Nền kinh tế quay lại quỹ đạo tăng trưởng
Làm gì để có mức tăng trưởng tiềm năng? | |
Bước vào tương lai, Việt Nam là điểm đến | |
Kiên định mục tiêu, tạo chuyển biến rõ nét về tăng trưởng kinh tế |
Nếu nhìn trên những con số bề nổi, tăng trưởng nhập khẩu 9 tháng năm 2016 chỉ đạt 1,3%, thấp hơn nhiều so với mức 15,9% của cùng kỳ năm 2015, có vẻ cho thấy nền sản xuất chưa thực sự phục hồi. Bởi nhập khẩu máy móc, phụ tùng, nguyên liệu… phục vụ cho sản xuất của Việt Nam hiện nay chiếm tới 90% kim ngạch. Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Minh Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại dịch vụ, Tổng cục Thống kê, cần phân tích kỹ hơn vào các nhóm mặt hàng trong rổ hàng hoá nhập khẩu để đánh giá khách quan về tình hình sản xuất trong nước.
Ảnh minh họa |
Bà Thuỷ phân tích, phần sụt giảm trong giá trị nhập khẩu của 9 tháng đầu năm chủ yếu rơi vào nhóm hàng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, như phân bón giảm 19,4%, thuốc trừ sâu giảm 7,4%... Đây là biểu hiện tất yếu trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp tăng trưởng yếu nhất trong vòng 6 năm trở lại đây.
Mặt khác, sự sụt giảm nhập khẩu của nhóm hàng này cũng nhờ sản xuất trong nước đã đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu thụ nội địa. Ngoài ra, còn có phần đóng góp từ giảm nhập khẩu hàng tiêu dùng, cụ thể là ô tô nguyên chiếc đã giảm 8,1% về lượng và 17,6% về giá trị. Điều này cũng phần nào cho thấy, người tiêu dùng đã hướng nhiều hơn về sản phẩm sản xuất trong nước.
Trong khi đó, đối với nhóm hàng phục vụ cho sản xuất công nghiệp, con số thống kê lại cho thấy những biểu hiện tích cực. Chẳng hạn mặt hàng xăng dầu, khí đốt hoá lỏng đã tăng trưởng nhập khẩu về lượng lần lượt là 22,9% và 21,7%. Theo bà Thuỷ, đây vẫn là nhóm hàng phục vụ nhiều cho sản xuất công nghiệp, do đó tăng trưởng nhập khẩu ở nhóm này sẽ tác động tích cực tới sản xuất trong những tháng tiếp theo.
Các nhóm mặt hàng gia công lớn như dệt may, da giày, điện tử… dù có kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu tăng nhẹ hoặc giảm... song cũng không phải là biểu hiện đáng ngại. Bởi theo bà Thuỷ, những năm gần đây các DN FDI đã đầu tư mạnh vào các ngành cung cấp nguyên liệu cho các ngành hàng này nên nhập khẩu sẽ dần giảm đi do được thay thế bằng hàng sản xuất trong nước.
“Theo thống kê của chúng tôi, tỷ lệ nội địa hoá của Samsung Việt Nam hiện đã nâng lên mức khoảng 40%”, bà nêu dẫn chứng. Như vậy, sụt giảm nhập khẩu nguyên phụ liệu cho sản xuất nói riêng và nhập khẩu nói chung không đồng nghĩa với việc sản xuất đã chững lại. Chưa kể đây còn là tín hiệu tốt, thể hiện DN trong nước đã sản xuất được hàng nguyên liệu thay thế cho nhập khẩu. Do đó, Tổng cục Thống kê đánh giá xu hướng nhập khẩu tuy thể hiện sự chững lại nói chung, song mặt khác lại cho thấy sự phát triển tích cực của nền sản xuất nội địa.
Bên cạnh sự ổn định và gia tăng đầu tư của khối DN FDI, thì đầu tư trong nước cũng không hề kém cạnh. Theo ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia, 9 tháng đầu năm số DN thành lập mới đạt 81.500 DN và quay trở lại sản xuất là trên 20.000 DN. So với DN đang hoạt động thì số này chiếm trên dưới 25%, là con số lớn. Cùng với đó, các chỉ tiêu có liên quan đến sản xuất kinh doanh là tỷ lệ sử dụng lao động trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo cũng tăng rất cao, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ổn định… cho thấy tình hình sản xuất trong các tháng cuối năm có nhiều triển vọng tích cực.
Ông Tuyến đánh giá, DN trong nước còn nhiều cửa để đầu tư, tạo động lực cho phát triển và tăng trưởng kinh tế. Đơn cử như sản xuất nông nghiệp hiện nay vẫn đang gia công từ máy cày bừa, gặt đập, trong khi phân bón, thuốc trừ sâu, giống… vẫn phải nhập khẩu. “Vậy tại sao DN trong nước không tập trung phát triển những ngành phục vụ cho sản xuất nông nghiệp trong nước như phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi, hay chế biến nông sản…?”, ông Tuyến đặt vấn đề.
Bên cạnh đó, một số ngành dịch vụ hiện đang đóng góp chưa đáng kể vào tăng trưởng, nhưng lại có độ lan toả cao đối với nền kinh tế. Chẳng hạn ngành du lịch, theo Tổng cục Thống kê sẽ tạo lan toả đối với các lĩnh vực như khách sạn, nhà hàng, bán lẻ, dịch vụ ngân hàng… Đây là những lĩnh vực mà thời gian tới nếu DN trong nước tập trung phát triển sẽ tạo động lực rất tốt cho nền kinh tế.
Đánh giá tổng quan, ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê xây dựng và vốn đầu tư cho biết, trong cơ cấu vốn đầu tư 9 tháng đầu năm, vốn của khu vực tư nhân trong nước vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất, khoảng 38%, vốn đầu tư Nhà nước là 37,6%, trong khi vốn FDI chỉ xấp xỉ 25%.
Do đó, vốn đầu tư của khu vực tư nhân hiện vẫn là động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng. Cùng đó, các số liệu về tình hình xuất khẩu, nhập khẩu, thành lập DN... đến nay đều cho thấy những tín hiệu tích cực, thể hiện gia tăng đầu tư của cả nguồn lực trong nước và nước ngoài. Đây là cơ sở để khẳng định nền kinh tế sẽ quay lại quỹ đạo tăng trưởng mạnh mẽ.