Nâng tầm trái cây xuất khẩu
Ảnh minh họa |
Kim ngạch xuất khẩu trái cây Việt Nam trong năm qua đạt con số khoảng 2 tỷ USD do việc mở rộng thị trường sang một số nước như Mỹ, Úc, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VinaFruit), hiện các DN trong nước đã xuất khẩu được hơn 40 loại rau quả khác nhau sang thị trường 40 quốc gia trên thế giới. Trong đó, thanh long là loại trái cây xuất khẩu chính, chiếm gần 2/3 kim ngạch xuất khẩu với khoảng gần 1 triệu tấn, tiếp theo là dưa hấu (600.000 tấn), nhãn (100.000 tấn), vải (70.000 tấn)...
Ông Huỳnh Quang Đấu, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Rau quả Thực phẩm An Giang (Antesco) cho biết, trong năm qua kim ngạch xuất khẩu của công ty tăng khoảng 15 – 20% so với năm ngoái thông qua việc nâng cao thị phần ở một số thị trường khó tính.
Sở dĩ làm được điều này bởi trong năm qua, công ty đã chú trọng đầu tư nâng cao kỹ thuật, đặc biệt là công tác đảm bảo chất lượng sau thu hoạch nên đã đáp ứng được các yêu cầu, đòi hỏi khắt khe về VSATTP, giá trị dinh dưỡng mà các nước nhập khẩu đề ra.
“Từ việc nâng cao chất lượng đã giúp cho giá trị, lợi nhuận thu về được nâng lên, đồng thời tạo ra uy tín để sản phẩm của Antesco thâm nhập sâu hơn cũng như mở rộng sang một số thị trường khác ” – ông Đấu nói.
Thời gian qua, nhiều DN xuất khẩu trái cây đã sử dụng một số phương pháp tiên tiến để nâng tầm chất lượng và giá trị cho trái cây xuất khẩu trong nước như phương pháp chiếu xạ, màng bọc trái cây, bảo quản sau thu hoạch... giúp trái cây tươi lâu, giữ được các thành phần dinh dưỡng. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là từ quy trình chăm sóc đảm bảo kỹ thuật để tránh sâu bệnh, dư lượng hóa chất.
Theo TS. Nguyễn Duy Lâm (Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch), từ trước đến nay khi xuất khẩu trái cây sang thị trường các nước nếu không làm tốt khâu bảo quản, giữ giá trị thành phẩm thì sẽ khó đến được tay người tiêu dùng nước bạn.
Bởi thực tế, cho dù trái cây Việt Nam khi sản xuất ra đảm bảo chất lượng và các yêu cầu kỹ thuật, không thua kém trái cây ngoại, nhưng nếu khâu bảo quản không tốt thì cũng sẽ không đáp ứng được quy chuẩn khắt khe của nhà nhập khẩu. Đơn cử, như phương pháp tạo màng bọc cho trái cây tươi không chỉ giúp cho trái cây giữ nước không bị khô héo, màu sắc tươi ngon, giữ hương vị, mà quan trọng hơn là đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
Một chuyên gia của VinaFruit cho rằng, nhiều loại trái cây của Việt Nam như vải thiều, vú sữa, măng cụt, xoài cát... đã tìm đường ra với thế giới và đã được đón nhận, thậm chí hiện diện ngay tại những siêu thị lớn của EU.
Nhưng điều này không có nghĩa mọi điều sẽ thuận lợi nếu các DN ngừng nỗ lực, không có sự đầu tư cho khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng từ khâu đầu đến khâu cuối.
Nhất là trong bối cảnh cạnh tranh với những quốc gia đã xây dựng được uy tín thương hiệu trong lĩnh vực này như Thái Lan, New Zealand, Úc thì Việt Nam vẫn còn phải tiếp tục chạy đua cả một chặng đường dài phía trước mới có thể nâng cao được thị phần chứ chưa nói gì đến xây dựng vị thế.
Theo Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), khi xuất khẩu trái cây sang thị trường một số nước khó tính như EU, Nhật Bản, các DN cần lưu ý đến việc đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng luôn phải được đặt lên hàng đầu. Vì vậy, trước tiên các DN xuất khẩu trái cây nội cần tuân thủ đúng các yêu cầu về VSATTP, kiểm tra dư lượng tồn dư chất BVTV trong trái cây.
Ngoài ra, lựa chọn cách vận chuyển, kênh phân phối sao cho hiệu quả, kinh tế, góp phần đảm bảo chất lượng trái cây xuất khẩu cũng là vấn đề đáng quan tâm.