Nan giải với cụm công nghiệp
Đà Nẵng: Hỗ trợ doanh nghiệp mặt bằng sản xuất | |
Đà Nẵng: Bố trí mặt bằng sản xuất cho DNNVV |
Gặp khó do thiếu mặt bằng
TP. Đà Nẵng hiện có hơn 13.000 DN, trong đó có đến 98% là DNNVV, với tổng vốn đăng ký gần 64.000 tỷ đồng. Thực tế, hiện nay tại địa phương, nhiều DNNVV vẫn đang phải hoạt động trong các khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường do tiếng ồn, bụi bặm, nước thải… Gặp khó về mặt bằng, không ít DN đang phải thu hẹp quy mô sản xuất, tạm dừng hoạt động thậm chí có DN đang đứng trước nguy cơ giải thể.
Nhiều DNNVV đang gặp khó do thiếu mặt bằng sản xuất |
Tình hình càng khó khăn hơn cho một số DNNVV, khi thời gian gần đây chính quyền TP. Đà Nẵng, đang đẩy mạnh chủ trương xây dựng thành phố du lịch, xanh sạch đẹp, đặc biệt bảo đảm an toàn giao thông... Trên một số tuyến đường dẫn vào trung tâm thành phố được lắp đặt các biển hạn chế tải trọng, gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động giao nhận hàng hóa của các DNNVV.
Đặc biệt, là những DN trong lĩnh vực thương mại, vật liệu xây dựng, máy móc thiết bị, logistic, đồ gỗ… Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Phương Thịnh, chuyên sản xuất các sản phẩm đồ gỗ nằm trên địa bàn quận Cẩm Lệ, từng nhiều lần bị người dân xung quanh phản ứng, do công ty gây tiếng ồn và bụi…
Đại diện DN này cho biết, trước đây khu vực này còn thưa vắng dân cư, nên ít người lên tiếng phàn nàn. Sau này, do mật độ dân cư tăng lên nhanh chóng, mặc dù công ty đã tiến hành nhiều biện pháp để hạn chế tiếng ồn lẫn bụi bặm, tuy nhiên do ở trong khu vực dân cư nên rất khó để khắc phục.
Để giải quyết bắt buộc phải tìm vị trí mới, xa khu vực dân cư, nếu không được buộc DN đứng trước nguy cơ giải thể, tình cảnh này sẽ khiến hàng chục lao động đứng trước nguy cơ mất việc làm.
Trong thực tế, hiện đang có nhiều DNNVV tại TP. Đà Nẵng đang hoạt động xen lẫn với các khu dân cư gây ô nhiễm môi trường. Trong khi, trên địa bàn đang có đến 6 KCN, với tỷ lệ lấp đầy chưa cao. Tuy nhiên, việc đưa các DNNVV vào các KCN cũng rất khó khăn với nhiều nguyên nhân. Trong đó, do những quy định về diện tích, đặc biệt về giá cả nên phần lớn DNNVV không thể vào được các KCN.
Thông thường, những DNNVV chỉ có nhu cầu thuê mặt bằng trong khoảng từ 500 - 2.000m2, trong khi đó, quy định chung hiện nay ở các khu công nghiệp là DN phải thuê từ 5.000m2 trở lên mới được cấp phép.
Ngoài ra, giá thuê mặt bằng ở các KCN khá cao. Ông Hà Đức Hùng, Giám đốc Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường cũng cho biết, công ty không đủ sức để vào các KCN khi yêu cầu phải nộp đủ tiền thuê đất 1 lần với số tiền hàng tỷ đồng, chưa tính phí sử dụng hạ tầng hàng năm cũng không nhỏ, rồi chi phí DN phải bỏ ra để xây dựng hệ thống nhà xưởng…
Nếu không vào được trong các KCN, việc thuê mặt bằng ở ngoài thường không ổn định, chỉ thuê được thời gian ngắn, giá cả bếp bênh cũng làm khó cho DNNVV. Bởi, việc thuê đất ngoài khu công nghiệp cũng gặp khó do phải đấu giá, trong khi nguồn lực của DNNVV hạn chế.
Ông Nguyễn Văn Lý, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ TP. Đà Nẵng cho rằng, chuyện khó thuê mặt bằng dai dẳng đã gây bức xúc trong nhiều năm qua, gây nhiều khó khăn cho hoạt động của các DNNVV trên địa bàn, Nhưng, đến nay vẫn chưa được giải quyết một cách rốt ráo.
Kết hợp công tư?
Sớm có một cụm công nghiệp dành riêng cho DNNVV với mức giá hợp lý để có mặt bằng làm ăn ổn định, đang là mong muốn của nhiều DN trên địa bàn Đà Nẵng. Bởi, cụm công nghiệp dành riêng cho DNNVV với chính sách đóng tiền thuê linh hoạt sẽ phù hợp với khả năng tài chính của các DN, diện tích vừa với nhu cầu sử dụng sẽ tạo điều kiện các DNNVV phát triển.
Thực tế, chủ trương hình thành cụm công nghiệp cho DNNVV đã được TP. Đà Nẵng đề ra từ Chương trình “Năm doanh nghiệp Đà Nẵng 2014”, với kỳ vọng sẽ giúp đỡ tích cực cho các DN vượt qua khó khăn.
Tuy nhiên, đến nay sau hơn 2 năm việc thực hiện chủ trương này vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Để chủ động gỡ khó, Hiệp hội DNNVV TP. Đà Nẵng đã khảo sát và đề xuất UBND TP. Đà Nẵng giao 2 khu đất khoảng 6 ha trên địa bàn quận Liên Chiểu, để làm cụm công nghiệp cho DNNVV. Ngoài ra, hiệp còn thành lập Công ty CP Đầu tư cụm công nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng.
Sau khi thành lập, công ty đã có công văn gửi UBND TP. Đà Nẵng đề nghị được tham gia đấu thầu xây dựng cụm công nghiệp trên địa bàn quận Liên Chiểu. Sau đó, UBND TP. Đà Nẵng cũng đã có Công văn về việc phê duyệt quy hoạch diện tích đất cụm công nghiệp giành cho các DNNVV. Tuy nhiên, đến nay việc triển khai vẫn còn nhiều khó khăn, chưa biết đến bao giờ, các DNNVV mới an cư để lập nghiệp được…
Tìm hướng đi cho việc thành lập cụm công nghiệp cho DNNVV trên địa bàn TP. Đà Nẵng, theo ông Đỗ Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Phước Tiến cho rằng, trong nhiều năm qua, đây luôn là nhu cầu bức thiết nhất của cộng đồng DNNVV thành phố. Sau nhiều nỗ lực, chính quyền thành phố vẫn chưa xây dựng được cụm công nghiệp dành cho DNNVV theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương.
Vì vậy, đề nghị thành phố sớm tiến hành quy hoạch xây dựng. Trong trường hợp ngân sách thành phố còn hạn chế, có thể áp dụng hình thức xã hội hóa hoặc đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP) để xây dựng cụm công nghiệp dành cho DNNVV.
Thực hiện tốt chủ trương này sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của các DNNVV trên địa bàn. Đồng thời, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, trong các khu vực dân cư, chung tay xây dựng TP. Đà Nẵng xanh, sạch đẹp.