Nhiều chính sách hỗ trợ lãi suất giảm
Lãi suất giảm: Tiền đề cho phát triển kinh tế | |
Lãi suất giảm: Cơ hội để ngân hàng phân bổ vốn hiệu quả | |
Lãi suất giảm nhanh hơn kỳ vọng |
Theo số liệu của NHNN, tính đến ngày 10/6, tăng trưởng tín dụng cả nước đạt 5,48% so với cuối năm 2015. Trong đó, dư nợ cho vay VND từ đầu năm đến nay ước tính tăng khoảng 6,75%.
Do nhu cầu cho vay tiền VND tăng nên các NH cũng tính toán điều chỉnh tăng lãi suất huy động để thu hút thêm tiền gửi từ phía dân cư và khách hàng doanh nghiệp. Trước bối cảnh tăng lãi suất đầu vào, nhiều DN lo lắng lãi suất đầu ra sẽ bị điều chỉnh tăng lên tương ứng vào quý III và IV/2016. Thậm chí, một số DN còn hoang mang tìm đến các chuyên gia tài chính hỏi ý kiến rồi mới lên kế hoạch tài chính cuối năm.
Thế nhưng, vị chuyên gia tài chính trên chia sẻ rằng, khác với mọi năm, đường cong lãi suất năm nay sẽ không bị áp lực tăng nhờ NHNN công bố mở lại cho vay ngoại tệ từ ngày 1/6. Theo đó, lãi suất tiền gửi không tăng mà còn được nhiều NH điều chỉnh hạ, kéo áp lực cho vay VND giảm.
Chi tiết hơn, lãnh đạo một NHTMCP phân tích, hai Thông tư (06 và 07) của NHNN ban hành vào cuối tháng 5/2016 nhằm nới lỏng các quy định của Thông tư 36, mở lại cho vay ngoại tệ và chỉ thị thúc đẩy tăng trưởng tín dụng chính là hành động phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Cho vay những tháng đầu năm nay của các NH khá tốt do một số NH tìm kiếm khách hàng mới giảm lãi vay |
Vì ngay khi Thông tư được ban hành, áp lực huy động vốn dài hạn của các NH cũng giảm xuống. Một số NH ngay lập tức điều chỉnh giảm lãi suất ở các kỳ hạn dài để có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ DN. Đơn cử, TPBank áp dụng lãi suất cho kỳ hạn 37 tháng chỉ 7,9%/năm. Tại OCB, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 36 tháng chỉ 7,7%/năm. Trước đó, ACB cũng điều chỉnh biểu lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài nhất còn 6,8%/năm…
Phó tổng giám đốc NHTMCP quản lý mảng đầu tư tiền tệ một NH đóng tại địa bàn TP.HCM chia sẻ, thời gian qua, NHTM gặp nhiều vấn đề đối với Thông tư 24. Bằng chứng là sau khi bị cấm, NH có nhiều loại sản phẩm “lách luật” như: Cho vay VND có đảm bảo bằng ngoại tệ, cho vay VND theo lãi suất USD, cho vay VND tính theo lãi suất EUR...
Tình trạng này diễn ra khá phổ biến và có thể NHNN cũng biết nhưng vẫn phải làm ngơ vì nhu cầu của cả NH và doanh nghiệp. Tuy nhiên, vì phải lách cho vay nên NH phải hoán chuyển đổi qua nhiều bước trung gian làm gia tăng chi phí cho người vay. Việc hạch toán khoản cho vay đối với NH sau khi cấm phức tạp hơn nhiều so với trước khi cấm.
“Thế nhưng, nay NHNN áp dụng chính sách nới cho vay ngoại tệ đến 31/12 thì việc cho vay VND cũng không còn áp lực. Điều này giúp NH có cơ sở để giảm lãi suất huy động và cho vay”, vị lãnh đạo trên nói.
Thực tế, nhìn một cách tổng quát, hoạt động của thị trường tiền tệ trong 5 tháng đầu năm nhìn chung ổn định nhưng cũng có một số vận động không theo quy luật. Thứ nhất, mặt bằng lãi suất đi vay (trái phiếu Chính phủ, liên ngân hàng) có xu hướng giảm nhẹ và thứ hai là khả năng hệ thống đang dư thừa tiền đồng do hoạt động mua vào ngoại tệ của NHNN và cung tiền tăng nhanh hơn tín dụng.
Theo một lãnh đạo NHNN tại TP.HCM cho biết, về cơ bản, sự ổn định của thanh khoản hệ thống NH thể hiện qua những yếu tố như hoạt động bơm hút vốn đều đặn trên thị trường OMO, doanh số trên thị trường liên NH giảm nhẹ so với cùng kỳ cùng với lãi suất qua đêm bình quân có xu hướng giảm dần qua các tháng. Thế nhưng, đối với hoạt động huy động và cho vay trong hệ thống NH, có thể thấy tăng trưởng cung tiền đang tăng nhanh hơn tăng trưởng tín dụng.
Chẳng hạn, tính đến ngày 20/5/2016, tổng phương tiện thanh toán ước tăng 5,88% so với tháng 12/2015; tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước tăng 5,52%; tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 4,52%.
Từ đầu năm đến nay, NHNN cũng đã mua vào ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối, theo một nguồn tin không chính thức, lượng ngoại tệ mà NHNN đã mua trong thời gian qua là khoảng 7 tỷ USD (tương đương 157.000 tỷ đồng). Để mua ngoại tệ, NHNN phải cung ra một lượng tiền mặt nhất định, đồng thời phát hành tín phiếu hoặc hút ròng trên OMO để trung hòa tác động của lượng tiền cung ứng.
Chỉ đến đầu tháng 6, NHNN mới bắt đầu quay trở lại phát hành tín phiếu. Như vậy, với tăng trưởng huy động và cung tiền cao hơn so với tăng trưởng tín dụng, áp lực nguồn vốn huy động của các NH hiện tại không quá cao. Đây cũng là một trong những điều kiện để NHTM hạ lãi suất đầu vào.
Không chỉ đưa ra chính sách ổn định thị trường tiền tệ, mới đây, NHNN yêu cầu các TCTD, chi nhánh NH nước ngoài xây dựng kế hoạch và thực hiện các giải pháp để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay bằng VND. Đây được xem là động thái nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh như NHNN đã hứa.
Rõ ràng, với những chính sách có được, tín dụng dự báo sẽ tăng mạnh trở lại sau giai đoạn tăng trưởng chậm. Lạc quan hơn, một số dự báo cho rằng tín dụng trong quý III/2016 sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan ở mức 10%.