôm, vị CEO này lại phấn khởi cho biết, đang lên kế hoạch xin NHNN nới room tín dụng vì đã sử dụng gần hết room dù còn 6 tháng nữa mới kết thúc năm. “Mặc dù thị trường không dễ dàng nhưng nhờ có chính sách phù hợp cùng với tín hiệu tích cực từ kinh tế vĩ mô, những quyết sách mạnh mẽ từ Chính phủ đối với cộng đồng DN đã thúc đẩy TTTD NH thuận lợi hơn mong đợi” – ông nói.
Thanh khoản dồi dào, lãi suất liên NH giảm nhanh cũng là chỉ số cho thấy khả năng cung ứng tín dụng năm 2016 là hoàn toàn khả quan. Vấn đề là các NH đẩy vốn vào lĩnh vực nào đảm bảo lợi nhuận mà không để phát sinh nợ xấu. Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho biết, từ năm 2015 NH triển khai hệ thống khung quản trị rủi ro mới, trong đó yêu cầu các danh mục cho vay dàn ra không tập trung hóa lĩnh vực nào. Do đó, tín dụng của NH phân bổ khá đều 4 – 5 lĩnh vực. Song, cũng tùy thời kỳ khác nhau, có thể NH sẽ đầu tư một hai lĩnh vực với tỷ trọng nhiều hơn nhưng không chênh quá nhiều.
Cụ thể, theo ông Tùng, hai lĩnh vực khách hàng DNNVV và cá nhân đang được NH tập trung nhiều hơn do cầu tiêu dùng thời điểm này tăng. Nhiều DNNVV đang phát triển khá tốt. Để tạo cơ hội tiếp cận vốn cho đối tượng khách hàng này, NH còn thành lập thêm khối DN siêu nhỏ.
Sự thay đổi trong cách đánh giá của NH đối với DNNVV không phải không có cơ sở. Trước đây đã có rất nhiều DNNVV thấy bức xúc khi gửi hồ sơ lên thường bị NH từ chối bởi không có tài sản thế chấp. Nhưng vấn đề quan trọng mà NH ngại rót vốn vào đối tượng này đó là sự không minh bạch trong tài chính. Nhưng trải qua thời kỳ khó khăn vừa rồi, bản thân DN nhận ra rằng nếu không thay đổi thì họ không thể tồn tại.
Chính vì vậy, thời gian qua, rất nhiều DN thực hiện tái cấu trúc lại hoạt động. Và giờ, sau một thời gian thị trường có nhiều loại hình DNNVV hoạt động rất tốt, có triển vọng. Ngay cả vấn đề mà NH dè chừng khi cho vay DNNVV là thông tin tài chính cũng đã có chuyển biến nhất định, ngày càng minh bạch hơn. NH không bỏ lỡ cơ hội đẩy vốn vào đối tượng khách hàng tiềm năng này.
Ví dụ, có nhiều DNNVV tham gia chuỗi cung ứng, phân phối cho thương hiệu lớn cả trong nước và nước ngoài đang có chỗ đứng vững trên thị trường. “Nếu chỉ nỗ lực từ phía DN chưa đủ, NH cũng đơn giản hóa thủ tục hồ sơ, có cách tiếp cận thông tin phù hợp hơn với DN thì NH – DN mới gặp được nhau. Không thì NH - DN vẫn luôn ở… hai đầu nỗi nhớ” - một chuyên gia NH đặt vấn đề.
Lãnh đạo một NHTM thừa nhận, thay đổi cách tiếp cận thông tin DN là rất cần thiết, quan trọng trong thời điểm này. Giả sử thay vì tiếp cận thông tin trực tiếp từ DN, NH có thể thông qua những nhà phân phối lớn của DN này. Trên cơ sở đó có thể nắm tình hình thông tin cơ bản của DN mà không cần phải yêu cầu khách hàng làm các hồ sơ thủ tục phức tạp rồi mới cấp vốn.
Đối với các DNNVV đôi khi lãi suất vay vốn không quan trọng bằng cơ hội kinh doanh. Nếu thủ tục quá lâu, cơ hội kinh doanh trôi đi thì NH có cho vay lãi suất 0% họ cũng không vay. “NH đang thực hiện cách này và thấy khá hiệu quả trong thời gian qua. Nhờ vậy, tín dụng của NH tăng trưởng khá tốt trong những tháng đầu năm”, vị lãnh đạo NH tiết lộ.
Nói về kế hoạch TTTD trong năm 2016, Tổng giám đốc VietinBank Lê Đức Thọ cho biết, ngoài tăng cường cho DNNVV vay, thời gian tới NH này tiếp tục cho vay vào các phân khúc DN lớn, DN FDI, tín dụng cá nhân… Với những NH quy mô nhỏ hơn như SCB, Tổng giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn chia sẻ: mục tiêu TTTD của NH trong năm 2016 tối đa là 18% /năm. Vì vậy NH tập trung vào mảng lợi thế của mình. Theo đánh giá của ông, cầu tiêu dùng trong năm 2016 vẫn khá lớn như mua sắm ô tô, xe máy, sửa nhà, sản xuất kinh doanh ngắn hạn… Do đó, NH xác định tín dụng bán lẻ chiếm 30% trong cơ cấu tín dụng.
Còn theo nhận định của TS. Cao Sỹ Kiêm, thời gian tới dòng vốn được nắn vào khu vực nông nghiệp nông thôn và DNNVV. Năm nay NH sẽ bớt áp lực hơn nhiều khi tìm khách hàng, tùy khẩu vị rủi ro của mỗi NH mà họ đưa ra chiến lược tín dụng tập trung vào phân khúc khách hàng nào.
Không chỉ TTTD khả quan, việc tín dụng phân bổ đều hơn qua các tháng cho thấy chất tín dụng đang tăng khi đảm bảo dòng tiền của khách hàng được sử dụng tốt hơn. Theo đó, vòng quay vốn NH cũng hiệu quả hơn.